Anh: Mô hình GCSE gây hoang mang với học sinh

Nhiều học sinh (HS) tại Anh đang trở nên vô cùng hoang mang, sau khi bài thi chứng chỉ giáo dục (GD) THPT có tên là GCSE được thay đổi với một mô hình hoàn toàn mới và khó hơn trước đó.

Nhiều HS gặp áp lực nghiêm trọng do mô hình mới của kỳ thi GCSE

Nhiều HS gặp áp lực nghiêm trọng do mô hình mới của kỳ thi GCSE

HS không muốn tham dự kỳ thi

Theo các công đoàn giáo viên (GV) tại nước này, một số HS đã từ chối dự thi lấy chứng chỉ GD THPT. Bên cạnh đó, không ít người học thừa nhận ngày càng cảm thấy căng thẳng khi sắp bước vào kỳ thi GCSE.

Theo báo cáo từ Công đoàn GD quốc gia (NEU) và Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường phổ thông và đại học (ASCL) - có tới hơn 600.000 HS ở độ tuổi 16 đang chờ kết quả của cuộc thi GCSE mới, bao gồm nhiều môn học khác nhau.

ASCL đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho biết, có 8/10 nhà lãnh đạo trường học khẳng định, các bài thi mới của GCSE có nội dung phức tạp hơn và khiến HS phụ thuộc nhiều hơn vào kết quả thi, khiến các em gặp nhiều khó khăn và thậm chí là không ít trường hợp từ chối tham dự kỳ thi.

Phát biểu với NEU, một phó hiệu trưởng cho biết: “Người học có học lực khá trở xuống hoàn toàn bị mất tinh thần bởi kỳ thi theo mô hình mới này. Do đó, ngày càng có nhiều em từ chối làm bài thi thử cũng như thi thật. Đây là điều chưa từng xảy ra”.

Theo thống kê, hơn 500 lãnh đạo trường được ASCL liên hệ đều có cùng quan điểm rằng, kỳ thi GCSE - được đề xuất bởi cựu Bộ trưởng GD Anh Michael Gove - khó hơn trước đó. Bên cạnh đó, HS có nhu cầu được GD đặc biệt sẽ là những người gặp bất lợi lớn nhất. “Việc ra đề thi khó hơn cũng sẽ không khiến cho trẻ trở nên thông minh hơn hoặc có khả năng tìm được việc làm cao hơn. Thay vào đó, nó chỉ mang lại cho HS sự căng thẳng, lo lắng và chán nản, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn”, một GV chủ nhiệm bức xúc khẳng định.

Một GV khác nhận định, phải chứng kiến HS chăm chỉ gặp khó khăn là một việc “hủy hoại tâm hồn”: “Kỳ thi GCSE mới đã mang lại những căng thẳng quá mức không chỉ tới HS mà còn cả nhân viên. Đặc biệt là, khối lượng bài thi quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ khiến các thí sinh quá sức”.

Kỳ thi GCSE, một mô hình mới được giới thiệu từ năm 2017, áp dụng trong môn Tiếng Anh và Toán học với nội dung khó hơn và chấm theo thang điểm mới từ 1 - 9, thay vì từ G - A*. Tuy nhiên, mới đây, một loạt môn học khác, bao gồm thiết kế và công nghệ, đều được chuyển sang mô hình bài thi mới.

Bộ Giáo dục nói gì?

Trước nhiều ý kiến phản đối, người phát ngôn của Bộ GD Anh cho biết: “Các kỳ thi là một phần thiết yếu nhằm bảo đảm rằng, HS đã nắm được kiến thức và kỹ năng cần thiết hay chưa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó nên mang lại những tác động tiêu cực tới những HS bình thường. Chúng tôi đặt niềm tin vào nhà trường, hy vọng họ sẽ thảo luận với phụ huynh và hỗ trợ các em HS, tạo động lực để người học có thể cố gắng hết sức”.

Ông Geoff Barton, Tổng Thư ký ASCL nhận định, khảo sát cho thấy, mô hình mới của kỳ thi GCSE đã “hy sinh” lợi ích của HS khó khăn và tạo điều kiện cho những người học có khả năng được hưởng lợi nhiều hơn. “Về lâu dài, chúng tôi cho rằng, Bộ GD nên cân nhắc và xem xét lại hệ thống thi cử, nhằm tìm ra cách thức nhân đạo hơn, giúp nhà trường không chỉ đánh giá được khả năng của HS, mà còn chuẩn bị hành trang cho các em khi bước ra ngoài xã hội”, ông Barton chia sẻ.

Các ý kiến này cũng phù hợp với những báo cáo gần đây của NEU sau cuộc thăm dò ý kiến của hơn 600 GV đang giảng dạy các môn sẽ thi trong GCSE. Có hơn 7/10 người nói rằng, sức khỏe tâm thần của HS đã xấu đi đáng kể, từ khi Bộ GD Anh công bố mô hình kỳ thi mới.

Bên cạnh đó, không ít GV cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều và tranh luận về câu hỏi: Liệu đề thi GCSE mới có thể đánh giá khả năng của HS tốt hơn so với mô hình cũ? Trong khi 54% GV cho rằng, các bài thi mới kém chính xác hơn, 40% nhận định, mô hình mới có tính chính xác cao hơn và khá giống với đề thi GCSE cũ.

Chia sẻ với NEU, một số GV cho rằng, nội dung bài thi khó hơn khiến HS mất hứng thú với việc học tập. “Đề thi mới chỉ chú trọng tập trung vào việc ghi nhớ chứ không có tính ứng dụng. HS không còn tìm được bất cứ niềm vui nào trong học tập nữa”, một GV chia sẻ.

Tháng trước, một nghiên cứu cho thấy, việc thu hẹp khoảng cách tỉ lệ vượt qua kỳ thi GCSE giữa các HS có hoàn cảnh khó khăn và bạn học có điều kiện khá giả đang dần rơi vào bế tắc.

Ông Russell Hobby, Giám đốc điều hành của Tổ chức GD Teach First – tác giả của nghiên cứu, khẳng định, chính phủ cần chú trọng hỗ trợ ngân sách cho các trường học có nhu cầu cao; đồng thời, kêu gọi đưa ra mức lương khởi điểm cao hơn cho giáo giới nhằm thu hút nhiều GV ứng tuyển.

Bộ trưởng GD Anh, bà Angela Rayner nhận định, chính phủ đã mang tới sự bất bình đẳng vào các trường học. “Công đảng đã cắt giảm tài trợ cho các trường học và tạo ra một cuộc khủng hoảng trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân GV. Cả một thế hệ trẻ em đang phải trả giá cho sự thất bại này”.

Tuy nhiên, Bộ GD Anh khẳng định, khoảng cách giữa HS có hoàn cảnh khó khăn và các bạn đồng trang lứa đã thu hẹp đáng kể từ năm 2011. Ngoài ra, các em này cũng được hỗ trợ 2,4 tỷ bảng Anh từ quỹ tài trợ HS.

Phát ngôn viên của Bộ GD cho biết: “Thủ tướng đã cam kết tăng ngân sách trường học nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các HS. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn trường học trên toàn quốc và làm nhiều hơn nữa để thu hút và giữ chân người tài, cũng như trao cho GV quyền hạn mà họ cần để xử lý những trường hợp không nghe lời và có hành vi bắt nạt”.

Theo Vân Huyền -The Guardian

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/anh-mo-hinh-gcse-gay-hoang-mang-voi-hoc-sinh-4028839-b.html