Anh cho phép các công ty đóng tàu tham gia đóng mới tàu chiến

Anh muốn đẩy mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tàu chiến giữa các công ty đóng tàu trong nước, nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng tàu chiến phục vụ cho hoạt động xuất khẩu ra thế giới.

Mô phỏng hình dáng khinh hạm lớp 31e. (Nguồn: Telegraph)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 6/9 công bố một số thay đổi trong chiến lược đóng mới tàu chiến, theo đó Chính phủ sẽ cho phép các công ty đóng tàu của Anh tham gia đóng khinh hạm lớp 31e, thay vì để Tập đoàn sản xuất vũ khí BAE Systems đảm nhận hoàn toàn công việc này.

Lý giải về sự thay đổi này, Bộ trưởng Fallon cho biết Anh muốn đẩy mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tàu chiến giữa các công ty đóng tàu trong nước, nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng tàu chiến phục vụ cho hoạt động xuất khẩu ra thế giới.

Ông Fallon cũng cho biết 40 năm qua, Anh không xuất khẩu tàu chiến mới, tuy nhiên trong tương lai quốc gia này hướng tới mục tiêu xuất khẩu tàu chiến. Chính phủ Anh cũng đang xem xét sửa đổi các quy trình và ấn định mức giá để thúc đẩy cạnh tranh giữa các công ty tham gia đóng tàu.

Trong chiến lược lần này, Bộ Quốc phòng Anh cũng công bố mức trần để đóng mới 5 tàu chiến với giá không quá 250 triệu bảng/chiếc. Đây được cho là mức giá thấp hơn mức giá đóng một tàu hộ tống - kiểu tàu chiến nhỏ, cơ động, trang bị vũ khí hạng nhẹ, thường nhỏ hơn một chiếc khinh hạm mà các nhà đóng tàu nước ngoài thường ra giá 375 triệu bảng/chiếc trong 10 năm qua. Tuy không coi hoạt động xuất khẩu tàu chiến là nhiệm vụ trọng tâm của mình nhưng Bộ Quốc phòng và Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng sản xuất tàu chiến luôn phải gắn với thị trường quốc tế.

Anh có kế hoạch đóng 19 khinh hạm và tàu khu trục, coi đây là lực lượng tàu nòng cốt của hạm đội hải quân Hoàng gia Anh. Khinh hạm lớp 31e đầu tiên dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2023, loại tàu này được Anh đánh giá nhiều khả năng sẽ phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Anh đã ký hợp đồng đóng mới 8 khinh hạm lớp 26 với tập đoàn BAE, với giá 3,7 tỷ bảng Anh cho 3 chiếc đầu tiên.

BAE Systems là một trong những tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới về công nghệ với quy mô sản xuất các loại vũ khí tiên tiến nhất trên thế giới. Với tiềm lực chất xám và sự hậu thuẫn mạnh về tài chính, BAE Systems có mặt trong hầu hết các lĩnh vực quân sự công nghệ cao, như sản xuất máy bay chiến đấu, máy bay dân dụng, máy bay không người lái, thiết bị điện tử quốc phòng công nghệ cao, vũ khí chống tàu ngầm (ASW), thiết bị hệ thống chỉ huy điện tử C3I, các loại tên lửa, hệ thống tấn công và phòng thủ không gian, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục và tàu sân bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-cho-phep-cac-cong-ty-dong-tau-tham-gia-dong-moi-tau-chien/464979.vnp