Anh sợ điều khủng khiếp: Mỹ nguy hiểm hơn tin tặc Nga

Nhà khoa học Anh cảnh báo về kịch bản tồi tệ hơn cả tấn công mạng của Nga nhằm vào vaccine COVID-19.

Giữa cuộc chiến thông tin của Anh và Mỹ cho rằng, Nga đứng sau cuộc tấn công mạng để "nẫng tay trên" kết quả nghiên cứu vaccine COVID-19 thì mới đây, nhà khoa học Anh tại Đại học Hoàng gia London, Giáo sư Robin Shattock đã đưa ra cảnh báo đáng lo hơn.

Giáo sư Robin Shattock cảnh báo về việc Mỹ từng thâu tóm các thuốc chữa COVID-19 trên thế giới.

Giáo sư Robin Shattock, Giám đốc dự án vaccine ngừa virus corona được Chính phủ Anh trợ cấp cho biết, thế giới và nước Anh cần phải đề phòng là chủ nghĩa dân tộc. Trong cuộc phỏng vấn kênh Sky News, Giáo sư Shattock đã đề cập đến việc Mỹ từng thâu tóm tất cả các nguồn cung thuốc Remdersivir được sản xuất tại Mỹ dù chúng được đặt hàng để cung cấp cho người dân châu Âu.

Ông cho rằng, một kịch bản tương tự có thể xảy ra nếu tình huống này là ở Anh với vaccine COVID-19 mới nhất.

Vị Giáo sư Anh cũng bác bỏ những nghi ngờ của tình báo Anh, Mỹ, Canada cho rằng tin tặc Nga đã tấn công mạng hòng có được nghiên cứu về vaccine COVID-19 ở các nước này.

Thay vào đó, Giáo sư Shattock cho rằng các nước trên nên cùng chung sức để nghiên cứu vaccine hiệu quả nhất chống lại virus chết người này để có thể cung ứng chúng nhanh nhất, với giá cả phải chăng nhằm giải quyết các vấn đề về đầu cơ thị trường, lợi dụng chi phí cao và nguồn cung hạn hẹp.

Trước đó, ngày 16/7, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) cáo buộc nhóm hacker APT29, còn gọi là Cozy Bear, tấn công vào các tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine của Anh, Mỹ và Canada nhằm đánh cắp thông tin vaccine Covid-19. NCSC cho biết "chắc chắn tới 95%" Cozy Bear là một phần của tình báo Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó tuyên bố Nga "không biết và không liên quan" tới nhóm tin tặc thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Anh, đồng thời Nga cũng phải đối mặt với những cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở dữ liệu máy tính. "Các cơ quan của chúng tôi phải liên tục ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy, đó và vấn đề chung" - ông Peskov nói.

Cozy Bear là một trong những nhóm tin tặc khét tiếng nhất thế giới, từng thực hiện nhiều vụ tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng mạng của nhiều cơ quan chính phủ trong 10 năm qua. Nhóm bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công hệ thống mạng và email của Lầu Năm Góc năm 2015, cũng như máy chủ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) của Mỹ sau đó một năm.

"APT29 xâm nhập thành công nhiều hệ thống máy tính toàn cầu suốt hơn một thập kỷ. Covid-19 mang đến mục tiêu mới cho họ nhắm tới", Tony Cole, Giám đốc kỹ thuật của công ty Attivo Networks (Mỹ), cho biết.

Vụ tấn công nhằm vào nghiên cứu vaccine của Đại học Oxford và Cao đẳng Hoàng gia Anh có nhiều dấu hiệu điển hình của Cozy Bear. Một trong số đó là kiểu khai thác "spear phishing", nhằm vào một người hoặc tổ chức bằng cách thu thập, dùng thông tin có thể nhận dạng được, như tên của họ hàng hoặc bạn thân. Bên cạnh đó là malware có khả năng âm thầm thu dữ liệu từ những hệ thống bị nhiễm.

Các cơ quan an ninh Hà Lan năm 2014 phát hiện một số đặc điểm riêng của nhóm hacker này. Họ đột nhập hệ thống camera an ninh ở một tòa nhà gần Quảng trường Đỏ để điều tra nỗ lực tấn công tin tặc từ Nga và lần đầu ghi nhận hoạt động của Cozy Bear.

Đây được coi là mỏ vàng tình báo khi máy quay an ninh cho thấy những gì xuất hiện trên màn hình của nhóm tin tặc Nga, thậm chí giúp phía Hà Lan nhận diện từng thành viên trong nhóm. Phát hiện này càng được củng cố thêm bởi nghiên cứu về malware do Cozy Bear sử dụng, trong đó cho thấy một công cụ mang tên Hammertoss chỉ hoạt động vào giờ hành chính ở Moskva và Saint Petersburg.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các vụ tấn công thường ngừng lại trong những ngày lễ của Nga, cho thấy nhóm hacker được nghỉ và để phần mềm độc hại nằm im.

Triều Tiên tuyên bố đang thử nghiệm vaccine phòng COVID-19

Triều Tiên mới đây đã xác nhận khả năng miễn dịch và độ an toàn của vaccine mà họ đang nghiên cứu thông qua các thử nghiệm trên động vật và các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu trong tháng này.

Phun thuốc khử trùng tại một cơ sở sản xuất ở Triều Tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Hội đồng nghiên cứu khoa học Bình Nhưỡng ngày 18/7 đã xác nhận tin tức này.

Trang mạng Ủy ban Khoa học và Công nghệ quốc gia Triều Tiên đăng báo cáo cho biết, các nhà khoa học nước này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vắcxin phòng COVID-19. Theo báo cáo này, việc bào chế vaccine do đơn vị nghiên cứu y sinh thuộc Viện Y học Triều Tiên đứng đầu.

Vaccine của Triều Tiên sử dụng protein gọi là kích thích tố tăng huyết áp enzyme 2 (ACE2). Virus SARS-CoV-2 được cho là xâm nhập cơ thể người qua không khí, sau đó tấn công các cơ quan có mức tiếp nhận ACE2 cao, gồm phổi, mạch máu, thận và hệ thống tiêu hóa.

Hiện các nhà khoa học nước này đang thảo luận việc tiến hành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III - giai đoạn cuối cùng.

Trong khi đó, giới chức Bình Nhưỡng khẳng định bộ phận kỹ thuật-công nghệ sinh học của Viện Khoa học quốc gia Triều Tiên cũng đang tiến hành nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-so-dieu-khung-khiep-my-nguy-hiem-hon-tin-tac-nga-3413737/