Anh khẳng định người tiêm vắc xin ít có nguy cơ bị COVID kéo dài

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên tại London, Anh ngày 20/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Vắc xin ngừa COVID-19 không gây nguy cơ cho thai phụ và trẻ sơ sinh

COVID kéo dài (Long COVID) dường như ít có nguy cơ ảnh hưởng đến những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hơn là những người chưa được tiêm phòng.

Đây là kết luận mới trong bản đánh giá về 15 nghiên cứu do Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) thực hiện và công bố ngày 15/2.

Trong bản đánh giá của UKHSA, cơ quan này cho hay nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài ở những người đã tiêm 2 mũi vắc xin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna, hay vắc xin 1 mũi của J&J thấp hơn 50% so với những người chưa được tiêm vắc xin.

Giáo sư Mary Ramsay, người phụ trách hệ miễn dịch tại UKHSA, cho hay những nghiên cứu này làm tăng thêm những lợi ích tiềm năng của việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19.

Bà nhấn mạnh tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân khỏi bị các triệu chứng COVID kéo dài khi người đó chẳng may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời cũng hỗ trợ giảm thiểu sự tác động của bệnh này trong dài hạn.

UKHSA ước tính 2% dân số Anh đã mắc các triệu chứng của COVID kéo dài, trong đó triệu chứng phổ biến nhất là suy nhược cơ thể, hụt hơi, đau mỏi cơ và khớp.

Trong số 4 nghiên cứu so sánh các triệu chứng COVID kéo dài trước và sau khi tiêm chủng, 3 nghiên cứu cho rằng nhiều người đã ghi nhận các triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện hơn là xấu đi sau khi tiêm chủng. Ba nghiên cứu khác cho thấy triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện ở những người đã tiêm phòng.

Sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 đã khiến các nhà khoa học cấp tốc thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để phát triển các loại vắc xin an toàn và hiệu quả chống lại virus gây đại dịch COVID-19 này.

Chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021), nhiều loại vắc xin đã được công bố, tuy nhiên phụ nữ mang thai không nằm trong các đối tượng được thử nghiệm và bị loại khỏi các thử nghiệm ban đầu đối với hầu hết các loại vắc xin ngừa COVID-19, trong đó bao gồm cả vắc xin do Pfizer/BioNTech bào chế dựa trên công nghệ mRNA.

Sự không chắc chắn về tính an toàn của vắc xin ngừa COVID-19 được xem là một trong những lý do chính khiến các thai phụ chần chừ trong việc tiêm phòng.

Tuy các nghiên cứu trước đó về vắc xin ngừa COVID-19 vẫn cho thấy thai phụ cần tiêm phòng để giảm thiểu lây nhiễm, nhưng quy mô khảo sát đối với trẻ sơ sinh là chưa đủ rộng và thiếu sự so sánh giữa các nhóm đối tượng.

Trong một nghiên cứu mới công bố trên JAMA Pediatrics - tạp chí y khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thống kê từ quỹ y tế Maccabi - vốn tập hợp thông tin của hơn 25% dân số tại Israel.

Kể từ ngày 19/1/2021, tiêm chủng ngừa COVID-19 đã được khuyến cáo thực hiện đối với tất cả các phụ nữ mang thai ở nước này.

Đối tượng nghiên cứu bao gồm những sản phụ và trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/2021 đến ngày 31/9/2021.

Tổng cộng có khoảng 24.000 trẻ sơ sinh, trong đó khoảng 16.700 trẻ là con của những người mẹ đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech trong thai kỳ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sinh non và trẻ sinh ra bị nhẹ cân hơn so với tuổi thai ở cả hai nhóm là tương đương nhau.

Tỉ lệ trẻ dưới 1 tháng tuổi phải nhập viện và điều trị chứng vàng da sơ sinh bằng hình thức chiếu đèn cũng ở mức tương đồng. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 0,1% ở cả hai nhóm.

Về tổng thể, số trẻ có các dị tật bẩm sinh và dị tật tim ở hai nhóm là như nhau, nhưng số trẻ bị dị tật tim nghiêm trọng ở nhóm có mẹ tiêm vắc xin trong 3 tháng đầu thai kỳ chỉ bằng một nửa so với nhóm không tiêm.

Theo nghiên cứu này, việc tiêm vắc xin trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ không cho thấy nhiều sự khác biệt về ảnh hưởng của chúng đối với tuổi thai và cân nặng của trẻ sơ sinh.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270929/anh-khang-dinh-nguoi-tiem-vac-xin-it-co-nguy-co-bi-covid-keo-dai.html