Anh loay hoay với EU nhưng mọi cánh cửa đã đóng

Thiệt hại của Anh trong vụ ly hôn với châu Âu ngày càng rõ nét, London không còn cửa lùi.

Lưng chừng cuộc ly hôn giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), London đang hứng chịu thiệt hại mạnh mẽ. Làn sóng các công ty, doanh nghiệp đang dần dần rời khỏi Anh.

Anh thiệt hại nặng nề khi Brexit chưa diễn ra.

Anh thiệt hại nặng nề khi Brexit chưa diễn ra.

Cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài của Hà Lan ngày 9/2 cho biết, trong năm 2018, 42 công ty đã chuyển hoặc thông báo sẽ chuyển các hoạt động của mình từ nước Anh sang Hà Lan do những bất ổn liên quan đến Brexit.

Trong danh sách nói trên có những cái tên như ngân hàng đầu tư Nhật Bản Norinchukin, công ty truyền thông TVT Media, các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính MarketAxess và Azimo, và công ty bảo hiểm hàng hải UK P&I.

Việc số đông các công ty rời Anh sang Hà Lan đồng nghĩa với việc khoảng 2.000 việc làm và 291 triệu euro (330 triệu USD) vốn đầu tư cũng rời khỏi Anh.

Phần lớn các công ty này là của nước Anh, nhưng cũng có một số công ty đến từ châu Á và Mỹ.

Trước đó, đã có thông tin, Chính phủ Hà Lan đàm phán với 250 công ty nhằm chuyển hoạt động từ Anh sang Hà Lan trong bối cảnh thời điểm Brexit đến gần.

Ngoài Hà Lan, các công ty này cũng đang chuẩn bị hướng hoạt động của mình sang các nước khác trong EU như Đức, Pháp và Ireland.

EY- một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới- trong một công bố hôm 7/1 đã cho rằng, các ngân hàng và các công ty tài chính khác đã chuyển ít nhất 800 tỷ Bảng Anh (tương ứng 1 ngàn tỷ USD) tài sản ra khỏi nước Anh và chuyển sang EU.

Nhiều ngân hàng đã thiết lập các văn phòng mới ở các nước thuộc EU để bảo vệ hoạt động của họ sau Brexit. Các công ty khác chuyển tài sản đi để bảo vệ các khách hàng trước tình trạng biến động dữ dội trên thị trường và những thay đổi bất chợt về quy định.

Con số 1,000 tỷ USD chiếm gần 10% tổng tài sản của lĩnh vực ngân hàng và đây là một “ước tính thận trọng” vì một số ngân hàng vẫn chưa công bố kế hoạch dự phòng của họ.

Ông Omar Ali, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính tại EY, cho hay. “Chúng tôi biết rằng đằng sau bức màn, các công ty tiếp tục lên kế hoạch cho kịch bản ‘nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào’”.

“Càng gần hạn chót 29/03/2019 mà chưa có một thỏa thuận nào, thì các công ty sẽ chuyển thêm tài sản ra nước ngoài và tuyển dụng nhân viên ở địa phương” - ông Ali nói thêm.

EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit trong tháng 6/2016.

Dù Brexit chưa xảy ra, nhưng nền kinh tế Anh đã cảm nhận thấy nỗi đau từ sự kiện này. Lạm phát tăng vọt và niềm tin người tiêu dùng vụn vỡ, qua đó gây tổn thương tới lĩnh vực bán lẻ của quốc gia này. Môi trường kinh doanh đã giảm mạnh, khi các công ty trì hoãn các kế hoạch vì bất ổn về Brexit. Các công ty sản xuất lớn, bao gồm Airbus, đã lên tiếng cảnh báo họ có thể phải rời Anh nếu không có thỏa thuận nào sau Brexit.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết, hậu quả từ kịch bản “không có thỏa thuận” sẽ còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nước Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới và cho đến nay, nữ Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang loay hoay tìm các biện pháp thực hiện cuộc ly hôn này đúng tiến trình.

Hôm 7/2, bà Theresa May đã có chuyến làm việc tại Bỉ nhằm thảo luận với các quan chức EU về giải pháp tạm thời cho tiến trình Brexit vốn đang gặp bế tắc. Tuy nhiên, các cuộc gặp không đạt được bất kỳ đột phá nào. Hai bên chỉ nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Chỉ còn gần 50 ngày nữa là tới hạn chót cho việc Anh rời khỏi EU, Quốc hội Anh đã bày tỏ quan ngại về những điều khoản bà Thủ tướng May đã nhất trí với EU.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-loay-hoay-voi-eu-nhung-moi-canh-cua-da-dong-3374339/