Anh nói Nga dùng tên lửa hành trình hạt nhân Liên Xô tháo đầu đạn để đánh lừa Ukraine

Quân đội Anh cho rằng, Nga đang tháo đầu đạn khỏi tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55 từ thời Liên Xô, biến chúng thành mồi bẫy đánh lừa phòng không Ukraine. Hiện Moscow chưa bình luận về thông tin trên.

"Nga nhiều khả năng đang tháo dỡ đầu đạn hạt nhân khỏi các tên lửa hành trình đời cũ và phóng những quả đạn này vào Ukraine. Hình ảnh tại Ukraine cho thấy mảnh vỡ nghi của tên lửa hành trình Kh-55, được biên chế từ thập niên 1980 chuyên để mang đầu đạn hạt nhân", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo tình báo hôm 26/11/2022.

Quân đội Anh cho rằng tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55 tháo đầu nổ vẫn có thể gây thiệt hại thông qua động năng và lượng nhiên liệu chưa tiêu thụ, nhưng khó lòng đạt hiệu quả như các quả đạn hoàn chỉnh.

"Nga dường như dùng chúng để làm mồi bẫy, nhằm đánh lạc hướng và gây khó khăn cho lực lượng phòng không Ukraine. Dù ý định của họ là gì đi nữa, quá trình hoán cải cũng thể hiện tình trạng cạn kiệt kho tên lửa tầm xa trong biên chế quân đội Nga", báo cáo của quân đội Anh có đoạn.

Trước đó tạp chí Quốc phòng Ukraine cho biết vào hồi 10h40 phút sáng 18/11, các hệ thống phòng không tại thủ đô Kiyv đã đánh chặn thành công ít nhất 4 UAV cảm tử và 2 tên lửa hành trình khác nhắm tới Ukraine.

Một trong số tên lửa nói trên là mẫu tên lửa Kh-55, đây là loại tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân do Liên Xô nghiên cứu và phát triển.

Phần động cơ còn sót lại sau khi tên lửa bị bắn hạ được cho là của tên lửa hành trình Kh-55 Nga được phía Ukraine trưng ra.

Phía Ukraine cũng xác nhận tên lửa Kh-55 sử dụng tập kích Ukraine đã được tháo đầu đạn hạt nhân.

Trước đó, những vụ tập kích đường không vào Ukraine thường được phía Nga sử dụng là tên lửa hành trình Kh-101 hoặc Kh-32 hay Kh-555 (biến thể cải tiến từ Kh-55 nhưng sử dụng đầu đạn thông thường).

Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng bình luận về các thông tin này.

Kh-55 là tên lửa hành trình phóng từ trên không được Liên Xô phát triển bắt đầu vào năm 1971.

Tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-55 chính là câu trả lời của Liên Xô đối với tên lửa hành trình phóng từ trên không mang đầu đạn hạt nhân AGM-86 ALCM của Mỹ.

Phòng thiết kế Raduga được chính phủ Liên Xô giao trọng trách phát triển tên lửa hành trình này nhằm có thể răn đe Mỹ và các đồng minh.

Nhóm kỹ sư đã lựa chọn giải pháp thiết kế tên lửa có tốc độ cận âm vừa đảm bảo được tính hiệu quả vừa có chi phí thấp hơn so với phát triển tên lửa siêu âm, giảm những rủi ro trong quá trình phát triển.

Tên lửa mới được chỉ định Kh-55 hay X-55 theo phiên âm tiếng Nga (NATO định danh là AS-15 Kent) được bắn thử nghiệm lần đầu năm 1976.

Kh-55 có thiết kế khí động học tương tự như tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk của Mỹ với thân hình trụ, 2 cánh ổn định sẽ bật ra sau khi phóng

Tên lửa có chiều dài 6,04m, đường kính thân 0,514 m, sải cánh 3 m, trọng lượng phóng 1,21 tấn, trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ 250 kiloton, tuy nhiên chúng có thể thay thế bằng đầu đạn thông thường nặng 400 kg.

Tên lửa Kh-55 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt R95-300 ở phía dưới bụng phía sau đuôi tên lửa. Động cơ này được xem là một thành phần quan trọng của các công nghệ trên tên lửa Kh-55.

Đây là một loại động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn, hiệu quả và rất tiết kiệm nhiên liệu trong khi cho lực đẩy tương đối lớn.

Động cơ này có chiều dài chỉ 850mm, đường kính 330mm, trên thế giới chưa có loại động cơ nào tương tự.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp dẫn hướng quán tính, cập nhật thông số về mục tiêu thông qua liên kết dữ liệu.

Ở pha cuối, tên lửa có thể sử dụng radar chủ động để tìm kiếm mục tiêu và tấn công hoặc sử dụng cảm biến hình ảnh theo công nghệ so sánh hình ảnh tương phản về khu vực mục tiêu được lưu trong bộ nhớ của tên lửa.

Công nghệ dẫn hướng này cho phép tên lửa tấn công mục tiêu với độ chính xác khá cao, bán kính lệch mục tiêu CEP khoảng 15 m, tầm bắn của Kh-55 khoảng 2.500 km.

Kh-55 được chấp nhận vào trang bị từ năm 1984 nó được phóng từ các loại máy bay ném bom chiến lược của Nga như: Tu-95MS, Tu-22, Tu-160 và sau này là cả cường kích Su-34.

Ngay khi Kh-55 được chấp nhận vào trang bị, nhóm thiết kế của Raduga đã phát triển biến thể nâng cấp Kh-55MS.

Biến thể mới được bổ sung thêm 2 thùng nhiên liệu hình tứ giác ở 2 bên hông tên lửa, động cơ cải tiến với hiệu suất tốt hơn. Điểm nổi bật của Kh-55MS là được trang bị công nghệ dẫn hướng rất tinh vi hơn.

Tên lửa được trang bị một máy tính kỹ thuật số sử dụng bộ lọc dữ liệu Kalman với một bản đồ kỹ thuật số, radar đo độ cao các bộ phận cấu thành này cho phép tên lửa sử dụng công nghệ dẫn hướng kiểu TERCOM (men theo địa hình).

Ở pha cuối, tên lửa sử dụng công nghệ dẫn hướng so sánh hình ảnh tương phản kỹ thuật số DSMAC cùng với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS.

Công nghệ dẫn hướng này cho phép tên lửa có độ chính xác rất cao, CEP của Kh-55MS dưới 5m, khả năng này tương đương với BGM-109 Tomahawk của Mỹ trong khi tầm bắn đạt 3.000km vượt xa hơn nhiều so với Tomahawk.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-noi-nga-dung-ten-lua-hanh-trinh-hat-nhan-lien-xo-thao-dau-dan-de-danh-lua-ukraine-post524085.antd