Anh, Trung Quốc loan tin vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch

Một vaccine ngừa Covid-19 do ĐH Oxford nghiên cứu được thông báo đã tạo phản ứng miễn dịch. Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc thử nghiệm của nước này.

Ngày 20/7, theo những dữ liệu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vaccine Covid-19 do Đại học Oxford (Anh) phối hợp với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (liên doanh Anh-Thụy Điển) đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm trên người quy mô lớn đầu tiên, với khả năng tạo ra miễn dịch mạnh mẽ.

Nhóm nghiên cứu gọi loại vaccine đang được nghiên cứu với tên ChAdOx1 nCoV-19, được bào chế dựa trên nguyên liệu gen từ virus SARS-CoV-2 và một chủng adenovirus gây viêm nhiễm trên loài tinh tinh. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của loại vắcxin này với hơn 1.000 người tham gia đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, loại vaccine nói trên đã tạo ra được kháng thể và tế bào T để chống lại sự viem nhiễm. Các kháng thể có khả năng trung hòa được phát hiện ở nhiều người tham gia thử nghiệm sau 28 ngày. Đây vốn được cho là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản sinh ra khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia phát hiện loại vaccine này có khả năng chịu đựng tốt và không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Những tác dụng phụ xuất hiện chủ yếu là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và sốt nhẹ.

Những phát hiện của Anh rất hứa hẹn, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu tiến bộ có đủ để ngăn chặn Covid-19 hay không và các thử nghiệm lớn hơn đang được tiến hành.

Những phát hiện của Anh rất hứa hẹn, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu tiến bộ có đủ để ngăn chặn Covid-19 hay không và các thử nghiệm lớn hơn đang được tiến hành.

Giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford, Giáo sư Adrian Hill cho rằng những dấu hiệu miễn dịch mạnh mẽ cho thấy vaccine nhiều khả năng có thể bảo vệ người bệnh khỏi virus, song vẫn chưa có gì được khẳng định. Ông Hill hy vọng các cuộc thử nghiệm trên người tại Mỹ có thể được thực hiện trong vài tuần tới.

Loại vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển là một trong số ít nhất 100 loại vaccine phòng ngừa dịch Covid-19 đang được nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có ít nhất 23 loại vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Một cuộc thử nghiệm riêng biệt khác ở Trung Quốc, với hơn 500 người, cũng cho thấy hầu hết họ đã phát triển phản ứng miễn dịch.

Hãng tin Tân Hoa xã tối 20/7 đưa tin: "Một cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2 của Trung Quốc cho thấy vaccine an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch".

Các nghiên cứu trên đều là các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 20/7. Đây được xem là một bước đi lớn trên chặng đường tìm ra vaccine Covid-19 hiệu quả và an toàn để sử dụng rộng rãi.

Các tác giả của các nghiên cứu nói rằng họ cũng gặp phải tác dụng phụ từ các ứng viên vaccine trên. Họ cảnh báo cần có thêm nghiên cứu, đặc biệt với những người có độ tuổi lớn hơn, những người có nguy cơ dễ tử vong vì Covid-19.

Sarah Gilbert, đồng tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Oxford (Anh), nói rằng kết quả trên "có triển vọng". "Nếu vaccine của chúng tôi hiệu quả, đây sẽ là một lựa chọn đầy triển vọng vì những loại vaccine thế này có thể được sản xuất với quy mô lớn", bà nói.

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng giới chuyên gia vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách thức cơ thể con người phản ứng sau khi bị nhiễm virus. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất, đó là liệu những kháng thể được tạo ra có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị tái nhiễm hay không.

Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại sau khi có nhiều người có dấu hiệu tái nhiễm Covid-19 dù đã được tuyên bố khỏi bệnh. Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể sẽ giúp ích nhiều cho tiến trình nghiên cứu vaccine cũng như quá trình phân phối cho cộng đồng.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/anh-trung-quoc-loan-tin-vaccine-tao-ra-phan-ung-mien-dich-3414861/