Anh hùng La Văn Cầu: Chuyện bây giờ mới kể

Một buổi chiều mùa đông năm 2019, cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy nhà Anh hùng La Văn Cầu. Ngôi nhà khiêm tốn nằm trong một ngõ nhỏ, tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội…

Ôn lại kỷ niệm xưa

Chiến công của Anh hùng La Văn Cầu thì lũ trẻ chúng tôi đã thuộc làu làu từ cách đây hơn 60 năm. Bài thơ, hay vè gì đấy: “Anh La Văn Cầu / Anh Cầu ra trận / Đạn bắn què tay / Anh chặt phăng ngay / Xông lên ổ súng / Mìn anh ném trúng / Vào lỗ châu mai / Địch chết sõng xoài / Cả đồn bị hạ / Anh Cầu giỏi quá / Được Bác Hồ khen / Lại được nêu tên / Là Anh hùng quân đội”.

Ông La Văn Cầu cùng tác giả.

Nhưng đến bây giờ, khi được gặp người Anh hùng năm xưa, nay đã là cụ già ngót chín mươi tuổi đời, thì tôi mới được hiểu chi tiết, cụ thể về thương tích và chiến công ở trận biên giới Đông Khê năm ấy…

Theo ông Cầu, chiến dịch Đông Khê vào cuối năm 1950. Khi bị thương, ông Cầu đang ôm bộc phá. Lúc đó, bọn địch bảo vệ khẩu pháo 105 bắn sang. Cũng chỉ là những phát đạn vu vơ. Không ngờ có 2 phát trúng vào người ông. Một viên trúng vào má, mặt sưng vù. Một viên trúng vào cánh tay phải, khiến cánh tay gần đứt, treo lủng lẳng.

Cũng may là viên đạn không trúng vào quả bộc phá đang ôm. Nếu trúng, có khi cả người đã bay lên trời. Còn ảnh hưởng đến đồng đội xung quanh. Cánh tay bị thương, treo lủng lẳng, rất vướng. Lúc đó, ông Cầu chỉ thấy vướng, mà không thấy đau.

Ông bèn khẩn khoản nhờ đồng chí Nông Văn Phiêu đứng gần đó, chặt giúp cánh tay cho khỏi vướng. Ông Phiêu đồng ý, giúp cho ông Cầu, và khuyên ông hãy rút về phía sau để điều trị. Nhưng ông Cầu không nghe, nói rằng nhiệm vụ chưa hoàn thành, quyết phải tiêu diệt xong lô cốt địch.

Nói rồi, ông dùng cánh tay còn lại ôm bộc phá, xông lên cái lô cốt ở đầu cầu, lao bộc phá vào, rồi kịp thời lăn ra xa. Bộc phá nổ giòn giã. Địch trong lô cốt bị tiêu diệt hoàn toàn. Ông Cầu còn nhớ rõ, đó là vào ngày 16/9/1950. Nhờ phá được lô cốt ấy, mà quân ta xông lên, chiếm lĩnh được trận địa. Trận đánh toàn thắng…

Chiến công đó của La Văn Cầu trở thành một hiện tượng, một tấm gương sáng. La Văn Cầu được Bác Hồ khen. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, ông được vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”…

Với dáng vẻ còn nhanh nhẹn, hoạt bát, ông Cầu dẫn tôi đến gần tấm ảnh đen trắng, được phóng to, treo trên tường. Đó là tấm ảnh Bác Hồ khi đến thăm các Anh hùng chiến sĩ thi đua. Ông Cầu chỉ vào người đứng gần Bác Hồ nhất, chính là ông, Anh hùng La Văn Cầu. Rồi ông lại dẫn tôi đến gần một tấm ảnh khác. Đó là tấm ảnh chụp một anh bộ đội đứng cạnh một bà cụ, tươi cười.

Ông Cầu giải thích, hồi năm 1955, khi ông thuộc đoàn của quân đội về Thủ đô, thì bà mẹ ông thuộc đoàn của nhân dân Cao Bằng, cũng được vinh dự về Thủ đô. Thế là hai mẹ con gặp nhau. Tấm ảnh ghi lại lần gặp nhau lịch sử ấy, tại Thủ đô Hà Nội.

“Gặp mẹ lúc đó, tôi mừng mừng tủi tủi. Đi bộ đội biền biệt, có được về thăm mẹ và gia đình đâu? Nhờ có dịp này, mà mẹ con gặp nhau. Sung sướng lắm! Xúc động lắm!”. Ông Cầu kể lại, với giọng bồi hồi, khi nhớ đến người mẹ đã khuất của mình.

Chuyện bây giờ mới kể

Sau chiến dịch Đông Khê, ông Cầu tham gia ở nhiều vị trí công tác, giữ nhiều chức vụ, được phong quân hàm đại tá. Năm 1996, ông Cầu nghỉ hưu, tĩnh dưỡng tại ngôi nhà trong ngõ nhỏ ở phường Quang Trung…

Dù cao tuổi, nhưng ông Cầu chịu khó vận động, nên vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. Ông tích cực tham gia công tác ở khu phố, được bà con rất quí mến. Mấy hàng nước ở đầu ngõ, hễ ai hỏi thăm, là mấy bà nói vanh vách, chỉ tận nơi.

Theo bà Thanh, vợ ông, ông bà sinh được 4 người con (2 giai, 2 gái). Các con ông bà đều đã trưởng thành. Thỉnh thoảng các con làm ăn xa lại về thăm, như cuối năm 2019 vừa qua, cô con gái đang công tác ở Nga cũng bố trí về thăm và ăn tết ở quê cùng bố mẹ.

Khi có khách đến, ông bà đều rất vui mừng. Ông Cầu còn cảm ơn tôi, vì trước lúc tôi đến, ông bị đau bụng dữ dội, đã tính đi cấp cứu. Đến khi ngồi nói chuyện với tôi, thì bệnh đau bụng bỗng dưng biến mất. Cũng không hiểu vì sao.

Biết tôi là nhà báo, ông Cầu hỏi: “Anh đã đi khắp nơi, có chuyện gì vui, kể nghe”.

Tôi chợt nhớ hồi tháng 10/2019, tôi có vào công tác ở Vũng Tàu ít ngày. Trong một buổi đi lang thang thăm thành phố, chợt tình cờ đến một đường phố, có tên "Phố La Văn Cầu". Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi nhớ rằng hồi tháng 9 vừa qua, ông La Văn Cầu còn vinh dự được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” của năm 2019. Có nghĩa là, ông vẫn còn sống…

Tôi kể lại chuyện này và hỏi vui: “Có phải cụ là người đầu tiên được đặt tên phố, khi còn sống?” Nghe xong, ông Cầu bật cười, đáp: “Chắc là ở Vũng Tàu, người ta tưởng tôi… đã chết, cũng nên!”

Nói xong, ông cười ha hả. Tôi cũng bật cười theo…

Đỗ Bảo Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/anh-hung-la-van-cau-chuyen-bay-gio-moi-ke-post255258.html