Anh Hách của tôi

Nguyễn Phan Hách học giỏi và có khiếu văn chương từ nhỏ. Anh bắt đầu viết truyện lúc 14 – 15 tuổi. Dần dần, anh trở thành nhà văn, và nhà thơ có tiếng của xứ Kinh Bắc và cả nước. Mặc dù vậy, lúc nào anh cũng là một người khiêm nhường và đôn hậu. Làng Quan họ quê tôi

Nhà văn Nguyễn Phan Hách (áo trắng) và nhà văn Phạm Việt Long tại NXB Dân trí (Ảnh: Đình Toán)

Cuối năm 1978 – khi đang làm biên tập viên sách sân khấu của Nhà xuất bản Văn hóa – tôi được mời dự một cuộc Hội thảo về Dân ca quan họ Bắc Ninh, tổ chức tại thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh). Vốn đã biết về loại hình dân ca độc đáo này từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến mảnh đất thân thiện này. Quả nhiên, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, với những con người đầu tiên tôi gặp, Bắc Ninh quả đã khiến tôi rung động, yêu mến. Tôi được gặp những nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ của đất Kinh Bắc, như: Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Xuân Trường, Anh Vũ, Trần Minh, Nguyễn Thanh Kim. Hầu hết các anh đã thành danh, đã có tác phẩm được công chúng biết đến, nhưng đều rất mực hiền hòa, khiêm tốn, tuy không giấu được vẻ tự hào kín đáo về những làn điệu Quan họ đặc sắc của quê mình. Dạo ấy, Ban Tổ chức Hội thảo rất công phu, khi bố trí cho mọi người được nghe Quan họ qua nhiều thế hệ khác nhau: Các cụ 90 tuổi say sưa hát những làn điệu cổ nhất. Các bác 70 tuổi hát các làn điệu đã mới hơn một chút. Rồi các anh chị 50 tuổi, 30 tuổi, và các em học sinh 13 – 15 tuổi cùng thể hiện những làn điệu ấy, nhưng vui hơn, tươi sáng hơn. Sự trao truyền mạnh mẽ ấy đã giải thích vì sao Dân ca Quan hộ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Sau khi xem và nghe các nghệ nhân chuyên nghiệp hát, chúng tôi còn được dự cuộc Liên hoan của các cây văn nghệ không chuyên biểu diễn văn nghệ. Tối hôm ấy, có tiết mục song ca của hai cô công nhân Xí nghiệp Dệt len Hữu Nghị, với bài hát “Làng Quan họ quê tôi” (Nhạc: Nguyễn Trọng Tạo – Thơ: Nguyễn Phan Hách). Vì sau đó tôi có viết bài trên Báo Tiền Phong về tiết mục này, nên đến giờ tôi vẫn nhớ tên của hai cô công nhân trẻ đó là Thùy Lâm (nhà ở phố Vệ An) và Hạnh Lâm (ở phố Tiền An). Mặc dù giọng hát còn đơn sơ mộc mạc, nhưng hai cô gái đã thu hút người xem bằng tâm hồn tha thiết yêu quê hương Kinh Bắc của mình:

“Con sông Cầu làm bao xanh

Ngang lưng làng quan họ xanh xanh

Giữa đình hồ bàn nguyệt

Chỉ Cả tựa mạn thuyền

Anh Hai ngồi bẻ lái

Quan họ về, là về trao duyên… ”

Quả thật, cả giai điệu thiết tha và lời thơ giàu hình ảnh của bài hát “Làng Quan họ quê tôi” đã gây ấn tượng rất mạnh trong tôi, kể từ ngày đó, cho đến tận bây giờ. Và tôi cũng quý mến nhà văn Nguyễn Phan Hách từ ngày đó. Trong bài viết này, tôi sẽ không nói về các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Phan Hách, vì đã có một bài viết khá đầy đủ của chị Nguyễn Thị Thủy, người vừa bảo vệ luận văn cao học về sáng tác của nhà văn Nguyễn Phan Hách. Tôi chỉ muốn nói đôi điều về bản chất hiền hòa và hồn hậu của anh trong cuộc sống đời thường. Anh hơn tôi đúng mười tuổi, nên tôi luôn coi anh Nguyễn Phan Hách như một người anh. Và tôi học hỏi được rất nhiều ở anh…

Nguyễn Phan Hách sinh năm 1944 tại Làng Mão Điền, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng nho nhỏ, còn giữ được nhiều nét cổ kính. Có mấy lần tôi về thăm làng Mão Điền, được anh dẫn đi xem những ao hồ được xây vuông vức, được thăm ngôi nhà cổ của các cụ để lại – bây giờ người em trai của anh là nhà giáo Nguyễn Hiển, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mão Điền, trông coi và thờ cúng các cụ. Ai cũng thích căn nhà đẹp đẽ ấy, có sân rộng, ao sen vuông vắn và nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Tôi chợt nghĩ, một người được sinh ra và trưởng thành trong ngôi nhà ấy, hẳn sẽ có một tâm hồn sâu sắc và nhạy cảm. Vốn là người có tư chất thông minh, Nguyễn Phan Hách học giỏi và có khiếu văn chương từ nhỏ. Anh bắt đầu viết truyện lúc 14 – 15 tuổi. Dần dần, anh trở thành nhà văn, và nhà thơ có tiếng của xứ Kinh Bắc và cả nước. Mặc dù vậy, lúc nào anh cũng là một người khiêm nhường và đôn hậu. Anh thấp và nhỏ người, nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Giọng nói của anh chan chứa chất nhiệt thành, sôi nổi. Nụ cười hồn hậu, luôn toát lên lên sức sống mãnh mẽ của một người có nội lực. Từng làm thầy giáo, biên tập viên báo “Văn nghệ”, rồi Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nhưng dù thế nào nhà văn Nguyễn Phan Hách vẫn luôn giữ được cái nụ cười hồn hậu ấy. Do công việc quá bận, thi thoảng tôi mới được gặp anh. Mỗi lần như thế, tôi đều chăm chú lắng nghe anh say sưa thuyết trình về một điều gì đó, hoặc dự định sáng tác mới của anh. Anh Hách của tôi, bao giờ cũng vậy, nói cái gì cùng say sưa, sôi nổi – nói như các cụ thì cách nói này như sẻ cửa sẻ nhà cho người khác.

Anh Hách của tôi còn là người rất chăm chỉ, năng đông, chẳng mấy khi chịu ngồi yên. Khi được nghỉ hưu, không làm Giám đốc Nhà xuất Bản Hội Nhà văn nữa, anh lại cùng nhà văn Tô Hải Vân, Phạm Việt Long sáng lập Nhà xuất bản Dân trí, trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Anh nhận trách nhiệm Tổng biên tập, là người giữ cửa chuyên môn của nhà xuất bản. Và tất nhiên, đó chỉ là tay trái, vì rằng tay phải của anh vẫn là sáng tác. Thời gian này, cuốn tiểu thuyết “Cuồng phong” của anh được xuất bản, rồi tái bản thêm mấy lần. Tôi đọc cuốn sách anh tặng, rồi lại nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc một lần. Tôi nói với nhà văn Nguyễn Phan Hách: “Em rất thích cuốn này của anh. Bối cảnh trong truyện rất thật, nhân vật sinh động. Mặc dù người viết đã rất dũng cảm, nhưng giá dũng cảm hơn chút nữa thì còn “Cuồng phong” hơn… Anh Hách của tôi cười vang: “Sợ bỏ bố!”. Nghe thật thú vị, bởi sự hồn nhiên của nhà văn.

Anh là người như vậy, hiền lành cả trong cuộc sống, lẫn trong những trang viết. Bao giờ anh cũng chỉn chu. Từ 2015 sau khi được thôi làm Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong, tôi về làm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Dân Trí, cùng với anh Hách, anh Long – chị Hương hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đầy khó khăn. Mấy năm gần gũi, cùng làm việc với anh, tôi càng hiểu sâu sắc về anh hơn. Cần mẫn, nhiệt thành, sống giản dị chân tình, nên anh Hách của tôi được tất cả mọi người yêu quý. Thời gian này anh còn rất say sưa sáng tác ca khúc. Tôi có được nghe một số ca khúc của anh, thấy cũng trữ tình, tha thiết và sâu lắng. Thật là một con người đa tài và quá đỗi say mê nghệ thuật. Cho đến một ngày cách đây chừng hơn một năm, anh phải nhập viện vì một căn bệnh quái ác. Anh đã và đang chống chọi quyết liệt với bệnh tật. Còn tôi, luôn tin rằng, anh Hách của tôi sẽ vượt qua tất cả. Đơn giản chỉ vì, một con người nhân hậu, giàu sức sống như vậy không thể không vượt qua bất cứ điều gì. Những trang viết hồn hậu, tươi tắn – cả thơ, cả truyện và âm nhạc nữa – đang chờ anh ở phía trước.

Trên sân khấu đồi Lim, hay trên những con thuyền quanh ao làng, các chị Cả anh Hai xứ Kinh Bắc vẫn đang say sưa thể hiện những l

Thơ: Nguyễn Phan Hách

Nhạc: Nguyễn Trọng Tạo

ời thơ của anh:

“Làng Quan họ quê tôi

Những chiều bao thương nhớ

Tiếng ca đầu ngọn gió

Nón quai thao nói gì người ơi

Nón quai thao nói gì, người ơi!”

Hà Nội, Tháng 4 - 2019

Vũ Quang Vinh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/anh-hach-cua-toi-68725