Anh - Đức củng cố quan hệ

Chuyến công du Anh của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào cuối tuần qua nhằm nỗ lực cài đặt lại mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn nhất châu Âu với London thời hậu Brexit.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London. Ảnh: Reuters

Kể từ khi bà Angela Merkel trở thành Thủ tướng Đức cách đây 16 năm, đây là chuyến công du Anh lần thứ 22. Song, sứ mệnh lần này dường như đặc biệt hơn bởi Vương quốc Anh đã cắt đứt mọi ràng buộc với Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1-1-2021 và bà Merkel sẽ rời cương vị Thủ tướng Đức vào cuối năm nay. Đặc biệt, bà là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước nội các Anh kể từ năm 1997. Vì vậy, theo AP, bà Merkel hy vọng chuyến đi này sẽ cài đặt lại quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng liên quan đến vấn đề Brexit (Anh rời EU).\

Hãng tin AP cũng cho biết, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ mối quan tâm đối với một hiệp ước giữa Đức và Anh nhằm củng cố một mối quan hệ mới. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Boris Johnson, bà Merkel nhấn mạnh: “Hiện Anh đã rời EU, cơ hội tốt để mở ra một chương mới trong mối quan hệ của chúng ta”. Nhà lãnh đạo Đức muốn tìm kiếm giải pháp lâu dài liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland, sau đó mới xem mối quan hệ giữa Anh và EU có thể phát triển tới đâu.

Anh đã rời EU nhưng vùng lãnh thổ Bắc Ireland là “biên giới cứng” giữa xứ sở sương mù với liên minh gồm 27 thành viên. Theo thỏa thuận Brexit, vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan. Vì vậy, thực phẩm của Anh khi vào Bắc Ireland phải trải qua kiểm tra hải quan. Anh và EU cũng đã ký Nghị định thư Bắc Ireland; theo đó, EU cử các nhân viên hải quan đến Bắc Ireland, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, kiểm tra hàng hóa đi qua các cảng, bảo đảm hàng hóa khi vào Bắc Ireland phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường EU.

Phía Anh muốn kéo dài thêm 3 tháng việc miễn trừ kiểm tra hải quan đối với thịt đông lạnh và thịt chế biến nhập khẩu vào Bắc Ireland, thay vì việc miễn trừ hết hạn vào ngày 30-6. Thủ tướng Merkel cho rằng, việc gia hạn 3 tháng nói trên sẽ giúp có thêm thời gian tìm kiếm một giải pháp lâu dài.

Một vấn đề khiến Thủ tướng Johnson không hài lòng là người đồng cấp Đức Merkel có quan điểm cứng rắn trong việc ngăn người Anh vào các nước EU, bất kể du khách có tiêm vắc-xin hay không, bởi biến thể Delta đang hoành hành tại xứ sở sương mù trong mùa cúp bóng đá châu Âu. Thậm chí, bà Merkel muốn đưa người Anh vào diện “một quốc gia đáng ngại”.

Giờ đây, tại cuộc họp báo chung ở London, Thủ tướng Merkel nói rằng, trong thời gian tới, những công dân Anh đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ liều có thể đến Đức mà không phải thực hiện cách ly. Về phía Anh, chính phủ nước này hy vọng có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng, chống Covid-19 vào ngày 19-7 tới để mở cửa nền kinh tế trở lại. Hiện gần 75% người lớn ở Anh, bao gồm 95% người từ 80 tuổi trở lên, đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19, theo báo The Independent.

Thủ tướng Johnson kỳ vọng tất cả những bất đồng trong quan hệ với Đức hay với EU sẽ sớm được tháo gỡ để “một chương mới” diễn ra êm đềm hơn, hạn chế những rào cản. Theo đó, chuyến công du của Thủ tướng Merkel là cơ hội để hai nước củng cố mối quan hệ, “hạ nhiệt” những căng thẳng thời hậu Brexit, mở đường để London thực hiện chính sách “nước Anh toàn cầu”.

VĨNH AN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202107/anh-duc-cung-co-quan-he-3884156/