Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khắc ghi ân tình và thực hiện lời căn dặn của Bác

Bắc Ninh là tỉnh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, cửa ngõ phía bắc của Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong quy hoạch vùng Thủ đô. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc, Người đã 18 lần về thăm Bắc Ninh; riêng trong hai năm 1958 và 1959, Bắc Ninh có năm lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.

Bắc Ninh là tỉnh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, cửa ngõ phía bắc của Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong quy hoạch vùng Thủ đô. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc, Người đã 18 lần về thăm Bắc Ninh; riêng trong hai năm 1958 và 1959, Bắc Ninh có năm lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.

Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khắc ghi ân tình và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với tỉnh về chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao dân trí; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; làm tốt công tác thủy lợi; về hợp tác xã; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; về công tác quần chúng; cán bộ đổi mới tác phong lề lối làm việc, chống tư tưởng bảo thủ, quan liêu, tham ô lãng phí; làm tốt công tác xây dựng Ðảng, thi đua khen thưởng... xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có. Ðây là kim chỉ nam, là động lực để tỉnh thi đua, nỗ lực lao động sản xuất, công tác đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc với các phong trào "Tất cả cho tiền tuyến", Bắc Ninh đã trở thành hậu phương vững chắc, luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ðể ghi nhận những công lao và đóng góp đó, Ðảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tám huyện, thị xã, thành phố, 41 xã, phường, thị trấn và 21 cá nhân trong tỉnh; phong tặng danh hiệu cho 1.386 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc sau khi thống nhất đất nước, Bắc Ninh cùng cả nước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh, năng động, sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương.

Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn..., đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (đến hết tháng 6-2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 74,8%; dịch vụ chiếm 22,5%); phấn đấu năm 2018 đứng trong tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp với 1.082 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,4 tỷ USD, GRDP bình quân/người đạt 6.027 USD...

Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397,68 ha, thu hút nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tập đoàn lớn, như: Samsung, Canon, Nokia, Foter Hồng Hải... vào đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ cao. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao, là động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đang dồn sức cho mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững. Trong tỉnh đã hình thành 200 vùng sản xuất lúa, 71 vùng chuyên canh rau màu, chín vùng sản xuất hoa, cây cảnh cao cấp, 20 vùng cây ăn quả tập trung. Toàn tỉnh hiện có 153 trang trại chăn nuôi, 47 trang trại trồng trọt, 27 trang trại thủy sản, 21 trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân 1,83 tỷ đồng/trang trại; có 88 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 24 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 78 vùng sản xuất chuyên canh với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Ðã hình thành nhiều vùng trồng rau an toàn, cánh đồng mẫu lớn cho năng suất, giá trị cao. Năm 2018, giá trị trồng trọt ước đạt 104 triệu đồng/ha.

Bắc Ninh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, đường điện, đường giao thông nội đồng và các kết cấu hạ tầng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ và khá hoàn chỉnh, với gần 900 km kênh mương đã được cứng hóa, 669 trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hơn 22.200 bể biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi; hơn 98% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,6% số trường học, tất cả các trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh. Ðến hết năm 2018, dự kiến có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 90,7% tổng số xã toàn tỉnh, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,6 tiêu chí/xã, vượt 30% so với mục tiêu Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra. Tỉnh có bốn huyện là Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và Từ Sơn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở tỉnh chiếm 95,76%, kiên cố hóa phòng học đạt 98,5%; 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (cao nhất cả nước); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66% (đứng thứ sáu toàn quốc); tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 ước còn 2%. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân của cả nước như mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi; trợ cấp cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; thực hiện chương trình sữa học đường cho 100% trẻ mầm non và học sinh lớp 1, lớp 2. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có công về đích sớm hơn ba năm so với kế hoạch cả nước.

Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm; các mặt công tác nội chính, cải cách hành chính được thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận một cửa tại tất cả 126 UBND cấp xã nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giải quyết công việc. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác tư pháp và cải cách tư pháp được đẩy mạnh, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại nhân dân được mở rộng.

Công tác xây dựng Ðảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực, đến giữa nhiệm kỳ đã thực hiện đạt và vượt 12 chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoạt động của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thu hút được đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia; sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường, mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân được củng cố.

Chỉ tính sau 20 năm tái lập, tỉnh ba lần được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2006, 2007 và 2012; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2012, Huân chương Ðộc lập hạng nhất năm 2017 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân. Bên cạnh những thành tích, kết quả, tỉnh cũng nghiêm túc đánh giá về một số hạn chế, nhược điểm cần sớm được chỉ đạo khắc phục để sự phát triển được bền vững hơn trong thời gian tới.

Ðể đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo hướng "Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh", Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nhược điểm, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng cao hiệu quả kinh tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới hài hòa bền vững.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, môi trường, giao thông... nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ việc thu, chi ngân sách các cấp theo quy định.

Thứ ba, hoàn thiện và đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị cho chủ trương Ðề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh theo lộ trình phù hợp với nguồn lực.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý và hiệu quả hoạt động các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, các mặt công tác tư pháp, tiếp dân, giải quyết đơn thư và công tác thanh tra. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tạo môi trường ổn định để phát triển bền vững.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trước hết là nêu cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng Ðảng, tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết hội nghị Trung ương 4, 6, 7 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Ninh, khắc ghi ân tình và lời căn dặn của Bác, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và kết quả đạt được, tăng cường đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

NGUYỄN NHÂN CHIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37848702-%C3%B0ang-bo-va-nhan-dan-tinh-bac-ninh-khac-ghi-an-tinh-va-thuc-hien-loi-can-dan-cua-bac.html