Anh: Thiếu nhà ở xã hội khiến phụ nữ bị bạo lực gia đình phải quay về với kẻ bạo hành

Thiếu nhà ở xã hội và các quyết sách liên quan đến hỗ trợ nơi ở cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân nghèo dễ bị tổn thương đang là thực tế diễn ra ở Anh. Đây được cho là nguyên nhân có khả năng buộc nạn nhân lại phải quay trở về chung sống với kẻ từng bạo hành, lạm dụng họ.

Hàng ngàn người sống sót và bị tổn thương do bạo lực gia đình ở Anh đang phải tá túc tại những nơi ở dơ bẩn, cũ kỹ và không có điện.

Luật sư và các tổ chức từ thiện cho biết hiện đang bị thiếu nhà ở xã hội và việc những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình bị đưa vào những chỗ ở tạm bợ như vậy là không phù hợp với mục đích trợ giúp, càng khiến họ có nguy cơ trở lại để chung sống và tiếp tục bị lạm dụng bởi thủ phạm bạo lực gia đình.

Một phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình tại nơi ở bừa bộn ở phía Bắc thủ đô London. Ảnh: Sarah Lee/Guardian

“Đây là một vấn đề phổ biến, là vấn đề ở các thành phố lớn, nhưng đang ảnh hưởng đến mọi người trên khắp nước Anh”, Derek Bernardi, luật sư tại Trung tâm Luật Camden ở phía Bắc London, nói, “Điều khủng khiếp đó chúng ta đang gặp phải ngày càng nhiều”.

"Vấn đề chung nhất ở đây là do thiếu nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ", ông Derek nói thêm. Derek cho biết, gần đây, trong một tuần đã có ít nhất vài người tìm đến công ty luật của ông để nói về những khó khăn, bất ổn về nhà ở.

Một người phụ nữ “tạm lánh” ở phía bắc London đang phải sống ở nơi có nhiều chuột. Nơi mà Hội đồng Quận Haringey thu xếp chỗ ở cho cô rất ẩm ướt và nấm mốc. Người phụ nữ 36 tuổi này đã bỏ chạy khỏi bạo lực gia đình với 2 đứa con của mình và cũng đã phải tạm trú ở nơi “không phù hợp” trong 2 năm qua. Cô cho biết, con trai cô phải “vật lộn” với giấc ngủ vì nơi đó có rất nhiều chuột chạy quanh mái nhà.

Theo người phát ngôn của Hội đồng Quận Haringey: “Mối quan tâm về nhà ở càng trở nên khó khăn, bức thiết trong đầu năm 2018, bao gồm cả các vấn đề với chuột. Hội đồng Quận Haringey đang sắp xếp cho cư dân chuyển đến chỗ ở tạm thời để sửa chữa nơi cũ trong tuần này". Tuy nhiên, một nạn nhân sống sót sau bạo lực gia đình cho biết, nơi cô ở, thiết bị trong nhà vệ sinh đã bị hỏng và nó rò rỉ vào phòng ngủ của cô. "Phải mất 3 tháng để sửa chữa", cô nói thêm.

Một người phụ nữ cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lo lắng và trầm cảm. Cô nói: "Chúng tôi nên được đối xử như con người, không giống như động vật... Họ đã gửi cho tôi xem một nơi ở trong một khu vực rất đáng sợ... Phòng ngủ chỉ có cửa ra vào, không có cửa sổ và tôi không thể mở cửa để lấy không khí trong lành”.

Những nơi ở chật chội, tồi tàn như thế này do Hội đồng Quận Haringey thu xếp. Ảnh: Sarah Lee/Guardian

Luật sư Bernardi cho biết, do mức trợ cấp/trợ cấp nhà ở tại địa phương thấp đã dẫn đến việc những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình phải tá túc trong các không gian sống không phù hợp. “Giá thuê nhà ở thị trường tư nhân cao, trợ cấp nhà ở địa phương bị đóng băng và có rất ít chủ nhà sẵn sàng cung cấp nhà ở với mức giá thấp hơn”, ông cho biết.

Trước đó, tháng 3/2018, các nhà chức trách và hội đồng địa phương, trong một tuyên bố chung, khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm đảm bảo nạn nhân bị bạo lực gia đình cảm thấy an toàn và được hỗ trợ. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và xây dựng lại cuộc sống của mình”, thế nhưng đến nay thực tế vẫn không tốt hơn.

Theo luật ở Anh, một phụ nữ khi trở thành người vô gia cư do hậu quả của bạo lực gia đình sẽ được Hội đồng địa phương xếp vào diện cần thiết được hỗ trợ về nhà ở và họ được xếp đặt chỗ ở phù hợp. Nhưng theo luật sư về nhà ở Jane Pritchard: “Phụ nữ thường không biết quyền của họ và không dám lên tiếng, thách thức lại những quyết định không phù hợp từ chính quyền địa phương. Đôi khi, các nạn nhân bị bạo lực, bị lạm dụng dễ bỏ qua, “tha thứ” cho việc họ bị sắp xếp chỗ ở tồi tệ, vì họ không muốn bị di chuyển xa khỏi khu vực họ sống". Trong 1 cuộc khảo sát mới đây, các phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình cho biết, họ không thể tiếp cận ngay nơi ở để tạm lánh sau khi bị bạo lực, 12% buộc phải ngủ tạm ở nơi khác trước khi liên lạc nhận trợ giúp về nơi ở.

Theo nữ luật sư Pritchard: “Việc cung cấp nhà ở an toàn và phù hợp có thể là cách duy nhất để nạn nhân thoát khỏi bạo hành".

T.Hiền theguardian

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/anh-thieu-nha-o-xa-hoi-khien-phu-nu-bi-bao-luc-gia-dinh-phai-quay-ve-voi-ke-bao-hanh-post51241.html