Anh Phạm Phú Bằng thân yêu!

Anh Phạm Phú Bằng, một trong dăm người làm Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tiền phương ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Anh là con trai ông Phạm Phú Tiết. Ông Phạm Phú Tiết từng đỗ Cử nhân Thủ khoa nhà Nguyễn. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm Chánh án Tòa án Quân sự Liên khu 5, sau là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Phạm Phú Tiết lại là cháu cụ Phạm Phú Thứ. Cụ Phạm Phú Thứ, lúc nhỏ từng được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm dạy dỗ. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) thi Hương, cụ Thứ đỗ Giải nguyên; năm 1843 thi Hội, đỗ Hội nguyên; vào thi Đình, đỗ Tiến sĩ cập đệ (lúc 22 tuổi); làm quan cao nhất đến Thượng thư Bộ Hộ dưới triều Tự Đức, từng là Phó sứ đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha để đàm phán về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Nhà báo Phạm Phú Bằng.

Bây giờ, tôi xin được viết đôi điều!

- Năm 1981, tôi đang ở đơn vị và đã có vài bài thơ đăng trên trang Văn hóa Báo QĐND. Ông Phan Hiền, Thứ trưởng Bộ Văn hóa khi ấy, là bạn anh Phú Bằng. Biết tôi qua người con rể vốn là bạn đồng ngũ của tôi, ông đã viết một bức thư tay cho anh Phú Bằng, đề nghị anh giúp đưa tôi về Báo QĐND. “Để cậu ở đơn vị thì phí quá!”-ông Phan Hiền bảo thế. Rồi anh Phú Bằng cử nhà văn Hà Đình Cẩn thay mặt Phòng Văn hóa, gặp để “xem mặt” tôi lần đầu. Rồi anh Phú Bằng đi học ở Học viện Chính trị và anh Dân Hồng, Phó trưởng phòng (tạm thay anh Phú Bằng phụ trách phòng) thử thách tôi bằng hai truyện ngắn nữa (mà phải viết xong trong nửa tháng, trong lúc đang phải chăm vợ hằng ngày). Thế rồi qua anh Phú Bằng và anh Dân Hồng, Tổng biên tập Trần Công Mân nhận tôi về báo, biên tập phần văn học và sau này là cả phần văn hóa, thay cho nhà thơ Anh Ngọc vừa chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vậy là, việc tôi về Báo QĐND khởi từ ông Phan Hiền và anh Phú Bằng. Tôi vô cùng cảm kích! Ở đây có một ký ức nho nhỏ: Ngày ấy, khi chúng tôi viết tay bản thảo của mình xong, cứ phải có chữ ký “nháy” của anh Phú Bằng thì mới được cho đánh máy và duyệt đăng. Có nhiều lúc anh Phú Bằng vắng mặt, nhà văn Hà Đình Cẩn bảo tôi học anh ấy, tự ký “nháy” vào bản thảo thay anh Phú Bằng-Có mỗi hai chữ “pb” thôi mà!-Hà Đình Cẩn mách tôi thế. Tôi thử làm theo và không một ai bên đánh máy phát hiện ra, trừ chị Hồi-phu nhân của anh Phú Bằng! Một người vợ thuộc làu cả chữ ký “nháy” của chồng như thế, thì còn biết nói gì đây? Nhưng cũng từ đó, Hà Đình Cẩn và tôi “tử tế” trở lại, dù anh Phú Bằng cũng chưa hề mắng mỏ anh em tôi về chuyện ấy bao giờ.

- Trong những năm 80 của thế kỷ trước, đặc biệt là sau “giá-lương-tiền” 1985, ta cực kỳ thiếu thốn! Thỉnh thoảng, các phòng/ban Báo QĐND mới được phân phối một số vật phẩm thiết yếu-săm/lốp xe đạp, xô/chậu đựng nước, quạt máy cỡ nhỏ...! Không giống những chỗ khác, anh Phú Bằng không để anh em trong phòng phải “gắp thăm” hay “biểu quyết” mà dùng phấn viết lên bảng rằng, lần này có ngần này thứ, ai cần thật thì đăng ký lên bảng! Thế là ai cần thì được nhận, chưa thì chờ! Riêng anh Phú Bằng, anh chẳng ghi tên mình lên bảng bao giờ! Như anh, nghe anh, theo anh, anh em trong Phòng Văn hóa Báo QĐND chưa bao giờ phải làm mếch lòng nhau vì những vật vặt vãnh ấy! Mà, trong đời anh, anh đã bao lần làm từ thiện, bao lần ra trận ở tuyến đầu? Nhiều người còn kể lắm! Vâng! Viết văn, làm báo hoặc làm gì, thì phải lo thành người biết bỏ qua những thứ vặt vãnh ấy đã! “Phòng mình”, “quân mình”, căn bản là đã sống như thế. Nếu anh khác đi, cái tên “Phòng Văn hóa”, chắc ít nhiều cũng khó còn trọn nghĩa.

- Lại kịp khi tôi, một người không được học chữ Hán, “liều mạng” dịch lại và in mấy quyển thơ Đường, thì không như nhiều nhà Hán học khác, anh đã khuyến khích tôi, lại còn bảo bạn bè anh tìm tôi mua sách và đàm đạo và như thế, cả họ, cả tôi và cả nền văn học dịch của ta đều có lợi. Anh luôn là một phần cái tinh thần cởi mở, dũng cảm, thiện lương và hướng thượng, trong những quyển sách của tôi!

Anh Phạm Phú Bằng thân yêu!

Được làm việc với anh, anh Trần Công Mân, anh Nghiêm Túc và các anh chị em có tài lại có tâm ở Phòng Văn hóa và Phòng biên tập Cuối tuần Báo QĐND là phần dài và “nặng” (có trọng lượng) nhất trong đời công tác của tôi!

ĐỖ TRUNG LAI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/anh-pham-phu-bang-than-yeu-769114