Anh hai

Mẹ tôi bị bệnh lao. Căn bệnh quái ác cuối cùng cũng được bệnh viện xét nghiệm ra sau khi chạy đủ thuốc đủ thầy hàng năm không khỏi. Lao, cái từ ấy quả đầy ám ảnh, ai nghe cũng sợ. Ngày xưa thì thuộc trong 'tứ chứng nan y'. Nay không còn nan y nhưng cũng không phải dễ dàng chữa khỏi. Đã vậy, bệnh còn hay lây, ai cũng biết.

Bình thường mẹ tôi là người sống hòa đồng, coi trọng tình làng nghĩa xóm. Nghe tin mẹ bệnh trọng, làng trên xóm dưới ai cũng chép miệng cảm thương (khổ thân bà cụ quá! Già cả lại còn bệnh). Vậy nhưng, mười người như một, than xong là… biến mất chẳng thấy léo hánh thăm nom! Người nghĩa nặng ơn sâu thì ráng mua quà cáp, gửi chút tiền “gọi là bồi dưỡng cho cụ” và cũng… trốn.

Không trách người ta được, nói tới bệnh lao ai mà không sợ. Tập tục nhà quê chưa quen mắt với cảnh đi thăm bệnh đeo kè kè cái khẩu trang. Lại còn phải hỏi han, nắm chân nắm tay theo lẽ thường xưa nay. Mà cái bệnh lao thì, ôi thôi, chỗ nào xung quanh giường bệnh không có mấy con vi trùng chực chờ?

Chuyện người ngoài vậy đã đành, tới chuyện con cái trong nhà mới càng khổ tâm. Mẹ đang sống với vợ chồng anh hai. Anh hai không nói gì (mẹ mình, đem bỏ cho ai?) nhưng còn chị hai: cái tin mẹ chồng bị lao bay về khiến chị phát hoảng thật sự. Nói ngay, chị hai không phải người xấu bụng. Trước giờ chị vẫn chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng tử tế. Ấy là khi cái tin động trời kia chưa được minh xác. Nhưng giờ thì khác: nhà hai đứa con nhỏ, thêm anh chị nữa là bốn. Anh chị thì thôi, đành vậy nhưng hai đứa trẻ, lớn mới bảy tuổi, nhỏ mới ba tuổi lỡ có bề gì thì làm sao? Con nít ngây thơ, không ý thức phòng vệ chuyện lây lan, sức đề kháng yếu. Càng nghĩ, chị hai lại càng thót ruột!

Nỗi lo khiến chị đâm buồn bực cau có, trái tính trái nết. Hết mắng mèo chửi chó, đá thúng đụng nia chị lại thầm thì chì chiết, cự nự cùng chồng. “Anh nghĩ cách gì đi chớ? Mẹ đành phần mẹ nhưng thương mẹ cũng phải nghĩ đến con”, chị dằn vặt hết ngày đến đêm. Khổ thân anh hai, vừa lo chăm mẹ vừa phải lo… dỗ vợ. Bình thường anh hai hung lắm, chị hai không dám cựa nhưng trong chuyện này anh hai biết chị không sai; còn lo một nỗi chị bức xúc làm toáng lên tới tai mẹ thì nguy nên anh xuống nước.

Vậy nhưng biểu nghĩ cách thì anh đâu biết cách gì? Đứng ngoài nói suông thì dễ, đụng chuyện mới thấy khó, vô cùng khó. Thì đấy, mới triển khai chuyện “ăn uống cách ly” theo lời dặn của bác sĩ (mâm riêng, đũa bát riêng) đà gặp rắc rối ngay. Mẹ tôi vốn là người hiểu chuyện, nghe anh hai rón rén giải trình vấn đề tế nhị mẹ gật đầu ngay không nói năng. Không nói, nhưng trông bộ mẹ buồn. Anh em góp ý bảo, kệ, không sao, từ từ sẽ quen! Quen đâu không thấy, từ bữa ăn mâm riêng, sức ăn của mẹ ngày càng kém. Bệnh lao vốn khiến người bệnh uể oải, chán ăn nhưng giờ thì còn tệ hơn. Nghe nói cứ đến bữa mẹ lại ngồi chống đũa vào mâm cơm riêng, bần thần nhìn con, nhìn hai đứa cháu nội đang bi bô chan gắp chỗ mâm chung. Bần thần đến quên cả cơm. Đôi lúc anh hai còn bắt gặp cụ quay đi, lén chùi nước mắt.

Con cái lại họp, tìm giải pháp. Anh ba ứng tiếng: “hay thôi, để mẹ sang chỗ em”. Chưa dứt tiếng, chị ba đã trừng mắt: “ông nói giỡn hay chơi đó?” Anh ba cụt hứng, tắt đài im ru. Tôi chưa kịp mở miệng đã nhận cái lườm “chặn họng” của vợ tôi. Cô năm, cô sáu cũng lấm lét nhìn chồng rồi cúi mặt lặng thinh. Không khí nặng nề, người nọ ngó mặt người kia, không ai dám ý kiến. Chị hai nổi xung: “con cả cha chung, giờ mẹ ốm đau không lẽ mình vợ chồng tôi gánh hết?”. Anh hai lật đật bụm miệng vợ, nháy mắt: “thôi, các cô các chú về đi, chuyện mẹ, để anh tự liệu”. Anh cười, méo mó.

Đêm, anh hai khẽ khàng lay vợ: “Này, hay em đưa các con về bên ngoại ở tạm? Còn anh? Anh phải chăm sóc mẹ. Anh là con, lại con trai cả, em hiểu cho anh. Tạm thôi, khi nào mẹ khỏi bệnh, anh đón mẹ con em về”.
Nước mắt chị chảy dài. Chị quay người, ôm lấy anh: “thôi được, cũng chẳng có cách nào, nhưng chỉ gửi tạm các con, còn em sẽ về với anh phụ chăm sóc mẹ! Còn phải giải trình cho mẹ thông chuyện các cháu cưng của cụ vắng mặt nữa chớ”.

Y Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275501/anh-hai.html