Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - Vị tướng - Nông dân

Gọi là tướng dù ông chỉ mang quân hàm đại tá khi về hưu sớm. Tướng ở đây không phải là cấp tướng mà là người chỉ huy. Từ khi ông bị đột quỵ và mất, chỉ mấy ngày mà báo chí viết rất nhiều về ông.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy úp cá ở ao sen. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy úp cá ở ao sen. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ.

Từ những thành tích chiến đấu vang dội cho đến cuộc sống giản dị thảnh thơi nơi quê nhà Đồng Tháp. Chưa thấy báo nào nhắc tới việc ông làm Đội viên Danh dự của Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh thành phố vào cuối năm 1984.

Sau thành công của đợt hoạt động chủ đề “Em là chiến sĩ Điện Biên – Mỗi trường là một Điện Biên” (học kỳ II năm học 1983 -1984), thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh lại hào hứng hóa thân vào vai mới với chủ đề “Em là chiến sĩ nhỏ”, kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (học kì I năm học 1984 – 1985).

Vốn là cựu chiến binh vừa từ chiến trường K về, tôi được phân công làm đầu mối liên hệ với Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh các quân binh chủng viết tư liệu, mời các nhân vật lịch sử làm Đội viên danh dự để giáo dục truyền thống.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Tư lệnh Không quân khu vực III kiêm Phó Tham mưu Trưởng Quân chủng được mời làm Đội viên danh dự trường PTCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, đơn vị phát động chủ đề “Em là chiến sĩ nhỏ” đầu tiên của thành phố.

Qua Trung tá Lưu Trọng Lân, cựu Tham mưu Trưởng Sư đoàn Phòng không 367, đại đội phó của anh hùng Tô Vĩnh Diện trong chiến dịch Điện Biện Phủ 1954, lúc đó là Đội viên danh dự trường PTCS Trần Hưng Đạo quận 1, tôi tìm đến nhà đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Ông ở khu cư xá sĩ quan Phòng không và Không quân trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi ghé nhà ông sau giờ làm việc. Căn nhà thoáng, sạch, giản dị. Ra mở cửa cho tôi là vợ ông, bà tự giới thiệu khi tôi hỏi nhà. Bà mời tôi vào nhà và dặn “Cậu chờ chút xíu, ổng đang dở tay cho heo ăn”. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp là ông có vẻ nghiêm, kiệm lời nhưng giản dị. Tôi trình bày lý do và mời ông tham gia. Ông vui vẻ nhận lời.

Đến trường Ngô Quyền dự lễ, ông mặc quân phục, đeo nhiều huân huy chương, phong độ và chững chạc, chuẩn mực sĩ quan không quân. Phát biểu với nhà trường, ông không nói về mình mà nói về bộ đội, về không quân Việt Nam và dặn dò các cháu.

Hình ảnh đời thường của Đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Từ đó, thi thoảng tôi ghé nhà thăm ông. Những chuyện về ông mà tôi biết hầu hết do bạn bè, đồng nghiệp như Thiếu tá Lê Thành Chơn, nhà văn, cựu phi công dẫn đường; Trung tá Lưu Trọng Lân, cựu phó Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh (lúc đó 2 quân chủng chưa tách).

Con số 7 gắn với ông không chỉ là tên gọi mà còn nhiều cột mốc đáng nhớ. Ông là con thứ 7 theo cách gọi Nam bộ nên được đặt tên là Bảy. 17 tuổi ông tập kết ra Bắc, lúc đó chỉ mới học hết lớp 3. Được chọn vào lớp đào tạo phi công đầu tiên của Việt Nam, ông phải học bổ túc văn hóa thần tốc, học cả ngày lẫn đêm, 7 tuần xong 7 lớp (từ lớp 3 lên lớp 10).

Ông là phi công Mig 17; bắn hạ 7 máy bay F4, F8, F105 của Mỹ. Năm 1966, ông lấy vợ, là học sinh miền Nam. Đám cưới xong 47 phút là lên máy bay chiến đấu luôn. Được phong anh hùng năm 1967, lúc đó ông 31 tuổi…

Năm 1991, ông về hưu sớm khi mới 55 tuổi. Cởi áo lính, ông về quê, trở lại với cuộc sống như một nông dân Nam bộ chính hiệu.

Tự tay ông làm mọi việc của con nhà nông. Gặp lão nông Nguyễn Văn Bảy, không ai nghĩ ông từng là sĩ quan không quân thông minh và mưu lược hiếm có. Các cựu phi công Mỹ, từng một thời là kẻ thù, khi đến gặp ông rất ngạc nhiên về đời thường chân mộc, bình dị của một phi công từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của không quân Mỹ ở Việt Nam.

Các phi công Mỹ, nhất là những người bị ông bắn rơi từng kinh ngạc vì Mig 17 bắn rơi F105 gần như là không tưởng. Càng kinh ngạc khi biết người phi công lỗi lạc của Việt chỉ mới học hết lớp 3 và bổ túc văn hóa thần tốc trước khi thành phi công thực thụ.

Trong các cuộc đối đầu trên không, máy bay của ông có lần bị gần trăm vết đạn, ông vẫn lái về mặt đất an toàn. Về nhà làm vườn ông tự lập kỷ lục khi trồng được củ khoai mì nặng 22,5 ký…

Tôi kính phục ông không chỉ về thành tích chiến công mà về chất ngọc của “Bộ đội cụ Hồ”, khiêm tốn, giản dị, không sân si. Về hưu nhẹ tênh, làm nông dân an hưởng tuổi già thảnh thơi và được bao người kính trọng.

Sau cuộc chiến, ông trở về với gốc gác của mình, với ruộng vườn và mơ ước “Dân ta về cày bừa đủ áo no cơm” (Trịnh Công Sơn). Ông là vị tướng đúng nghĩa.

Tôi muốn mượn lời thơ Tào Mạt viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp “Vi tướng, vi sư, vi nhân giã. Thủ bạc, tâm thanh, lạc thái bình” để nói về ông. Ông không “vi sư” mà “vi quan”; không chỉ “thủ bạc” mà râu cũng bạc, ung dung như một vị tiên ông giữa cuộc sống xô bồ, nhiễu nhương.

Nụ cười phúc hậu, an nhiên là đặc trưng của ông, người con Đồng Tháp, vùng đất Sen Hồng. Sen Đồng Tháp không chê bùn hôi mà tự hào là “Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời”.

Bài viết nhỏ thay nén nhang tiễn ông về cõi vĩnh hằng.

* Nguyễn Văn Mỹ - Cựu Phó Chủ tịch TT Hội Đồng Đội TP. HCM

Nguyễn Văn Mỹ *

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/anh-hung-phi-cong-nguyen-van-bay-vi-tuong-nong-dan-1569384560084.htm