Anh lần đầu tiên sử dụng công nghệ hàn chùm tia điện tử xây dựng cột tuabin điện gió ngoài khơi

Một liên doanh của Vương quốc Anh đã công bố phương pháp xây dựng tuabin điện gió ngoài khơi mang tính cách mạng bằng phương pháp sử dụng hàn chùm tia điện tử.

Phương pháp hàn này được liên doanh gọi là áp dụng "lân đầu tiên trên thế giới", cho phép lắp ráp các tua-bin điện gió khổng lồ nhanh hơn, rẻ hơn, sạch hơn và tiết kiệm năng lượng rất lớn. Kỹ thuật mới cung cấp các mối hàn chất lượng cao với các đặc tính tuyệt vời.

Hàn chùm tia điện tử giảm áp suất (RPEB) Ebflow, một quy trình kỹ thuật mới sẽ giảm thời gian hàn tới 80%, dự kiến được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên trong tiến trình xây dựng trang trại gió Dogger Bank, thực hiện các mối hàn trên các cọc móng đơn điện gió ngoài khơi xa.

Đây là lần đầu tiên kỹ thuật hàn điện tử giảm áp suất RPEB Ebflow được sử dụng trong một dự án phát triển cơ sở hạ tầng ngoài khơi quy mô lớn của nước Anh RapidWeld và là kết quả của quan hệ đối tác liên kết phối hợp. Dự án RapidWeld nhằm mục đích phát triển một quy trình hàn cho các trang trại điện gió ngoài khơi đã được phê duyệt, có năng suất cao và bền vững hơn những phương pháp truyền thống đồng thời giảm đáng kể chi phí năng lượng và vật liệu.

Nhóm dự án RapidWeld bao gồm các công ty Năng lượng tái tạo SSE Renewables; Cambridge Vacuum Engineering, nhà thiết kế và sản xuất thiết bị RPEB; Sif, nhà sản xuất móng điện gió ngoài khơi toàn cầu; TWI, một cơ sở nghiên cứu hàn có trụ sở tại Anh.

Sif chịu trách nhiệm chế tạo và cung cấp 190 cọc đơn và ống thép cho các phần nối tiếp, lắp ráp tất cả những thành phần móng cho 2 giai đoạn đầu tiên của trang trại điện gió Dogger Bank.

Ebflow RPEB sử dụng nhiệt được tạo thành từ chùm electron năng lượng cao khiến thép hàn được kết nối sạch, có độ bền cao và hiệu quả trong sử dụng năng lượng. Dự án Rapidweld dự kiến sẽ phát triển các phương pháp hàn có chất lượng vượt xa những công nghệ hàn hiện có và giảm tới 20% chi phí cho các cọc móng đơn điện gió ngoài khơi trong tương lai.

“Đây là một dự án ở cấp độ “hạng nhất”, đưa sự đổi mới công nghệ của Anh trở thành công nghệ lắp đặt điện gió hàng đầu thế giới. Với nền tảng cọc móng đơn chiếm hơn 90% nền móng, được sử dụng trong các dự án điện gió ở Anh, Ebflow RPEB có thể tiết kiệm chi phí rất lớn cho những dự án trong tương lai," Olly Cass, Giám đốc Dự án Trang trại gió Dogger Bank của SSE Renewables cho biết.

Ông nói thêm: “Những khoản tiết kiệm đáng kể này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho ngành kỹ thuật ngoài khơi của Anh mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng năng lượng ở Anh”. Trang trại điện gió Dogger Bank cách bờ biển Đông Bắc nước Anh hơn 81 dặm (130 km).

Hiện nay trên thế giới, những cọc móng đơn được lắp ráp bằng phương pháp sử dụng các kỹ thuật hàn truyền thống như hàn hồ quang chìm (SAW). Nhưng liên doanh các công ty Cambridge Vacuum Engineering (CVE), SSE Renewables, Sif Group và TWI đã chứng minh cho thấy, hàn chùm tia điện tử (EB) có những ưu thế vượt trội hơn về nhiều mặt và an toàn hơn nhiều.

Công nghệ hàn chùm tia điện tử này, được gọi là EbflowTM, là một bước phát triển gần đây trong ngành điện gió. Không giống như các phương pháp truyền thống trước đây, yêu cầu hàn trong buồng chân không, Ebflow sử dụng một phương pháp mới, tiết kiệm không gian và chi phí hơn do chỉ duy trì chân không xung quanh mối hàn.

Kỹ thuật hàn chùm tia điện tử EbflowTM. Video TWI Ltd

Công nghệ đổi mới này mở rộng khả năng sử dụng hàn EB trên những cấu trúc lớn như trụ đơn tuabin điện gió đồng thời giảm chi phí và tăng năng suất. CVE, công ty phát triển ứng dụng công nghệ hàn chùm tia điện tử đã chứng minh khả năng hàn các cọc đơn nhanh hơn 25 lần so với những phương pháp truyền thống, sử dụng năng lượng ít hơn 90%, chi phí thấp hơn 88% và tạo ra lượng khí thải CO2 ít hơn 97% so với phương pháp hàn hồ quang chìm (SAW).

Ông Olly Cass tuyên bố “Chúng tôi tự hào đi tiên phong trong kỹ thuật đổi mới này tại Trang trại gió Dogger Bank, chứng minh khả năng vượt trội của liên doanh trong xây dựng một bộ phận quan trọng của điện gió ngoài khơi. Kết quả hoàn hảo này không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác tuyệt vời với Cambridge Vacuum Engineering (CVE), Sif Group và TWI. Chúng tôi rất vui mừng về những gì đạt được và tiếp tục nhân rộng ứng dụng kỹ thuật này để tăng tốc sự chuyển đổi, khi nước Anh đang hướng tới các mục tiêu phát thải bằng 0.”

Theo Engineering Interesting

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/anh-lan-dau-tien-su-dung-cong-nghe-han-chum-tia-dien-tu-xay-dung-cot-tuabin-dien-gio-ngoai-khoi-post166731.html