Ánh sáng vẫn tỏa ra từ những trang văn

Khi quyển lịch năm 2021 dừng lại ở những ngày giữa tháng 6 thì văn giới và bạn đọc yêu văn chương đón nhận một tin không vui. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh rời xa những chồng bản thảo hàng nghìn trang đồ sộ, rời xa cõi tạm nhân gian để trở về với Phật, về với Mẫu, với thế giới lịch sử mà ông đã dày công tạo dựng và gửi gắm trong đó bao khắc khoải, bao tâm niệm, ước mơ về cuộc đời.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông đỗ tú tài toán, từng học Trường Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì đi theo kháng chiến, tham gia bộ đội. Hòa bình lập lại, ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời gian rồi chuyển sang Báo Thiếu niên Tiền phong. Cuộc đời ông là một bản nhạc với đầy đủ những nốt thăng giáng của số phận.

Nghỉ hưu từ năm 1973, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ông sớm phải vất vả ngược xuôi, bôn ba chuyện cơm áo gạo tiền để lo cho “gia đình bé mọn” của mình. Những câu chuyện, những giai thoại về việc ông đã “thành danh” trong làng may mặc, thêu thùa như thế nào, chuyện ông phải đi bán máu kiếm tiền ra sao... đã được nhiều văn nghệ sĩ truyền tụng với sự cảm thông sâu sắc. Tuy nhiên, những khốn khó, vất vả ấy-như lời ông tâm sự trong lần tôi đến thăm ông ở 281 Trần Khát Chân-chưa bao giờ khiến ông “buông bỏ” văn chương, mà lại là chất xúc tác mạnh mẽ cho ngòi bút của ông thêm động lực, thêm bền bỉ. Ngày làm việc, đêm đêm ông vẫn miệt mài bên trang viết, gửi vào con chữ nỗi lòng của người trí thức trong thời buổi khó khăn, những suy nghĩ về cuộc đời và muôn kiếp nhân sinh.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Và rồi sau những nốt trầm thời trẻ của thế kỉ 20, sang những năm đầu của thế kỉ 21, khi gần thất thập, ông đã có sự quay trở lại văn đàn một cách ngoạn mục bằng tiểu thuyết "Hồ Quý Ly". Cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt cả hai giải thưởng danh giá là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000) và Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 tựa như một khối thuốc nổ ngàn cân đã “khai sơn phá thạch” mở ra con đường thênh thang cho nghiệp văn của ông sau nhiều năm dài bị ngắt quãng. Để rồi từ đây, những "Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa", "Chuyện ngõ nghèo"... lần lượt ra mắt bạn đọc. "Mẫu thượng ngàn" là hành trình tìm về với đạo Mẫu của dân tộc trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng. "Đội gạo lên chùa" là một áng kinh Phật bằng tiểu thuyết xuyên suốt lịch sử biến động của đất nước trong thế kỷ XX. Cuốn nào cũng vạm vỡ, dày dặn, cuốn nào cũng được công chúng trong và ngoài văn giới đón nhận nồng nhiệt, tái bản nhiều lần, đoạt những giải thưởng văn học uy tín ("Mẫu thượng ngàn" được Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006, "Đội gạo lên chùa" được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010); cuốn nào cũng gây ra những xôn xao, bàn luận thú vị. Tất cả những điều ấy đã phản ánh tầm vóc, vị trí của Nguyễn Xuân Khánh đối với nền tiểu thuyết nước nhà nói riêng, văn học nước nhà nói chung.

Có thể nói, Nguyễn Xuân Khánh là một hiện tượng lạ của văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông khiến chúng ta không chỉ ngẫm lại lịch sử dân tộc ("Hồ Quý Ly"), tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần quý giá của cha ông ("Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa") mà còn phải nhận định, đánh giá lại về những xu thế, trào lưu văn học, tâm thế tiếp nhận tác phẩm của bạn đọc. Ở thời điểm ông “tái xuất” văn đàn, hậu hiện đại đang là “mốt”, đang “nóng”, đang được đón nhận một cách nồng nhiệt hơn bao giờ hết. Nhưng ông cự tuyệt với hậu hiện đại. Kiên định lối viết, kiên định đường văn mình đã chọn. Và ông đã thành công. Văn ông trong sáng, trang nhã, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc bằng những chi tiết lay động tình người, bằng vốn văn hóa sâu rộng, bằng những triết lý nhân sinh sâu sắc được đúc rút, nghiền ngẫm từ sách vở và từ chính cuộc đời “bể dâu” của tác giả. Và trong khi lý thuyết về bạn đọc thời hiện đại vừa không có nhiều thời gian, vừa bị lôi cuốn, thu hút bởi nhiều phương tiện giải trí khác trở nên thịnh hành, tác động đáng kể đến nhiều nhà văn, khiến họ phải viết ngắn, thu gọn dung lượng tiểu thuyết thì Nguyễn Xuân Khánh vẫn “một mình một ngựa” cho ra đời những tác phẩm đồ sộ khiến tất cả ngạc nhiên xen lẫn... ái ngại. "Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" đều xấp xỉ cả ngàn trang in mà vẫn cuốn hút bạn đọc. Tất cả cái sự ngược trào lưu ấy của Nguyễn Xuân Khánh không chỉ thể hiện bản lĩnh, đẳng cấp của một nhà văn lớn mà còn giúp chúng ta thêm một lần nữa nhận thức rõ ràng hơn về chân giá trị của văn chương. Những trào lưu, những chiêu trò, công thức thành công hào nhoáng bề ngoài sẽ đến rồi đi, nở rộ rồi lụi tàn, chỉ có những tác phẩm tựa vào văn hóa, vào giá trị nhân văn cốt lõi của dân tộc mới có thể đi xa, mới có khả năng lan tỏa và sức sống bền vững, lâu dài.

Trong phần kết của "Đội gạo lên chùa", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết: “Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát ánh sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng”. Giờ đây khi nhà văn đã rời xa kiếp nhân sinh thì ánh sáng vẫn tỏa ra từ những trang văn ông viết. Không phải là thứ ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt của đom đóm mà là ánh sáng vĩnh hằng của một tâm hồn đẹp, của một tài năng lớn luôn đau đáu về cuộc đời.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/anh-sang-van-toa-ra-tu-nhung-trang-van-662550