Anh em 'nồi da xáo thịt' chỉ vì chút đất cha mẹ chia không đồng đều

Ông Hai chép miệng thở dài ngao ngán: 'Không có của để lại cho con cái cũng khổ, mà có của càng khổ hơn!'.

Bao nhiêu năm làm lụng cực khổ, nhịn ăn nhịn mặc, ông bà Phạm Văn Hai (ngụ quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) mới dành dụm mua được một miếng đất nho nhỏ. Ba người con của ông, hai trai một gái, đều là những đứa con siêng năng, ngoan ngoãn và hiếu thảo. Do gia cảnh nghèo khó nên ông bà không lo cho các con ăn học được nhiều như người ta, giờ cũng đã gần đất xa trời, có một ít đất để lại cho các con gọi là kỷ niệm, cũng là để bù đắp phần nào cho chúng. Lại nghĩ đến khi mình mất đi, sợ con cái tranh giành nhau đâm ra mất tình đoàn kết anh em, chi bằng bây giờ ông bà chia cho mỗi đứa một phần để chúng có chút đất canh tác làm kế sinh nhai.

Nghĩ theo lề thói xưa nay, ông bà Hai bàn bạc với nhau: Hai anh con trai còn phải nuôi vợ con, sau này nó còn nối dõi tông đường, còn thờ tự tổ tiên nhà mình nên chia cho anh Quốc và anh Thân nhỉnh hơn phần chị Minh một chút.

Nói nghe đơn giản, chừng đụng thực tế mới trở nên phức tạp. Nếu đinh ninh việc phân chia đất không đồng đều của ông lại khiến cho các con lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình” thì ông đã không làm như thế. Giờ con gái phải vướng vòng tù tội, anh em bất hòa hiềm khích với nhau, lỗi một phần cũng là do ông cạn nghĩ. Càng nhớ đến, lòng dạ ông càng như bị ai vò xé. Gà cùng một mẹ chiu chít bên nhau bao nhiêu năm tình thân nghĩa thiết, ngày nay vì một chút đất mà các con ngoảnh mặt, đối đầu với nhau. Người làm cha như ông thật không có gì hối tiếc hơn nữa.

Mảnh đất nơi diễn ra tranh chấp

Mảnh đất nơi diễn ra tranh chấp

Con gái ông Phạm Văn Hai, chị Phạm Yến Minh vô cùng bức xúc khi thấy anh và em trai được cha chia cho phần đất hơn mình. Bản thân chị cũng biết, chia cho con cái bao nhiêu tài sản là quyền của cha mẹ, nhưng chị nghĩ: Trước khi lấy chồng, trong suốt thời gian chung sống với gia đình chị cũng đóng góp công sức cho cái nhà ấy không thua gì anh và em trai. Nay bị cha chia cho phần ít hơn, thật là cha đối xử không công bằng với mình. Chị không phản đối ra mặt nhưng rất ấm ức. Mỗi ngày cơn bực tức cứ dồn lắng làm chị không chịu nổi.

Thế là bao nhiêu tức tối chị dồn hết xuống lưỡi dao oan nghiệt. Chiều ngày 24/2/2019, chị xách dao ra vườn anh trai mình là ông Phạm Hữu Quốc tả xung hữu đột, chẳng mấy chốc, 15 cây mãng cầu xiêm đang ra hoa kết trái của ông anh ngã gục tan hoang.

Chưa đã nư, Minh tiếp tục sang vườn em trai mình là Phạm Minh Thân chặt phá thêm 5 cây cam xoài nữa mới dừng tay.

Trước hành động quá quắt của em gái, ông Quốc đi trình Công an. Sự việc được đưa ra Tòa.

Tay cắt tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành. Nhiều người không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến chuyện ông Quốc từ chối nhận tiền đền bù của em gái mà nhất định đề nghị cho em mình “đi tù”. Người ta trách ông cũng phải. Nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó. Không phải ông Quốc không thương em mình. Chính vì thương em nên ông mới muốn cho em gái một bài học để tu sửa, bớt tính hung hăng mà suy nghĩ thấu đáo cái lẽ ở đời, sống làm người tử tế. Bởi đây không phải là lần đầu tiên chị Minh có hành vi hủy hoại tài sản người khác. Trước đó, chị đã từng bị Công an quận Thốt Nốt xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng cũng cùng hành vi trên. Hơn nữa, ông nghĩ tổng giá trị thiệt hại do chị Minh gây ra chỉ hơn 2,4 triệu đồng thì hình phạt chắc chắn cũng không nghiêm trọng.

Vì thế, trong khi Anh Thân (em trai chị Minh, cũng là “nạn nhân”) chấp nhận cho chị bồi thường 1,26 triệu thì ông Quốc nhất quyết yêu cầu xử lý hình sự đối với em gái chứ không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bị cáo tại phiên tòa

Tại Tòa, bị cáo Phạm Yến Minh khóc nức nở khai nhận hành vi sai trái của mình. Bị cáo nêu lý do vì quá bức xúc việc cha chia đất cho các anh em không đồng đều trong khi gia cảnh bị cáo khó khăn hơn nên bị cáo mới hành động như thế.

Bị cáo Minh cũng cho biết thêm, tranh chấp phát sinh một phần cũng do bị cáo thấy khi còn sống chung, bị cáo đã có những đóng góp nhất định cho gia đình. Nay bị cáo được chia đất ít hơn anh và em trai là không công bằng.

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8, đại diện Viện Kiểm sát quận Thốt Nốt đã đề nghị phạt bị cáo Phạm Yến Minh từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định hoàn cảnh kinh tế gia đình bị cáo đang gặp khó khăn nên không áp dụng phạt tiền. Từ đó, áp dụng mức phạt khởi điểm của khung hình phạt nhằm đảm bảo tính răn đe đối với bị cáo là 8 tháng tù về tội hủy hoại tài sản.

Tuy nhiên, bị cáo Minh đã kháng cáo xin được chuyển từ hình thức phạt tù sang phạt tiền. Bị cáo trình bày do hiện nay bị cáo đang là lao động chính, gia cảnh khó khăn, có con nhỏ nên nếu chấp hành án phạt tù giam, gia đình bị cáo sẽ lâm vào cảnh khốn đốn.

Ngày 18/11/2019, Tòa án nhân nhân thành phố Cần Thơ tiếp tục đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử nhận định: Do bản án sơ thẩm hồi tháng 8 đã vận dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, các lý do kháng cáo cũng không có gì mới, bị cáo đã bị phạt hành chính về hành vi hủy hoại tài sản trước đó, đồng thời bị cáo đã có hành vi chặt phá cây trồng trên đất đang canh tác, tuy giá trị thiệt hại không lớn nhưng bị cáo bị phạm vào lỗi cố ý. Tuy nhiên, xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ gia đình nên Hội đồng xét xử quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm phạt bị cáo Phạm Yến Minh (37 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) 6 tháng tù (giảm 2 tháng so với án sơ thẩm) về tội "Hủy hoại tài sản người khác".

Nửa năm không phải là khoản thời gian quá dài nhưng cũng đủ để cho bị cáo rút ra được một bài học về kỹ năng sống, về cách đối xử trong mối quan hệ tình thâm thủ túc. Giá như bị cáo hiểu và thông cảm cho cha mẹ: phải có một lý do gì đó thì cha mẹ mới chia phần cho các con không đều nhau và biết đâu ông bà có cách hỗ trợ chị theo một hướng khác. Giá như bị cáo ngay từ đầu khi cha mẹ chia đất, bị cáo nói ra suy nghĩ của mình, đừng dồn nén trong lòng để rồi bùng phát hành động sai trái.

Đồng thời, vụ việc cũng là một lời nhắc nhở mọi người nhất là những bậc cha mẹ người Việt vẫn còn thói quen “chia của” cho con. Tình thương chia cho các con có thể không đồng đều do tính cách và sự đối đãi của mỗi người con với cha mẹ. Nhưng vật chất là những thứ cân đo đong đếm được nên lẽ công bằng thật khó mà phân minh. “Chia của” như thế nào để các con không phải nồi da xáo thịt là một chuyện không hề dễ dàng.

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/anh-em-noi-da-xao-thit-chi-vi-chut-dat-cha-me-chia-khong-dong-deu-28932.html