Anh hùng liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ

Anh không sinh ra ở Quảng Ninh nhưng đã chiến đấu, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất này. Anh là Anh hùng LLVTND Đỗ Chu Bỉ hy sinh tại Hoành Mô, huyện Bình Liêu khi mới 28 tuổi.

Di ảnh liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ.

Di ảnh liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ.

Anh hùng Đỗ Chu Bỉ sinh năm 1952, quê ở thôn An Lương, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1970, anh nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Đỗ Chu Lương, anh trai liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ, bùi ngùi kể: "Chú em tôi là người hiền hậu, ngoan ngoãn đặc biệt rất yêu quý trẻ con. Mặc dù gia đình có 2 anh là tôi và chú em liền kề đã đi Nam chiến đấu, chú ấy thuộc diện không phải đi bộ đội nhưng vẫn viết đơn xin nhập ngũ. Vào chiến trường chú ấy chiến đấu anh dũng, quả cảm lắm".

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng anh ra Bắc được cử đi đào tạo công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Sau đó, thiếu úy Đỗ Chu Bỉ được điều ra Hoành Mô công tác làm đại đội phó Đại đội 6, Đồn 207 Công an vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô).

Trung tá Trần Vĩnh Phan, nguyên Đồn trưởng Đồn công an vũ trang 207, kể: Đồng chí Đỗ Chu Bỉ làm đại đội phó của C6, đơn vị được điều động tăng cường cho đồn. C6 của đồng chí Bỉ chốt ở thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng. Đồng chí Bỉ là con người quả cảm, anh dũng hết lòng vì nhiệm vụ vì anh em đồng đội".

Ngày 17/2/1979, quân xâm lược phương Bắc nổ súng đồng loạt tấn công biên giới nước ta. Sáng ngày 1/3/1979, 1 trung đoàn địch có pháo binh yểm trợ đã vượt sông biên giới chia ra làm nhiều mũi tấn công vào trận địa của đại đội 6. Đỗ Chu Bỉ là đại đội phó trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300m, cách Đồn Biên phòng Hoành Mô 400m. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ nói với đơn vị: "Các đồng chí hãy cứ bình tĩnh. Khi nào tôi ra lệnh thì nổ súng. Khi đã bắn thì phải trúng phải tiêu diệt địch”.

Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kẻ thù đã sử dụng một tiểu đoàn bộ binh đánh cấp tập lên. Khi bị súng của đại đội quất thẳng vào đội hình chúng tháo chạy. Nhưng sau đó ít lâu lại tấn công trở lại bằng pháo. Đại đội 6 bình tĩnh quét từng loạt đạn vào đội hình địch kết hợp bắn tỉa tiêu diệt từng tên. Địch càng lại gần, đại đội phó Đỗ Chu Bỉ hạ lệnh khẩu đội súng máy và khẩu đội súng cối bắn vào đội hình của địch. Bị đánh bất ngờ chúng chạy tán loạn, kẻ nhảy xuống mương nước kẻ nhảy xuống suối, xuống ruộng bắn lung tung, điên loạn.

Ở vị trí quan trọng như vậy, để chiếm vị trí chốt A1, địch đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình của địch, hàng chục tên bị tiêu diệt, sau đó tiếp tục đánh bại hàng chục lần tiến công của địch. Bị thất bại nặng nề, chúng lùi lại cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa, khi pháo chuyển làn, bộ binh lại ào ạt cố sống cố chết xông lên. Lần này chúng chiếm được giao thông hào bên phải chốt, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội dùng AK, lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, giành giật từng mét chiến hào và đẩy địch ra khỏi chiến hào.

Phần mộ liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Sau thất bại của 2 lần tiến công, địch tăng viện một tiểu đoàn, chia thành 2 mũi: Một mũi đánh Đồn Biên phòng Hoành Mô, một mũi đánh chốt A1. Chúng gọi thêm pháo và cầu viện thêm 1 tiểu đoàn từ Bắc Bục sang bắn vào trận địa của ta. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ chỉ huy cả đơn vị đánh địch cả hai hướng, diệt 20 tên. Anh bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh tổ chức đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Với chiến thuật phòng ngự vững chắc, anh đã chỉ huy đại đội chia các mũi phản công nhỏ xuất kích thoát ly công sự đánh địch từ xa tạo cho địch hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Địch liên tiếp phản công, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi địch lợi dụng chiến hào bao vây đơn vị anh đã nhảy lên khỏi chiến hào dùng AK và lựu đạn tiêu diệt nhiều tên địch đánh bật chúng ra khỏi chốt. Và anh đã trúng 1 làn đạn của địch hy sinh tại mặt trận vào ngày 1/3 (tức ngày 4/2 âm lịch) khi mới 28 tuổi.

Với thành tích chiến đấu liên tục, ngoan cường, dũng cảm, anh cùng đơn vị lập công xuất sắc, được truy tặng Huân chương Chiến Công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và thăng quân hàm trung úy. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh đã được đặt cho một con đường ở quê hương Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trường THPT Nam Sách I nơi anh từng theo học cũng dành một không gian riêng để trưng bày những tài liệu, hiện vật, ảnh và tượng Anh hùng Đỗ Chu Bỉ.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/anh-hung-liet-si-do-chu-bi-2434307/