'Anh Hai' Khmer Đỏ: Bị chôn vùi trong tội lỗi và ăn năn ở Pailin

Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia Youk Chhang cho rằng cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea, kẻ có biệt danh 'Anh Hai,'đáng phải chết về những tội ác phạm phải khi Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia.

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea (giữa) tại phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/2/2008. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea (giữa) tại phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/2/2008. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thi hài của cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea, kẻ có biệt danh “Anh Hai,” sẽ được quàn tại chùa Prom Kiri Morakat ở tỉnh Pailin giáp biên giới Campuchia-Thái Lan trong vòng 7 ngày trước khi hỏa táng ở huyện Sala Krao theo truyền thống đạo Phật.

Hơn 100 dân làng cùng người thân đã dự lễ tang Nuon Chea hôm 5/8 tại Pailin.

Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Lao Chealinda, con gái thứ ba của Nuon Chea, kể rằng lời trăng trối cuối cùng của cha cô là các con cháu hãy cố giữ sức khỏe, học hành và đùm bọc lẫn nhau, trước khi ông này trút hơi thở cuối cùng chiều 4/8 tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet ở thủ đô Phnom Penh.

"Ma quỷ và trời Phật trừng phạt"

“Giây phút cuối đời, ông ấy kiệt sức,” Chealinda nói, “Họng nhiều đờm và thể trạng quá yếu. Thận và gan gần như đã hỏng và ông ấy còn bị tiểu đường. Tôi tự hào về cha mình với tư cách một cá nhân, bất kể người ta đánh giá thế nào về ông. Với tôi, ông ấy là một người cha đáng kính, yêu thương con cháu. Ông ấy luôn tỏ ra mạnh mẽ và chẳng bao giờ cho con cháu biết rằng mình đang rất đau yếu.”

Chealinda và 3 anh chị em còn lại trong gia đình đã chăm sóc Nuon Chea trong những ngày cuối đời. Họ không quá đau buồn vì cha đã 93 tuổi. Sức khỏe của cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ quá yếu và phải nhập viện ở Phnom Penh từ đầu tháng 7/2019.

Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia Youk Chhang cho rằng Nuon Chea đáng phải chết về những tội ác phạm phải khi Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia. “Ông ta đã bị cả ma quỷ và trời Phật trừng phạt. Ông ta chết trong đau đớn bệnh tật,” chuyên gia này nhận định, “Ông ta sẽ bị chôn vùi trong tội lỗi và sự ăn năn.”

Hôm 5/8, có hàng chục phóng viên đã tới chùa Prom Kiri Morakat để chụp ảnh lễ tang của Nuon Chea nhưng dân làng và họ hàng của Chealinda vô cùng giận dữ, họ đã ngăn cản giới truyền thông chụp ảnh thi hài cha mình. Dân làng cũng từ chối bình luận bất cứ điều gì khi nhóm phóng viên hỏi về quá khứ khét tiếng của Nuon Chea.

Một phóng viên tờ Khmer Times kể rằng trong buổi chiều tang lễ Nuon Chea, người ta thấy xuất hiện cựu tư lệnh hải quân của Khmer Đỏ Meas Muth, người đã đến nói lời vĩnh biệt thượng cấp của mình.

Meas Muth chính là nhân vật cai quản toàn bộ các đảo thuộc tỉnh Preah Sihanouk và Koh Kong thời Khmer Đỏ cầm quyền.

Tờ Khmer Times dẫn lời cựu tư lệnh này nói: “Tôi đến đây để chia buồn và không muốn nói bất cứ điều gì. Ngay cả khi muốn giúp (Nuon Chea) thì chúng tôi cũng không thể vì ông ấy đã 93 tuổi rồi.”

Hôm 4/8, người phát ngôn Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) Neth Pheaktra thông báo xác nhận cựu thủ lĩnh Nuon Chea đã chết trong khi đang được điều trị tại bệnh viện kể từ hôm 2/7/2019.

Người phát ngôn này nói: “Chúng tôi xác nhận rằng Nuon Chea, 93 tuổi, đã qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet. Ông ta đã được điều trị trong trung tâm giam giữ thuộc ECCC trước khi được chuyển ra bệnh viện để điều trị tích cực hôm 2/7.”

Phát ngôn viên Pheaktra nói ông không thể tiết lộ nguyên nhân cái chết của Nuon Chea - nhân vật đứng thứ hai trong chế độ Khmer Đỏ tàn bại chỉ sau thủ lĩnh Pol Pot - vì thông tin sức khỏe của Nuon Chea là bí mật.

Nuon Chea từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội thời Khmer Đỏ và đã bị tòa án ECCC kết án chung thân trong Hồ sơ 002/02 cùng với Khieu Samphan, cựu Chủ tịch nước Campuchia Dân chủ.

Cựu sinh viên Đại học Thammamsat

Sinh ngày 7/7/1926 tại tỉnh Battambang, Nuon Chea từng là ủy viên trung ương của Khmer Đỏ. Sau khi Quân tình nguyện Việt Nam hỗ trợ nhân dân Campuchia vùng lên lật đổ chế độ Khmer Đỏ khát máu năm 1979, Nuon Chea cùng tàn quân Khmer Đỏ phát động cuộc chiến tranh du kích dọc biên giới Thái Lan-Campuchia trong những năm 1980 và 1990.

Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Son Sen tại Phnom Penh trong khoảng thời gian từ 1975 and 1979. (Ảnh: Frederic Amat/Sygma via Getty Images)

Không giống như các thành viên khác trong nhóm thân cận với Pol Pot, thời trẻ tuổi, Nuon Chea không du học ở Paris (Pháp). Nuon Chea theo học khoa Luật tại Đại học Thammasat danh tiếng của Thái Lan, nơi y trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Thái.

Năm 1960, Nuon Chea được giữ vị trí phụ trách an ninh đảng khét tiếng và nắm quyền chỉ huy trại cải tạo S-21, trung tâm giam giữ và hành quyết ở trường Trung học Tuol Sleng tại thủ đô Phnom Penh, nơi hiện nay đã trở thành bảo tàng về tội ác của Khmer Đỏ.

Những kẻ điều hành trại S-21 được chỉ thị tra tấn tới cùng cái gọi là những kẻ phản bội và phản cách mạng. Những ý tưởng điên rồ của Khmer Đỏ, được Nuon Chea cổ vũ, coi bất kể giáo viên, học sinh, phụ nữ mang thai nào đều là tầng lớp “tri thức” đáng bị loại bỏ, nếu họ chỉ đeo kính.

Ngày 5/1/1979, tức là chỉ hai ngày trước khi quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh, Nuon Chea đã ra lệnh cho cai ngục trại S-21 Kaing Guek Eav, kẻ còn được biết đến với biệt danh Duch, phải giết toàn bộ các tù nhân còn sống sót ở đây.

Khoảng 1,7 triệu người đã chết vì lao động quá sức, chết đói, bị hành quyết, bệnh tật dưới thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền tàn bạo, từ năm 1975-1979.

Nuon Chea tiếp tục là nhân vật chóp bu trong hàng ngũ Khmer Đỏ cho tới khi đào đẩu về với Chính phủ Campuchia trong một thỏa hiệp cuối năm 1998. Thỏa hiệp này cho phép Nuon Chea và gia đình định cư ở tỉnh Pailin. Tuy nhiên, từ cuối năm 2007, y đã bị Tòa án ECCC đưa ra xét xử các tội danh diệt chủng, chống lại loài người và vi phạm công ước Geneva năm 1949.

Ngày 7/8/2014, Nuon Chea bị kết tội chống nhân loại và nhận án tù chung thân trong Hồ sơ xét xử số 002/01.
Ngày 23/11/2016, Hội đồng tối cao Tòa ECCC hủy một phần kết án đối với Nuon Chea nhưng giữ nguyên bản án tù chung thân tuyên trước đó.
Ngày 16/11/2018, Nuon Chea tiếp tục bị kết án tù chung thân sau khi bị cáo buộc phạm tội ác hành quyết những người sắc tộc thiểu số Việt Nam và Chàm, cưỡng hiếp, cưỡng bức hôn nhân và cấm đoán các hoạt động tôn giáo./.

Trần Long/Phnom Penh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-hai-khmer-do-bi-chon-vui-trong-toi-loi-va-an-nan-o-pailin/587507.vnp