Ảnh hưởng của Trung Quốc tăng tốc trên toàn cầu

Sáng kiến Vành đai và Con đường thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Hai nhà phân tích nổi tiếng của Trung Quốc đã có tranh luận hôm thứ Ba (20/10) về việc liệu Bắc Kinh có thể thay thế vai trò của Washington trở thành cường quốc hàng đầu toàn cầu hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: SOPA

Ảnh minh họa. Nguồn: SOPA

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đi xuống sau các xung đột giữa hai siêu cường về cạnh tranh công nghệ cùng với các cáo buộc về dịch bệnh cũng như các vấn đề khác. Các căng thẳng như vậy đang khiến thế giới lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới đầy phức tạp.

Phát biểu trong hội thảo trên SCMP về chủ nghĩa đa phương dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại - bà Elizabeth Economy đã có các lập luận trái ngược với ông David Firestein – Giám đốc điều hành của Quỹ George HW Bush về quan hệ Mỹ-Trung.

"Giả định trong lĩnh vực hành pháp và lập pháp đều cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm thay thế vị thế của Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới là hiểu sai về triết lý chiến lược của Bắc Kinh", ông Firestein – người đã mất 18 năm phục vụ trong ngành ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

"Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ và đường biển kết nối với hơn 70 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi cho thấy tham vọng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ra thế giới.

"Chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm các quyền lợi mà không phải là trách nhiệm của lãnh đạo toàn cầu", bà Economy nói.

"Điều này cũng liên quan đến tư duy chiến lược địa chính trị trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Cách thức triển khai mô hình luật kiểm soát internet cũng như mức độ quản trị toàn cầu", bà nói

Theo SCMP, các dự án sáng kiến Vành đai và Con đường được tài trợ thông qua các khoản vay bao gồm hỗ trợ từ ba ngân hàng chính sách của chính phủ Trung Quốc, các ngân hàng quốc doanh lớn và các quỹ tài sản có chủ quyền như Quỹ Con đường Tơ lụa. Sáng kiến gây tranh cãi với các cáo buộc đẩy các quốc gia đang phát triển rơi vào "bẫy nợ" và tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy chính trị trên toàn thế giới.

Ví dụ, cảng Hambantota của Sri Lanka nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường đang gây nhiều tranh cãi. Được trả bằng tiền của Trung Quốc, Colombo buộc phải giao việc điều hành cơ sở cho một công ty Trung Quốc vào năm 2017. Các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường nói rằng chương trình mang lại hy vọng duy nhất về nguồn vốn dài hạn với tỷ lệ hợp lý. Trong một phản ứng trước các chỉ trích từ Washington về tham vọng của Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vào tháng Tám đã khẳng định Trung Quốc không hề muốn trở thành một nước Mỹ khác.

"Ngày nay Trung Quốc không phải là Liên Xô trước đây. Chúng tôi không có ý định trở thành một nước Mỹ khác. Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác", ông Vương Nghị nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.

Hội thảo có sự tham gia của cả Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ đã tìm thấy sự đồng tình về các quan điểm khác. Các phản đối về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy ảnh hưởng ít nhiều đến lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

"Điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thiếu là khuôn khổ tổng thể thu hút các đồng minh bao gồm cách tiếp cận nhất quán về chính sách thương mại hoặc cách tiếp cận giúp các đồng minh đưa ra các vấn đề pháp lý quan trọng với Trung Quốc", ông Waterman nhấn mạnh.

Cả hai nhà nghiên cứu Economy và Waterman đều thống nhất rằng, mặc dù chính sách đơn độc liên quan đến Trung Quốc của Tổng thống Trump được cho là không hề có tác dụng thì chính quyền Mỹ nên có cách thức để đối phó với ảnh hưởng mạnh mẽ trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Đặc biệt, bà Economy cũng khen ngợi sáng kiến của Tổng thống Trump về việc thành lập Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) nhằm cung cấp tài trợ và các ưu đãi khác cho công ty tư nhân nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.

Vào năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ủy quyền 60 tỷ đôla Mỹ tài trợ cho DFC – con số này thấp hơn rất nhiều so với ước tính 126 tỷ đôla mà Trung Quốc hỗ trợ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường trong năm 2018.

Tuy nhiên, những người ủng hộ kế hoạch của Mỹ cho rằng việc hỗ trợ các dự án mà các nhà đầu tư tư nhân mong muốn sẽ giúp đảm bảo tính hiệu quả và hợp lý trong thị trường.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/anh-huong-cua-trung-quoc-tang-toc-tren-toan-cau-20201021150216985.htm