Android tự động đồng bộ dữ liệu nào?

Phần lớn dữ liệu trên smartphone, tablet Android đều được Google sao lưu tự động, tuy nhiên, bạn có biết đó là những gì?

Google tự động sao lưu dữ liệu nào?

Google tích hợp một dịch vụ có tên Android Backup Service vào Android. Ở chế độ mặc định, nó đồng bộ gần như mọi loại dữ liệu bạn quan tâm lên các dịch vụ Google tương ứng để truy cập trên web. Bạn có thể xem cài đặt đồng bộ (Sync) bằng cách vào Settings > Accounts > Google rồi chọn địa chỉ Gmail của mình.

Các dữ liệu được tự động sau lưu bao gồm:

- Danh bạ, email, tài liệu, lịch: Danh bạ Android được đồng bộ với danh bạ Google trên mạng, email được lưu trong Gmail, lịch, sự kiện được lưu trong Google Calendar.

- Một số cài đặt hệ thống: Android cũng đồng bộ một số cài đặt hệ thống, chẳng hạn mật khẩu mạng Wi-Fi để bạn lấy lại khi đăng nhập bằng tài khoản Google trên thiết bị Android khác. Nó cũng lưu cài đặt màn hình như độ sáng, thời gian chờ.

- Dữ liệu Chrome: Nếu dùng trình duyệt Chrome, các dấu trang sẽ được đồng bộ.

- Lịch sử chat Hangouts: Dữ liệu này được lưu trong tài khoản Gmail.

- Ứng dụng và các nội dung đã mua về: Bất kỳ ứng dụng nào bạn đã mua (hoặc cài đặt) đều được liên kết với tài khoản Google. Vì thế, khi mua thiết bị Android mới (hoặc nhập tài khoản sau khi khôi phục thiết bị), Android tự động tải về và cài đặt những phần mềm bạn đã cài trước đó. Bạn có thể xem lại chúng trên Play Store để không quên danh sách những thứ đã dùng hoặc đã mua. Các nội dung khác mua từ Google Play cũng gắn với tài khoản Google.

- Dữ liệu ứng dụng bên thứ ba: Các ứng dụng bên thứ ba cũng có khi đồng bộ dữ liệu với dịch vụ web. Nếu có ứng dụng chứa dữ liệu quan trọng với bạn, hãy kiểm tra xem nó có được sao lưu trên mạng không trước khi xóa.

- Dữ liệu khóa mật khẩu thông minh: Nếu dùng Chrome trên máy tính và kích hoạt Smart Lock for Password, các mật khẩu đã lưu của bạn không chỉ đồng bộ trên di động mà còn trên một số ứng dụng. Chẳng hạn, nếu lưu mật khẩu Netflix trên Smart Lock for Passwords, nó tự động có trên ứng dụng trên thiết bị di động.

- Ảnh: Nếu dùng Google Photos, bạn có thể đồng bộ ảnh trên máy chủ Google. Không như các dữ liệu khác trong danh sách, tính năng này phải được kích hoạt trước khi dùng.

Danh sách các dữ liệu tự động lưu khá dài nhưng Google thường lưu những gì quan trọng nhất để bạn không lo bị mất email, danh bạ, ứng dụng, mật khẩu Wi-Fi hay password đã lưu.

Dữ liệu không được Google tự động lưu

- SMS: Android mặc định không lưu lại tin nhắn SMS. Nếu muốn đồng bộ SMS với tài khoản Gmail, bạn làm theo hướng dẫn tại đây.

- Google Authenticator Data: Vì lý do bảo mật, Google không đồng bộ các mã Google Authenticator trên mạng.

- Cài đặt tùy chỉnh, kết nối Bluetooth, dữ liệu bảo mật: Khi cài đặt điện thoại mới mua hay khôi phục lại thiết bị, bạn cần phải kết nối Bluetooth, cài đặt tùy chỉnh và dữ liệu bảo mật một lần nữa, chẳng hạn dấu vân tay, mật khẩu màn hình khóa.

Sao lưu toàn bộ

Chúng ta không cần phải sao lưu điện thoại, tablet thủ công vì tính năng sao lưu mặc định trên Android đã đủ tốt. Tuy nhiên, vài người vẫn muốn đồng bộ mọi dữ liệu mà Android không tự động lưu như điểm game, cài đặt ứng dụng…

Nếu muốn sao lưu bằng tay mọi thứ, bạn có một vài tùy chọn sáng giá:

- Titanium Backup: Đây là “ông tổ” của các ứng dụng đồng bộ. Bạn có thể dùng phiên bản miễn phí nhưng nếu muốn mở khóa mọi tính năng, bạn phải trả thêm 6 USD cho bản Pro. Nó không dành cho tất cả mọi người mà chỉ áp dụng cho các máy Android đã root.

- Tính năng backup ẩn trong Android: Android có tính năng khôi phục và đồng bộ tích hợp sẵn không yêu cầu root máy nhưng nó đã bị ẩn đi. Bạn phải kết nối thiết bị với máy tính và chạy lệnh để truy cập tính năng này.

Du Lam (Theo Howtogeek)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/phan-mem/android-tu-dong-dong-bo-du-lieu-nao-145707.ict