Ánh sáng cuối đường hầm

Sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã tuyên bố về sự ra mắt sắp tới của Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là bước đi tích cực, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình chính trị nhằm mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria.

Dù còn nhiều gian nan, song con đường tiến tới hòa bình ở Syria được kỳ vọng sẽ “thuận buồm xuôi gió” sau khi Ủy ban Hiến pháp được thành lập.

Cách đây gần hai năm, tại Hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức, các phe phái đối lập ở quốc gia Trung Đông đã ký thỏa thuận về việc thành lập một ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới. Đây được xem là bước quan trọng tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

Sau nhiều nỗ lực trung gian của quốc tế và quá trình đàm phán đầy “gai góc”, mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã thông báo về việc thành lập một thể chế nhằm soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria sau hơn tám năm chiến tranh tàn phá quốc gia này. Ba quốc gia gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vốn được coi là những nhân tố bảo đảm cho định dạng Astana về giải quyết khủng hoảng Syria, cho biết có thể sẽ dự cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria.

Việc Ủy ban Hiến pháp Syria ra đời, cùng với những bước đi tiếp theo, có thể là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế. Theo đó, 15 thành viên thuộc chính phủ, 15 thành viên phe đối lập và 15 thành viên các tổ chức dân sự chịu trách nhiệm soạn dự thảo Hiến pháp. Tiếp đó, 150 thành viên thuộc ba thành phần nêu trên sẽ thảo luận các dự thảo và có thể thông qua dự thảo với tối thiểu 75% phiếu đồng thuận. Đây là cơ hội để chính người Syria soạn thảo Hiến pháp Syria, một thỏa thuận chính trị thực chất đầu tiên giữa chính phủ và các phe đối lập.

Chính phủ Syria nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề soạn thảo Hiến pháp, một bước đi thiết yếu quyết định tương lai của Syria. Chính quyền Damascus nhấn mạnh rằng, Ủy ban Hiến pháp mới được thành lập không nên bị áp đặt bất kỳ hạn chót hay khung thời gian nào do những điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ủy ban, đồng thời khẳng định tiến trình hòa giải cần do người Syria dẫn đầu, không phải do một quốc gia bên ngoài.

Sự kiện thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria là bước tiến tích cực đầu tiên khích lệ nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Trung Đông. Chặng đường tiếp theo của Syria còn chồng chất khó khăn với hàng loạt vấn đề như tái thiết đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, chấm dứt xung đột, chống khủng bố, ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài. Tình trạng khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, gây ra những quan ngại về khủng bố, bạo lực và nỗi thống khổ của những người dân phải tha hương vì xung đột chiến tranh. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria G.Pedersen thừa nhận còn nhiều thách thức và kêu gọi các bên liên quan ở Syria hãy nắm lấy cơ hội và có hành động cụ thể nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau. Ông cho rằng cần xây dựng một môi trường an toàn, yên bình và trung lập để những người dân Syria thấy rằng, tiến trình hòa giải chính trị có thể giúp tái thiết đất nước và đáp ứng sự mong mỏi của họ.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể thông qua hai nghị quyết về tình hình tại thành phố Ít-líp của Syria vì các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an còn bất đồng về nội dung nghị quyết, trong đó có hoài nghi về khả năng “chính trị hóa công tác nhân đạo”. Là “thành trì” lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria, Idlib hiện có khoảng ba triệu dân sinh sống. Tỉnh này cũng có vị trí chiến lược vì có chung khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng chính phủ Syria được Nga ủng hộ đã tiến hành chiến dịch trên bộ tiến công phiến quân tại tỉnh này.

Trước sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước phương Tây, một lệnh ngừng bắn do Nga hậu thuẫn đã có hiệu lực từ cuối tháng 8 vừa qua, tuy nhiên xung đột vẫn tiếp diễn. Nhiều nước phản đối hoạt động chống khủng bố của Chính phủ Syria tại đây khi cho rằng có nhiều vụ tiến công gây thiệt hại cho dân thường, trong khi chính quyền Damascus vẫn khẳng định quyết tâm quét sạch khủng bố ở khu vực này.

Bên cạnh các chiến dịch chống khủng bố, Chính phủ Syria còn phải nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, trong bối cảnh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắt tay nhau thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” ở miền bắc Syria. Theo chính quyền Damascus, Washington và Ankara đang duy trì sự hiện diện quân sự bất hợp pháp tại miền bắc Syria. Mặc dù tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria, song Mỹ hiện vẫn duy trì khoảng 1.000 binh sĩ với lý do để đối phó các tay súng thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành chiến dịch xâm nhập quân sự vào miền bắc Syria nhằm thiết lập “vùng an toàn” vào sâu bên trong lãnh thổ Syria 30 km và dài 480 km dọc biên giới hai nước.

Những diễn biến mới ở Syria cho thấy đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng Syria, song lộ trình tiến tới hòa bình ở quốc gia Trung Đông này còn đầy chông gai và thách thức.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41756002-anh-sang-cuoi-duong-ham.html