Anh em họ

Chả biết có chuyện gì mà khoảng chín giờ tối, nhà Tần Cối ầm ĩ cả lên. Hàng xóm hóng sang nghe tiếng được tiếng mất. Không nghe thấy vợ con lão nói gì, chỉ tiếng lão oang oang át cả tiếng đài truyền thanh của xã đang phát bản tin đột xuất nhắc nhở bà con ra đồng trừ sâu diệt chuột bảo vệ dàn lúa hè thu

- Mẹ những loại mất dậy. Có học mà không có tý văn hóa nào. Tao đẻ ra mày, tao là người lãnh đạo ở nhà này. Thế mà mày không nghe tao. Mày cãi tao tức là không có quân trị quân nhậm.

Có tiếng đàn bà. Chắc là vợ lão Tần. Vì nhà chỉ có ba người là vợ chồng lão và thằng con tên Danh. Chả nghe thấy tiếng vợ lão nói gì nhưng lại nghe lão gầm lên:

- Việc gì tao phải nói bé. Khuất tất gì phải nói bé. Tao đây làm việc gì cũng phải quang minh chính đại.

Ngừng một tý. Lại tiếng của lão xoe xóe dù lần này có vẻ đã hạ volum một tý:

- Làm người phải biết trên biết dưới. Phải biết đâu là họ tộc đâu là người ngoài. Giọt máu đào hơn ao nước lã. Mà có đông anh đông em cho cam. Đằng này nhõn vài mống giai đinh thì làm gì cũng phải có nhau. Ấy là thằng bố nghĩ thấu tình đạt lý. Dưng mà con vợ mấy lị thằng con lại chống đối ra mặt phá hoại đoàn kết họ tộc... Đúng là quân phản động.

Lần này là tiếng nói đàn ông. Chắc tiếng thằng Danh. Nhưng không ai biết hắn nói gì. Chỉ nghe lão Tần gầm lên còn to hơn tất cả các lần trước cộng lại:

- Không thì xéo. Xéo ngay khỏi nhà tao. Mày tưởng tao cần à. Không có họ tộc liệu mày có được như hôm nay. Cút nhá! Xéo nhá! Đừng bao giờ quay giở lại cái nhà này. Tao kiên định lập trường đã nói là làm. Tao mà chết đã có anh em nhá. Không cần đến mặt mày.

Lát sau, mọi người thấy tiếng xe máy rồ lên, rồi đèn pha quét ra ngõ. Thằng Danh ngồi trên xe hấp tấp phóng đi như ma đuổi. Ánh đèn chọc màn đêm rồi mất hút, tiếng động cơ xa dần và chìm nghỉm trong bóng tối.

Thay cho tiếng của Tần Cối là tiếng khóc i ỉ của vợ lão.

Hàng xóm thụt đầu vào nhà. Không biết nhà lão Tần Cối có chuyện gì mà bố chửi con tàn tệ đến nỗi thằng con phải bỏ đi ngay trong đêm như thế.

Nhà bên, lão Côn Cù Lần dằn cái chén xuống mặt bàn: “Đểu! Tổ sư thằng Cối”.

*

Côn Cù Lần chửi vậy là phạm thượng.

Vì Tần Cối và Côn Cù Lần là anh em con chú con bác. Bố Côn là con nuôi nhưng được làm anh bố Tần. Ông bà nội ngày xưa lấy nhau cả chục năm đẻ vài ba bận nhưng chẳng đậu được người con nào. Năm đói bốn nhăm cụ thấy một thằng bé chưa đầy tuổi đang nằm thoi thóp góc chợ vắng. Hỏi xung quanh thì không ai nhận. Vốn thương người lại hiếm muộn nên bế về nuôi, chăm chút như con đẻ. Như được giời phù hộ, ba năm sau ông bà sinh được bố Tần. Ông nội chia đều mảnh đất của mình cho hai con. Con đẻ con nuôi mỗi người một nửa dọc theo chiều may bể. Con chuyển cho cháu. Côn Cù Lần nửa Đông còn Tần Cối phía Tây. Đất hương hỏa tổ tông để lại ai có phần nấy đã rất công bằng. Tưởng như vậy thì mọi sự đều êm đẹp.

Nhưng ông anh Côn thì róc đời tính toán. Côn xây cái bếp quay hướng đông dọc theo mốc giới chỉ cách độ dăm chục phân. Rồi trồng vào chỗ đất thừa sát tường bếp một hàng chuối. Mỗi năm chuối ra một buồng, cây mẹ đẻ cây con. Cụm chuối sát mốc giới cứ mỗi năm lại nhô ra một mầm chuối về bên Tây do phía Đông không còn đất ăn. Năm năm sau mốc giới đã chuyển sang sân nhà Tần cỡ hơn một mét…

Tần tức mà không làm gì được. Đành vu vơ chửi bố thằng cù lần ăn cướp lấn đất. Côn đứng chống nạnh hất hàm hỏi em rằng: “Láo! Chửi ai? Cối chày vừa vừa thôi! Phải biết trên biết dưới. Nhà có hai anh em. Chú chửi bố tôi tức là chửi bố chú. Suy rộng ra là chửi ông nội. Đất đai ông nội chia cho hai nhà. Ai lấn. Chú nói xem ai lấn? Từ mai tôi gọi chú là Tần Cối!”.

Tần nín thít. Rồi xin lỗi ông anh. Nhưng về đêm nằm nghĩ mà tức điên người. Đành đào một cái rãnh sâu gần mét đằng sau bếp nhà Côn, để chuối không bò sang được nữa. Công cuộc lấn chiếm của Côn tạm ngừng.

Tên “Tần Cối” có từ đấy.

Nhưng Côn chả vừa. Lão cho nước thải nhà mình tuôn cả vào cái rãnh. Hàng ngày đủ loại từ cây chuối đã ăn buồng đến cọng rau thừa, từ mớ ruột gà rù đến cả gà con chết nhà Côn cứ hồn nhiên cho xuống rãnh. Đã thế ông anh còn kê một miếng bê tông trên bờ rãnh phía nhà mình để vào buổi tối Côn đứng thải nước thừa trong người. Vừa tiện vừa mát mà chẳng phải đi xa. Xong ông anh đứng vảy vảy của quý tủm tỉm cười nhìn cái rãnh cạnh sân nhà Tần đang dềnh lên rác rưởi khai thối nhức mũi… Dĩn bọ đậu kín váng nước. Nhà Tần vốn nghèo, sơ sài tranh tre lại sân đất cạnh cái rãnh ấy trở thành công ty nuôi muỗi. Thằng cu Danh ngày mới đẻ bị muỗi cắn tím hết mình mẩy chân tay như thể phát ban.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Xót con, Tần chửi tổ sư loại cù lần. Tên “Côn Cù Lần” cũng có từ ngày ấy.

Mãi khi thằng Danh vào học lớp ba thì Tần mới tích cóp được tý tiền lấp cái rãnh và mua được ít gạch xỉ xây bức tường dọc biên giới sau khi bị lấn chiếm thì tình trạng ô nhiễm muỗi bọ mới chấm dứt.

Nhưng cái tên Côn Cù Lần vẫn tồn tại dù cái rãnh không còn.

Côn Cù Lần sinh nhõn một con gái rồi vợ tịt hẳn không đẻ đái gì nữa. Tần Cối lấy vợ muộn, khi lão sinh thằng Danh thì con gái của Côn đã đến tuổi cập kê. Mấy năm sau Côn gả con gái cho một anh cán bộ huyện và đưa con rể về ở chung. Thằng cháu ngoại của Côn chỉ kém Danh chừng ba bốn tuổi. Cái rãnh không còn nên hai đứa chơi với nhau thân thiết lắm.

Côn Cù Lần có tý cháu ngoại nên quý hóa, chiều như chiều vong. Lão làm cán bộ xã, con rể cán bộ huyện nên kinh tế dồi dào. Đứa cháu ngoại đòi gì được nấy. Quen thói được chiều chuộng nên thằng cu này khi sang chơi với cậu Danh thấy cái gì của cậu mà hắn thích là cầm luôn về nhà. Nay cục tẩy, mai cái bút, ngày kia cái đồ chơi. Danh sang đòi thì nó nằm lăn ăn vạ bảo của con chứ. Thế là ông bác họ túm lấy cổ áo thằng Danh rồi trợn mắt quát: “Của mày à?”. Thằng cháu nhìn đôi mắt vằn lên dưới lông mày sâu róm như lãnh tụ Tàu của bác họ thì hết hồn. Vậy là nín thít bỏ của chạy lấy người.

Đêm về cu Danh luôn bị ám ảnh đôi mắt dữ tợn như mắt hổ rừng của ông bác họ. Nhiều khi nó giật mình khóc thét trong giấc ngủ. Tần Cối thở dài thương con nhưng sợ anh nên không dám nói. Nhiều hôm Tần Cối phải sang phân trần rằng thứ này em mua cho thằng Danh. Cháu ngoại bác lấy đưa về chứ thằng Danh nó không dám nhận xằng. Lúc ấy Côn Cù Lần thủng thẳng bảo rằng: “Chú chả hiểu gì sất! Ngoại đâu mà ngoại. Thằng cháu tôi đã mang họ nhà ta thì nó là người nội tộc. Mà đã là người trong họ thì đứa lớn phải biết nhường đứa bé. Chú không nhớ trước lúc ông nội mất còn gọi hai anh em mình đến dặn dò rằng thì là bố chúng mày ngày xưa coi nhau là anh em ruột, giờ chúng mày phải coi nhau là anh em ruột, phải nhường nhịn nhau à. Chú nói thế làm hư trẻ con”.

Tần Cối coi lời ông nội dặn là thiêng liêng bất hủ rồi nhìn ông anh phương phi vương trưởng lại làm cán bộ, nghĩ mình là phận dân đen nên đành cúi mặt mà về.

Năm thằng Danh lên lớp bốn là năm ông bác lên làm lãnh đạo xã. Côn Cù Lần về bảo Tần Cối rằng tôi chẳng kém cạnh gì so với thiên hạ dưng mà chú thì mãi không ngóc đầu lên được lẹt đẹt nông dân hạng chín. Nghĩ cũng xấu hổ. Xem mấy nhà ngoại cảm người ta bảo rằng mộ cụ tam đại tức là mộ ông nội chúng mình chưa kết phát. Đợt này tôi với chú phải cố mà góp nhau xây lăng mộ cụ cho thật hoành tráng. Trước là báo hiếu các cụ, sau là cho yên ổn âm phần. Có vậy thì con cháu làm ăn mới phát lên được. Tần Cối cho là phải. Lão về bảo vợ bắt tất cả gà vịt cùng ổ lợn con kèm cả con lợn nái đem bán mà còn phải vay chục triệu nữa mới đủ góp với anh họ xây lăng mộ cho ông nội.

Hôm khánh thành, Côn Cù Lần phân công:

- Chú ở nhà lo việc hậu cần, tôi cùng với mọi người ra mộ để làm lễ khánh thành.

Tần Cối vâng dạ. Chợt nhìn thấy ông anh ôm một bọc giấy báo to như cái giành tích mới hỏi rằng:

- Gớm, bác mua được quả dưa to thế. Dưa này chắc dưa ngoại?

Côn Cù Lần nhếch mép:

- Đây là pháo Điện quang của Nhà máy quốc phòng sản xuất. Cháu chú, con rể tôi phải nhờ mãi người trên Thủ đô mới mua được.

Ngày ấy chưa cấm pháo. Nhưng pháo là hàng xa xỉ nên cực đắt. Nghe vậy Tần Cối chép miệng:

- Anh bày vẽ quá. Các họ khác người ta vài bánh pháo tép cũng xong. Đốt pháo to như thế này khác nào đốt tiền.

Côn Cù Lần trợn mắt:

- Người đâu chỉ nói ngang. Họ ta khác. Lăng mộ cụ to nhất làng mà lại đốt pháo tép lẹt đẹt như rang vừng ấy à. Phải hoành tráng chứ không thể úi xùi.

Đang đánh tiết canh làm cỗ chợt nghe một người trong họ chạy về:

- Ối ông Tần ơi là ông Tần ơi… ra ngay lăng cụ. Thằng Danh nó chết rồi.

- Sao sao nó chết?

- Pháo. Bị pháo!

Ông bố mặt sắt lại, phóng ngay ra nghĩa trang. Nửa đường gặp người trong họ đang vác thằng Danh chạy ngược về. Trên vai ông em họ, thằng bé gập rũ người như cái ruột tượng gạo, hai tay thõng thượt. Từ bàn tay trái máu ròng ròng chảy. Người vác thằng bé hổn hển vừa thở vừa nói: “Chưa chết. Chỉ mất hai ngón tay. Đi trạm xá ngay. Đi!”. Tần Cối vội chạy theo mồm miệng méo xệch vừa chạy vừa khóc: “Ối con ơi là con ơi. Sao đến nông nỗi này. Hoành tráng cái con kẹc. Hoành tráng để chết con tôi. Chỉ được cái bệnh sĩ”.

Dọc đường nghe mọi người kể vào tai câu được câu chăng, ông bố tội nghiệp mới biết được sự thể. Pháo Điện quang nổ to lắm, nổ to đến nỗi nhiều quả pháo không kịp cháy tung ra đất. Bọn trẻ xúm vào nhặt pháo tịt. Thằng cháu ngoại của Côn nhặt được quả pháo cối chưa nổ cầm trên tay, đang khoái chí… chợt thấy cái ngòi xì khói. Nó vội dúi vào tay thằng Danh đang đứng xem bên cạnh. Cu Danh vừa cầm quả pháo chưa kịp hiểu gì thì đoành một phát. Thằng bé ngã vật xuống. Tưởng chết.

May mắn cu Danh chỉ mất một đốt ngón trỏ và một đốt ngón cái bàn tay trái. Ra trạm xá người ta cấp cứu làm vệ sinh, tra thuốc băng bó rồi cho nằm điều trị. Nghĩ tới nhiệm vụ anh giao, Tần Cối giao cho vợ trông con rồi phải về tiếp tục công cuộc tiệc mừng khánh thành…

Vừa ló mặt vào sân đã thấy Côn Cù Lần oang oang:

- Phải nói cụ nhà ta thiêng. Phúc đức chỉ bị vào thằng chắt nội. Chứ hôm nay mà vào thằng cháu ngoại tôi thì gay. Biết ăn nói thế nào với đằng nội nhà nó.

Tần Cối khựng người. Máu dồn lên mặt. Không chịu nổi nữa, lão xông đến Côn Cù Lần:

- Thiêng cái cục cứt! Nói vậy ra mạng con tôi là cứt còn giống nhà anh lá ngọc cành vàng à? Mở mồm nói vậy mà nghe được à?

- Láo! Mày láo. Hôm nay khánh thành lăng cụ mà mày dám bảo cụ thiêng cái cục cứt. Mất dạy! Đấy nhá… Cả họ đã thấy nhá. Mày coi con mày còn hơn cả cụ đẻ ra bố mày à? Báo cáo cả họ, tôi phải cho thằng này cái tát.

Rồi giơ tay tát luôn. Tần không kịp tránh nên lĩnh trọn bàn tay ông anh tác động vào mặt. Lão lủi thủi về nhà với vết bàn tay ông anh đỏ hằn trên má.

Độ khoảng tháng sau khi thằng cu Danh đã lành bàn tay, Tần Cối nhớ lời ông nội dạy ngày xưa và tự kiểm điểm thấy mình nói vậy là láo với các cụ thật. Hơn nữa, gì thì gì Côn Cù Lần cũng là anh, là trưởng họ. Anh tát em thì cũng là nhẽ bình thường(!) Nếu cứ oán thù sẽ bị lão khai trừ ra khỏi họ thì mình chả ra cái thằng người. Vậy là lúc cúc sang xin lỗi. Được thể Côn Cù Lần ngồi thuyết giảng cho ông em phải ăn ở sao cho hợp đạo lý uống nước nhớ nguồn, phải biết trên biết dưới.

Nhưng Tần Cối mỗi lần sờ lên má vẫn cảm thấy gợn vết bàn tay Côn Cù Lần. Và thấy nhục. Chả mấy ngày lão không bảo với thằng Danh: “Phải cố mà học. Mất hai ngón tay thành ra tật nguyền chả thể làm việc thông thường được nữa. Nếu không chịu khó mà học thì sau này ra ngồi góc chợ ăn mày con ạ. Mày phải học để tao mở mặt với họ tộc chứ không thì nhục lắm con ạ. Học sao cho hơn lão Côn mấy lị thằng con rể của lão í thì tao mới thỏa lòng”.

Được bố liên tục bồi dưỡng ý chí. Thằng Danh coi ông bác và cả nhà ông ta như kẻ thù truyền kiếp. Để thắng kẻ thù thì phải học hành cật lực. Năm nào hắn cũng học sinh giỏi. Học xong cấp ba thi đỗ luôn Đại học Bách khoa. Tần Cối cười khơ khơ nói rằng mày đã cho bố mấy trăm triệu. Nhiều đứa bỏ tiền tỷ cũng chả vào được Đại học ấy chứ. Và vợ chồng nai lưng ra cấy ruộng, làm thuê để lấy tiền cung phụng cho con trai ăn học.

Côn Cù Lần đã về hưu. Lão mở cửa hàng vật liệu xây dựng bán xi măng, tấm lợp. Nghe thằng cháu vào đại học thì lão cũng hí hởn kể công. Rằng thằng con Tần Cối không có tôi cũng có mà vào đại học được khối. Nhờ có tôi, nhờ cái quả pháo Điện Quang ngày xưa kích thích tính phấn đấu cho nó. Chứ cái ngữ con một mà không có tính phấn đấu cao thì chỉ có nước ăn bám.

Tần Cối ngẫm nghĩ thấy cũng phải. Lại nhớ lời ông nội anh em phải nhường nhịn nên lại sang nhà Côn Cù Lần làm hòa. Côn Cù Lần khen: “Chú cũng biết điều đấy. Anh quý! Từ mai có khó khăn gì cứ sang anh giúp. Anh em đi đâu mà thiệt”.

Năm ấy có bão to. Đài nói rằng bão đi vào Quảng Ninh. Đùng một phát nó quay ngoắt vào Nam Định. Cả làng chả ai kịp trở tay. Nhà Tần Cối bay mất cái nóc chuồng lợn. Lứa lợn con mới đẻ với một nái sề ngấp ngoái trong mưa.

Tần Cối sang nhà Côn Cù Lần nói anh bán cho em vài chục tấm lợp để làm lại cái chuồng lợn. Giờ em kiếm được đồng nào thằng con nó xào đồng ấy nên không có tiền. Anh bán chịu cho em để cố giữ lứa lợn. Ông anh ngẩn người một lúc rồi miễn cưỡng gật đầu vì nhớ ra đã trót nói với Tần Cối rằng khi nào khó khăn thì sang đây, anh giúp. Trước lúc cho Tần Cối lấy hai mươi tấm lợp thì Côn còn giao kèo khi bán lợn phải giả tiền anh ngay.

May mắn đợt ấy chàng sinh viên Danh cũng đang nghỉ hè. Hai bố con tha tấm lợp về kẻ bê người đỡ đưa lên mái chuồng lợn. Trước mắt đặt tạm che mưa cứu đàn lợn đã. Đợi nắng lên mới làm chắc chắn.

Công việc vừa xong, hai bố con Tần - Danh ngồi hí hóp thở mà bụng thì mừng rơn vì đàn lợn đã an toàn. Định quay vào nhà chợt thấy ba thanh niên trèo lên mái chuồng lợn dỡ tấm lợp xếp vào xe công nông. Tần Cối chạy ra định giữ lại thì thấy ông anh ở bên nhà đang chỉ tay quát: “Mấy thằng cứ dỡ hết xuống. Tội đâu tao chịu. Làm nhanh để chuyển đến nhà người ta cho kịp. Tiền tao đã nhận đủ rồi”.

- Đã đồng ý bán cho nhà tôi rồi sao lại đòi lại? - Chàng sinh viên chạy đến sát biên giới nhà mình hỏi ông bác cũng đang đứng trên đất nhà ông ta. Cách nhau chỉ hơn mét.

Côn Cù Lần thản nhiên:

- Không bán được thì tao mới bán chịu! Bây giờ có khách đem tiền tươi đến mua thì tao phải bán cho họ. Vốn liếng phải quay vòng chứ không thể để chết được. Hiểu chưa? - Rồi lão vằn mắt vặc lại thằng cháu - Mà mày xưng tôi với ai đấy hả thằng kia?

- Xưng tôi với ông đấy. Ông ăn ở thất đức.

- Láo! Thằng này láo! - Côn Cù Lần sấn tới. Mày không biết đâu là trên đâu là dưới. Tao tát vào mặt bây giờ.

Nghe đến đây thì Danh không chịu nổi nữa. Nỗi nhục ngày xưa khi nó mất ngón tay, bố nó bị tát… như thể dầu sôi gặp lửa.

- Mồm ông xoen xoét anh em phải thương yêu nhau. Nhưng luôn giở trò cù lần khốn nạn. Cả nhà tôi phải nhịn ông mấy chục năm nay. Đối với họ này ông chỉ là người ngoài. Đối với bố tôi ông chỉ là anh hờ. Vậy nên ông không là gì đối với tôi nhá.

Côn Cù Lần uất nghẹn cổ xông tới. Danh lùi lại thế thủ đợi lão ta bước sang đất nhà mình… Ông bác hờ đang cơn hăng bước tới vung tay. Danh giơ tay trái còn ba ngón nắm lấy cổ tay Côn Cù Lần đồng thời tay phải giang thẳng cánh vả vào mặt đối thủ.

- Ông áp đảo tại gia à! Sang nhà tôi đánh tôi à! Cho biết thế nào là phải trái nhá.

Ông bác hờ ngớ người. Khi Danh bỏ tay ra thì ông ta vội ôm má chạy về nhà. Quai hàm tê cứng. Soi gương trên má đỏ bầm vết hằn năm ngón tay thằng Danh: “Thằng chó! Ông sẽ kiện”. Sực nhớ ra mình sang nhà nó đòi đánh nó thì nó tự vệ chính đáng. Kiện giời. Lão nuốt cục tức vào bụng. Côn Cù Lần nằm một tháng giời không dám ra ngoài vì nhục.

Tần Cối thấy vậy thì hả hê nhưng nơm nớp lo. Lão cũng im thin thít ngồi trong nhà cả tháng phấp phỏng đoán non đoán già xem Côn có đi kiện không. Thằng Danh nói với bố: “Thách lão ấy đi kiện. Đấy là con đòi lại lão cái tát ngày xưa lão nợ bố đấy”.

Thằng Danh lên trường. Tần Cối thấy chống chếnh không có người bảo vệ. Lại nhớ lời ông nội phải coi nhau như anh em ruột rồi nghĩ dù người ngoài thì Côn Cù Lần cũng là hàng xóm cận kề. Thôi mình xuống nước cho lành. Vậy là lại lúc cúc sang ngọt nhạt xin lỗi anh. Em hứa sẽ dạy bảo cháu.

Côn Cù Lần lạnh mặt ừ hữ.

Danh ra trường xin được việc làm ở Thủ đô có thu nhập khá. Hắn chăm chỉ làm ăn tích cóp mua được cái nhà. Vợ chồng Tần Cối hỉ hả. Rồi Danh báo tin chuẩn bị cưới vợ. Vợ hắn là con nhà gia thế ở Thủ đô. Hai bên đã định ngày cưới chỉ chờ nhà trai lên thưa chuyện. Tần Cối chỉ còn nước nhảy lên mà múa. Sướng thế! Ước mơ đã thành hiện thực. Nhưng đêm lại nằm nghĩ người ta gia thế tiếng tăm vậy mà mình chân đất mắt toét ăn không nên đọi nói chẳng nên nhời, biết nói cái gì, nói làm sao. Rồi lại chuốc lấy cái sự xấu hổ cho con cái. Vậy là sang bên ông anh hờ nói khó với anh rằng chẳng gì anh cũng là cán bộ lãnh đạo, vóc dáng phương phi, ăn nói có bài có vở. Anh giúp em làm trưởng đoàn họ nhà trai lên thưa chuyện với người ta cho môn đăng hộ đối.

Côn Cù Lần rung đùi ngồi nghe ông em hờ trình bày. Nghe xong lão lạnh mặt nghiêm giọng:

- Chú nghĩ vậy là phải. Đúng theo nhời ông nhà ta đã dạy anh em phải đùm bọc nhau. Dưng mà thằng con chú nó có coi tôi là anh bố nó, là bác của nó hay không? Nó dám đánh tôi tức là dám đánh bố nó. Suy rộng ra là nó đánh ông cụ nhà ta. Chú nghĩ có phải không? Nếu chú muốn tôi đi nói chuyện người nhớn làm thủ tục cưới vợ cho nó thì bảo nó sang đây quỳ xuống xin lỗi thì tôi mới xem xét thái độ để có đồng ý hay không. Phải có tôn ti trật tự trên dưới rõ ràng. Rõ chưa?

Tần Cối vâng dạ. Vội vàng về bàn với vợ con. Thằng Danh kiên quyết không chịu làm theo yêu cầu của Côn Cù Lần. Vậy là bố con cãi nhau. Tần đuổi con cút xéo lúc đêm hôm và thằng Danh phóng đi luôn không ngoái lại.

*

Hơn một năm Danh không về nhà. Vợ chồng Tần Cối buồn héo hắt. Nhiều lúc Tần Cối ngồi tự hỏi mình tại sao thanh niên bây giờ nó không biết nhẫn nhịn, chả giống ngày xưa. Mình làm gì cũng phải giữ hòa khí họ tộc xóm làng. Nhưng nghĩ lại thì cái sự nhẫn nhịn biết điều chỉ có thể với người tử tế. Đối với kẻ lươn lẹo tham lam, mình càng nhẫn nhịn thì càng nhiều phiền phức thiệt thòi. Chả vậy mà các cụ bảo đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Còn chúng nó giờ thì yêu ghét thẳng băng không lập lờ nước đôi. Chính cái sự thẳng băng ấy cho người ta đỡ vướng bận để không phải lo những thứ vớ vẩn mà tránh được các hệ lụy về sau.

Tần Cối từ ngày con không về nhà cũng không anh anh em em gì với Côn Cù Lần nữa. Dẫu vẫn nhớ lời ông cụ dặn nhưng nghĩ cho cùng kẻ tham lam cạn tình cạn nghĩa như Côn Cù Lần thì chả nên dây vào làm gì. Thôi thì việc ai người ấy làm. Vả lại giờ cả làng cả tổng đều biết bộ mặt thật của lão nên chả ai muốn quan hệ. Suốt ngày lão ru rú xó nhà. Đến nỗi người ta đã quên lão coi như lão chẳng có mặt trên đời này.

Danh từ sau khi bỏ đi thì lên Hà Nội với người yêu. Chúng đăng ký kết hôn rồi về ở với nhau. Nghe đâu sắp có con.

Một hôm vợ Tần Cối thẽ thọt:

- Ông này. Vợ Danh nó sắp đẻ. Nhẽ tôi phải lên với vợ chồng nó.

Tần Cối gắt:

- Ở nhà. Kệ nó!

Bà vợ thong thả:

- Ơ cái ông này hay nhỉ. Con mình, cháu mình, máu huyết nhà mình mà bảo kệ được à. Mà ông kệ là việc của ông. Tôi cứ đi. Máu mủ ruột rà thì không lo lại chỉ sợ mất lòng anh họ hờ.

Biết vợ móc máy nhưng Tần Cối phải ngồi im vì mụ ấy nói có lý. Hơn nữa con mình nó biết rửa nhục cho mình chứ không thì suốt đời chịu lép trước ông anh họ hờ. Vậy là Tần Cối không nói gì, lão thở dài lùi lũi lên giường nằm.

Độ mươi hôm sau vợ lão điện về ríu rít khoe:

- Đẻ rồi. Con giai nhá. Giống thằng bố nó như đúc. Vợ nó bảo mời ông lên với cháu.

Tần Cối đánh sóng trong bụng. Sướng. Lên chức ông nội rồi. Có cháu đích tôn rồi. Lão ngồi tưởng tượng đến ngày xưa khi bế thằng Danh lúc mới đẻ. Ai cũng khen là nó giống mình. Thằng con nó giờ giống nó. Vậy là nó giống mình. Bà này khéo thật.

Hay là bảo vợ chồng nó đưa con về nhà… Nhưng quyền gì mà đưa con người ta về nhà mình. Đã cưới xin gì đâu. Lại nữa nhà cửa còn lúi xùi. Và chợt nhớ đến thằng bố nó lúc còn bé bị muỗi đốt đến phát ban. Không được!

Có nhẽ phải lên thăm cháu. Dưng mà lên đấy gặp thông gia thì biết ăn nói thế nào?

Làm sao bây giờ?

Suốt cả đêm Tần Cối băn khoăn. Có nên đi hay không? Có nhẽ phải sang hỏi ông anh. Không được! Hỏi lão là hỏng việc. Việc nhà mình. Mình phải quyết.

Sao lại băn khoăn với thông gia nhỉ. Cháu nội mình, cháu ngoại ông ấy. Đều là ruột rà máu mủ. Chả câu nệ. Mình cứ lấy nhẽ thật thà mà đối xử thì thông gia cũng thông cảm. Đơn giản vậy thôi!

Nghĩ vậy lão thấy nhẹ cả người.

Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/anh-em-ho-559606/