Ảnh Nude - Nghệ thuật chân chính thì không có 'vùng cấm'

Triển lãm ảnh Nude nghệ thuật đầu tiên diễn ra tại Hà Nội do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đã đi đến những ngày cuối cùng. Điều kỳ lạ là lần đầu tiên tổ chức lại có sự hấp dẫn đối với công chúng như vậy. Trong suốt những ngày diễn ra rất đông khán giả đã đến thưởng lãm, trầm trồ tán dương các nghệ sĩ, các tác phẩm, ngày cao điểm có tới hơn 2.000 khán giả tới thưởng lãm ảnh. Phải chăng sức hấp dẫn xuất phát từ 'nude'?

Triển lãm chuyên đề “Ảnh Nude nghệ thuật” lần đầu tiên được tổ chức quy tụ 52 tác phẩm tuyển chọn của 10 nghệ sĩ nhiếp ảnh với những tên tuổi quen thuộc như Thái Phiên, Dương Quốc Định, DzungArt Nguyen, Lê Quang Châu… thể hiện được cá tính nghệ thuật, hiệu quả thị giác, không gia, ánh sáng ấn tượng làm nổi bật vẻ đẹp hình thể mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ, hướng người xem đến những cảm xúc thẩm mỹ thánh thiện nhân văn.

“Nude” – phải vẽ đường cho hươu chạy?

Trên thế giới ảnh Nude nghệ thuật đã có từ rất sớm ngay sau khi phát minh ra máy ảnh và đối tượng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh yêu thích, khai thác nhiều nhất là mẫu nữ nhằm tôn vinh vẻ đẹp cơ thể và tinh thần được tạo hóa ban tặng. Tuy nhiên, tại Việt Nam có lẽ chưa bao giờ một triển lãm nude mang tầm quốc gia được cấp phép, bởi chăng nude vẫn là một đề tài nhạy cảm?

Nghệ sĩ Dương Quốc Định và vợ tại Triển lãm ảnh Nude nghệ thuật. Ảnh: Gia Linh

Về vấn đề này, nghệ sĩ Dương Quốc Định chia sẻ, một người được tôi luyện như chúng tôi, được đào tạo nhiều năm trong môi trường nghệ thuật chính quy, không có khái niệm nhạy cảm với nude. Chúng ta phải phá vỡ sự nhạy cảm đó bằng một sự đối trọng lại. Cuộc sống đều có được có mất, vì vậy muốn thấy nó tục hay không tục thì phải cho thấy cái gì là cái tục, cái gì là nhạy cảm, cái gì là sự tinh khiết.

Với ảnh nude nghệ thuật, chúng ta phải làm một việc là tạo ra những đối trọng để lớp trẻ nhìn thấy và đừng sai lầm. Ông bà ta thường nói “đừng vẽ đường cho hươu chạy” nhưng trong vấn đề này phải “đừng để hươu không chịu chạy” bởi chúng ta không vẽ đường – nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định nhận định.

Vậy con đường chuẩn mực đó được tạo dựng từ đâu? Xin thưa là từ chính những tài năng được thế giới công nhận, các nghệ sĩ sẽ chỉ cho giới trẻ biết được đâu là nghệ thuật đích thực để từ đó đưa ra chuẩn mực cho cộng đồng.

Tác phẩm "Tinh khiết" của Dương Quốc Định

Suy nghĩ của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cũng hoàn toàn đồng nhất với ý kiến của ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ông Thành chia sẻ việc tổ chức triển lãm ảnh Nude nghệ thuật lần này cũng nhằm giúp cho người thưởng lãm có cảm nhận và phân biệt thế nào là ảnh nude nghệ thuật, thế nào là ảnh nude thiếu thẩm mỹ, thiếu tinh thần nhân văn, ảnh nude dung tục đang trôi nổi trên mạng xã hội.

Đánh giá cao các tác phẩm tại triển lãm, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Thể loại Nude là thể loại rât bình thường trong nhiếp ảnh, không có gì đặc biệt cả, thế giới đã có từ lâu. Riêng với chúng ta, một nước châu Á, thì còn băn khoăn, trăn trở một chút khi công bố các tác phẩm. Cái khó của anh Nude là nó ít motip, ít góc độ, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính nghệ thuật và không bị lẫn giữa nghệ thuật và không nghệ thuật.”

Anh Hoàng Đức Nhuận (Kiến Trúc sư tại Hà Nội), một khán giả tới thưởng lãm triển lãm cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước cấp phép triển lãm ảnh nude, một loại hình nghệ thuật mà thế giới đã chấp nhận nhiều năm qua. Theo cảm nghĩ của tôi, tôi thấy phần lớn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ rất cao. Tôi đã xem nhiều tác phẩm nude qua mạng internet. Về mặt định hướng gu thẩm mỹ thì một triển lãm không giải quyết được nhiều điều nhưng hiệu ứng xã hội sẽ đạt được từ triển lãm này sẽ rất tốt.”

Từ trước đến nay, nghĩ đến ảnh nude người ta nghĩ đến một cái gì đó trần trụi, mang thiên hướng tiêu cực, nhưng qua triển lãm này bằng thực tế thì khán giả cũng như cơ quan quản lý đã có góc nhìn khác về ảnh nude. Tôi tin những lần triển lãm tới sẽ cởi mở hơn về chủ đề, và đề tài rộng hơn – anh Nhuận cho hay.

Rất đông khán giả tới thưởng lãm triển lãm. Ảnh: Gia Linh

Xóa nhãn 18+ vì nghệ thuật thì không có vùng cấm

Điều vui mừng nhất đối với các nghệ sĩ cũng như công chúng là việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã xóa nhãn 18+ đối với triển lãm lần này.

Về vấn đề này, họa sĩ Thành Chương cho biết “Cái khó ở chỗ, đã là ảnh nude thì phải đẹp về mặt hình thể, phải gợi cảm đến mức nào là vừa đủ? Nó như một “khẩu vị” và khẩu vị đó phải thế nào để vẫn giữ được tính nghệ thuật và sự gợi cảm.Thế nào là giới hạn của nó? Đến triển lãm này tôi cho đây là mẫu số tương đối chuẩn. Chính vì vậy tôi đồng ý với Ban tổ chức không dán nhãn 18+ bởi nó “sạch sẽ”, vừa đủ gợi cảm và thật sự nghệ thuật. Tất cả những gì mà tốt như thế này thì trên cũng không ai cấm và công chúng sẽ ủng hộ.”

Anh Hoàng Đức Nhuận (Kiến Trúc sư tại Hà Nội) chia sẻ, “Tôi nghĩ rằng đây là một triển lãm phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tôi rất mừng là Bộ VHTTDL đã bỏ dán nhãn 18+ đối với triển lãm, mà chính xác là nên bỏ, vì nếu không bỏ thì hóa ra là đánh đồng những tác phẩm nghệ thuật với những tác phẩm không có tính nghệ thuật, đồng thời tạo ra một vùng cấm mà nghệ thuật thì không có vùng cấm.

Khán giả tham quan triển lãm. Ảnh: Gia Linh

Cái nhìn cởi mở hơn đối với ảnh nude nghệ thuật

Thành công của triển lãm không chỉ đến từ đề tài mới lạ mà còn bởi nó diễn ra đúng thời điểm khi mà có sự gặp nhau, sự giao thoa giữa nghệ sĩ, nhà quản lý và người thưởng thức nghệ thuật.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chia sẻ, Triển lãm nude nghệ thuật lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội giúp cho người xem hiểu và thưởng thức những giá trị thẩm mỹ, nhân văn, đồng thời để phân biệt, đối trọng với những bức ảnh nude phản nghệ thuật, phản thẩm mỹ. Đây là một đề tài đẹp, chúng ta phải coi trọng nó như những đề tài khác trong nghệ thuật. Có lẽ nguyên nhân do yếu tố văn hóa chưa được cởi mở như bên Châu Âu. Thế nên triển lãm này sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn đối với đề tài này.

Tác phẩm "Vũ điệu" của Lê Quang Châu

Vì sao tới giờ triển lãm ảnh nude đầu tiên mới được cấp phép? Thậm chí như ông Vi Kiến Thành đã chia sẻ ngay trong nội bộ Cục cũng có nhiều ý kiến phản đối triển lãm này.

Ông Lê Nguyễn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Báo ảnh đất Mũi khẳng định “Ở Việt Nam nếu tính từ cuộc triển lãm đầu tiên năm 1947 (triển lãm bình dân học vụ), trừ triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh thì đây là cuộc triển lãm ảnh nude nghệ thuật đầu tiên diễn ra tại thủ đô, mang tầm quốc gia. Tôi khâm phục các nghệ sĩ đã sáng tạo, đã nhảy vào một cuộc khám phá cái đẹp đến tận cùng và cố gắng cùng cố gắng chung của chúng ta để có cuộc triển lãm này. Tôi rất mừng cho đời sống văn hóa bây giờ vì quyền lợi của người sáng tác, người duyệt và thị hiếu người xem không bị xung đột. Bởi trong thể loại này chỉ cần vênh về quan điểm, quyền lợi của một đối tượng thì không thể có triển lãm. Đây là lúc cực kỳ cởi mở về mặt văn hóa và nghệ thuật để hướng đến những giá trị chân thiện mỹ.”

Vì vậy việc triển lãm nude nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức ở tầm quốc gia đã tạo ra một dấu mốc, đánh dấu sự thay đổi, sự cởi mở của cơ quan quản lý cũng như nghệ sĩ và công chúng đối với đề tài ảnh nude, vốn tốn nhiều giấy mực bàn thảo trước đây. Như nghệ sĩ Thái Phiên từng chia sẻ đã từng nhiều lần xin cấp phép tổ chức triển lãm ảnh nude nghệ thuật nhưng không thành công. Nhưng lần này triển lãm như là tháo một nút thắt trong hoạt động sáng tạo ảnh nude của anh em nghệ sĩ, tháo một nút thắt để người ta cảm thấy ảnh nude đã được xã hội công nhận, đồng thời mở đường cho những triển lãm nghệ thuật tiếp theo, bởi nghệ thuật vì nhân văn thì không có vùng cấm./.

Gia Linh

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/my-thuat-nhiep-anh-trien-lam/anh-nude-nghe-thuat-chan-chinh-thi-khong-co-vung-cam-353119.html