Anh hùng La Văn Cầu: Ngày ấy, bây giờ...

'Anh hùng trong thời chiến, mẫu mực trong thời bình, dù ở đâu cũng phát huy khí phách anh bộ đội cụ Hồ'. Đấy là những gì chúng tôi chấm phá về 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân', 'Công dân ưu tú Thủ đô' Đại tá La Văn Cầu…

Huyền thoại bước ra từ trang sách

Đi cùng tôi ghé nhà Đại tá La Văn Cầu chiều muộn hôm ấy có một đồng nghiệp là Đại úy Nguyễn Huy Hùng, công tác tại Điện ảnh quân đội nhân dân, thuộc Tổng cục Chính trị. Anh Hùng được cơ quan giao nhiệm vụ phỏng vấn, thu thập tài liệu từ cựu chiến binh La Văn Cầu để hoàn thiện những tư liệu lịch sử quanh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đông Khê.

Anh bảo, đã gặp và tiếp xúc với Đại tá La Văn Cầu đôi lần, đáng quý ở chỗ, dù đã gần 90 tuổi song người anh hùng thuở nào nay vẫn minh mẫn lạ thường. Những mẩu chuyện, những câu nói quyết tâm trước lúc ra trận, tinh thần truyền đạt trước trận chiến của bác Giáp, cụ Hồ… ông vẫn kể lại rõ ràng, mạch lạc.

Đại tá La Văn Cầu

Đại tá La Văn Cầu

Quả thực, có gặp mới thấy lời anh nói chẳng ngoa. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tuổi dù cao song hằng ngày, ông vẫn đọc sách báo, tham gia cùng mọi người quét dọn, làm vệ sinh ở khu phố, góp phần để thủ đô Hà Nội sạch, đẹp. Nghe kể, trong Chiến dịch Biên giới 1950, chiến sĩ trẻ La Văn Cầu thuộc Trung đội 2, Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316.

Vào khoảng 10 giờ đêm 17/9/1950, La Văn Cầu được đồng chí Đại đội trưởng gọi đến giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt của địch tại cứ điểm Đông Khê. Trong trận chiến, lúc đang chuẩn bị vọt tiến thì ông bị hai viên đạn bắn trúng. Một viên trúng má phải và viên kia trúng tay phải, khiến ông ngã xuống ngất lịm…

“Đạn bắn trúng cánh tay phải và má phải của tôi. Lúc đó, tưởng chết, nên tôi hô to Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm. Khi tỉnh lại, một bên mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng, má phải mất. Lại nghĩ đến nhiệm vụ, tôi vùng dậy tìm gói bộc phá, nhưng lúc này rất khó đi.

Nhớ đến lời Ban Chỉ huy dặn phải phá cho bằng được lô cốt này, vì Đông Khê là vị trí rất quan trọng, bảo vệ đường số 4. Nếu không phá được lô cốt này quân ta khó tiến. Tôi quay xuống tìm người nhờ chặt cánh tay để tiếp tục làm nhiệm vụ. Quả bộc phá nặng 12kg nhưng tay trái tôi vẫn đủ sức để xách” – Đại tá La Văn Cầu chia sẻ.

Tấm gương chiến đấu, nỗ lực đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ trẻ La Văn Cầu khi ấy tựa như “làn gió” đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn - một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Một chiến dịch quan trọng, một chiến thắng mang tầm chiến thuật với kết quả ta đã giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng trên giải biên giới dài 750 km, gồm 35 vạn dân. Quan trọng nhất, theo Đại tá Cầu, qua chiến dịch đó, chúng ta đã mở con đường nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Được biết, với thành tích anh dũng trong chiến đấu, năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I, La Văn Cầu vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trọn niềm tin vào Thủ đô và đất nước

Trong câu chuyện vui với tôi, Đại tá La Văn Cầu bảo, tên thật của ông là Sầm Phúc Hướng, người dân tộc Tày. Khi ông 3 tuổi, bố ông bị giặc bắt đi làm phu xây dựng rồi bị bệnh và chết. Để ông có nơi nương tựa, ít năm sau, mẹ ông đi bước nữa với một người đàn ông họ Lã nên ông được gia đình đổi tên là Lã Văn Cầu.

Gần 90 tuổi song hằng ngày Đại tá La Văn Cầu vẫn cùng Tổ dân phố quét dọn, tưới tắm cây cối, giữ sạch quang cảnh Thủ đô. Ảnh: Giang Nam

Bước vào tuổi 16, Lã Văn Cầu làm đơn xin đi bộ đội bởi lòng căm thù giặc xâm lược. Thế nhưng do sơ suất, nên khi đăng ký người ta ghi nhầm họ “Lã” của ông thành họ “La”. Cái tên La Văn Cầu có từ thuở ấy. Trong những đận về thăm quê, ông bảo niềm vui lớn với riêng cá nhân ông chính là những người họ hàng, thúc bá không vì sự sai lạc họ tên của ông mà dè bỉu. Trái lại, họ trân trọng, và khuyên ông đừng nghĩ ngợi.

Nhắc đến anh hùng La Văn Cầu, tôi còn nhớ thuở cắp sách tới trường các thầy vẫn đọc cho nghe đoạn thơ “Xông lên nổ súng/ Mìn anh bắn trúng/ Vào lỗ châu mai/Giặc chết sõng soài/Cả đồn bị hạ/ Anh Cầu giỏi quá/Được Bác Hồ khen/Lại được nêu tên/Anh hùng quân đội...” Người anh hùng huyền thoại đã đi vào trong tâm thức của tôi bình dị và sáng trong như vậy.

Một chiều cuối năm, trong một căn nhà nhỏ trên đường Tây Sơn, tôi đã may mắn được gặp Đại tá La Văn Cầu. Ông bình dị và hào sảng không khác nhiều với tưởng tượng trong tâm trí tôi. Người lính cụ Hồ vẫn tâm niệm chừng nào trái tim còn đập, ông vẫn còn muốn được cống hiến cho Tổ quốc.

Chỉ cho tôi về bức ảnh chụp chung vứi mẹ mình, ông bảo, đây là tài sản quý báu nhất của ông hiện tại. Bức ảnh chụp khoảng năm 1955 ở sân bay Gia Lâm khi ông được gặp mẹ, song điều trăn trở nhất là đến giờ ông vẫn chưa biết tác giả bức ảnh là ai. Ông chỉ mong được gặp lại người chụp để nói lời cảm ơn khi đã lưu lại “báu vật” vô giá trong ông.

…Về hưu, gia đình đầm ấm song với những cống hiến của mình, mới đây ông đã được thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Nhắc chuyện này, Đại tá La Văn Cầu chia sẻ, do được trui rèn trong môi trường quân đội và là người lính bộ đội Cụ Hồ nên sự kiên cường, mọi khó khăn ông đều vượt qua. Ông bảo, Hà Nội nay đã khác xưa rất nhiều.

Là một công dân Thủ đô, chứng kiến sự đổi mới từng ngày, cá nhân ông rất vui mừng. Ông bảo, Hà Nội là trái tim cả nước, bởi vậy Hà Nội luôn hòa chung nhịp đập, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, nhất định Thủ đô sẽ cùng cả nước viết tiếp những trang sử vàng trên mặt trận bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam mạnh, giàu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn!

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/anh-hung-la-van-cau-ngay-ay-bay-gio-102300.html