Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Nam Á

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra các hậu quả sâu rộng tác động đến mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Thậm chí Nam Á – một trong những khu vực hội nhập kinh tế ít nhất thế giới, cũng như có sự hiện diện kinh tế rất nhỏ bé trong chuỗi giá trị toàn cầu, so với các khu vực Đông và Đông Nam Á – cũng bị tác động.

Trang mạng Diễn đàn Đông Á vừa đăng tải bài viết của Amitendu Palit, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trường Đại học quốc gia Singapore, phân tích rằng cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra các hậu quả sâu rộng tác động đến mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác.

Mặc dù tranh cãi song phương có thể tạo ra các cơ hội kinh tế cho Nam Á, nhưng về lâu dài những cơ hội này sẽ bị bao trùm bởi các tác động bất lợi mà cuộc chiến thương mại gây ra.

Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau. Kết quả là cả hai quốc gia này đều đang tìm kiếm các nguồn hàng thay thế rẻ hơn từ các nước khác, đặc biệt là đối với các loại sản phẩm mà sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa.

Nam Á đã sẵn sàng để hưởng lợi từ kịch bản này. Các nghiên cứu về kết quả thương mại cho thấy Pakistan sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất tại châu Á, sau đó là Malaysia và Nhật Bản. Ấn Độ và Bangladesh cũng được dự báo sẽ thu được lợi ích, nhưng ở mức độ thấp hơn. Hầu hết cơ hội rơi vào hàng nông sản xuất khẩu, chẳng hạn như đậu tương, mặt hàng mà Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng Mỹ. Các cơ hội khác đến từ lĩnh vực nhập khẩu ô tô và thiết bị y tế.

Về dài hạn, Ấn Độ dự kiến sẽ hưởng lợi nhờ các quyết định di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Lợi thế địa điểm của Ấn Độ có được nhờ sở hữu một thị trường nội địa rộng lớn và tầng lớp trung lưu đang phát triển với xu hướng tiêu thụ cao. Điều này đặt Ấn Độ lên trước các nền kinh tế khác của Nam Á, như là một địa điểm phù hợp để thiết lập các cơ sở lắp ráp hàng tiêu dùng nhanh, ô tô, điện tử và các sản phẩm công nghệ thông tin.

Ấn Độ cũng được các nhà quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu xem xét là một điểm đến thuận tiện để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thứ ba nhờ đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc giảm chi phí hoạt động. Điều này phản ánh thông qua việc thứ hạng của nước này được cải thiện trong tiêu chí kinh doanh dễ dàng nhất, theo bảng xếp hạng báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).

Những cơ hội chọn lọc dành cho Ấn Độ và Nam Á tồn tại song song với sự chia rẽ của cuộc chiến tranh thương mại, phát sinh từ sự suy giảm ảnh hưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sự liên kết giữa mối quan hệ thương mại gắn liền với địa chính trị nhiều hơn là với kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích nặng nề WTO và đe dọa rút Mỹ khỏi các quy tắc đa phương. Thuế quan đơn phương do Mỹ áp đặt đối với mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu và rất nhiều các mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc cho thấy Mỹ không còn coi trọng các quy tắc WTO.

WTO đã không thể ngăn chặn những hành động này, cũng như sự đáp trả từ các quốc gia khác. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của WTO trong việc điều hành hiệu quả thương mại toàn cầu. Tầm quan trọng ngày càng giảm của WTO và các quy tắc thương mại toàn cầu không mang lại kết quả tốt cho Ấn Độ và các nền kinh tế Nam Á.

Ấn Độ là thành viên tích cực của WTO, cùng với một số các quốc gia Nam Á khác như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal. Các nền kinh tế Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào WTO để tăng cường sự hiện diện của mình trong thương mại toàn cầu.

Một trong những lý do chính của sự phụ thuộc này là do các quốc gia Nam Á ít tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) hay các hiệp định khu vực. Ngay cả Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, cũng không tích cực tham gia các FTA như phần đông các nền kinh tế ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore.

Một vài nhóm công nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự trong khu vực luôn tỏ ra hoài nghi về các lợi ích mà FTA có thể mang lại. Sự hoài nghi này che phủ tầm nhìn của các chính phủ quốc gia và tạo ra thái độ phòng thủ đối với các đàm phán thương mại.

Cách tiếp cận phòng thủ của Ấn Độ tại các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang diễn ra là một ví dụ. Nếu vai trò của WTO suy giảm và các FTA song phương hay khu vực trở thành chìa khóa chính của thương mại toàn cầu, Ấn Độ và Nam Á có thể trở thành các chủ thể kém hấp dẫn hơn trong thương mại thế giới.

Mối quan tâm nghiêm trọng khác của Nam Á là xu hướng thay đổi liên minh thương mại trên cơ sở địa chính trị của các cường quốc. Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm kiếm cơ hội hạn chế ý nghĩa kinh tế lẫn nhau trong các thị trường toàn cầu, bằng cách sử dụng công cụ nhóm liên minh địa chính trị.

Mỹ đã "áp đặt" các thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico và Hàn Quốc để đạt được quyền tiếp cập ưu đãi hơn. Trung Quốc cũng đang cố gắng đạt được mục tiêu tương tự thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong một môi trường như vậy, Nam Á có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến Mỹ-Trung và buộc phải duy trì quan hệ thương mại không hòa nhập và thiếu cân bằng./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/anh-huong-cua-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-toi-nam-a/111228.html