Ánh Viên hụt hơi vì khâu tuyển chọn và đào tạo chới với ngay từ đầu?

Ở tuổi 23, có lẽ Ánh Viên sẽ không thể tiến lên được nữa. Và sau lưng cô vẫn là một khoảng trống mênh mông.

Xuất phát điểm trễ hơn đồng nghiệp từ 7-8 năm. Bỏ qua giai đoạn huấn luyện ban đầu mà không được chuẩn bị về nền tảng để đảm bảo. Tập huấn dài hạn ở nước ngoài nhưng không được ở trong một môi trường bình thường.

Quá trình huấn luyện của Ánh Viên đã chịu nhiều thiệt thòi và trở ngại như thế. Do vậy, những nhìn nhận, đánh giá về sa sút của “Tiểu tiên cá" trong thời gian qua không thể tách rời và nằm ngoài bối cảnh đó.

Tập luyện muộn, bỏ qua nhiều giai đoạn

Vận động viên (VĐV) muốn đạt tới trình độ cao, có vị trí cao trên tầm châu lục và thế giới, phải có xuất phát là đứa trẻ tài năng.

Trong đời sống cộng đồng có nhiều tài năng, nhưng làm sao để phát hiện họ lại là chuyện không đơn giản. Với những nước có nền thể thao tiên tiến, có hệ thống tuyển chọn khoa học và chặt chẽ cùng nhiều phương pháp đánh giá khách quan, họ có thể xác định những tài năng từ cộng đồng.

Sau khi tuyển chọn, những đứa trẻ tài năng ấy phải trải qua quá trình tập luyện có hệ thống, với nhiều giai đoạn. Đầu tiên, họ vượt qua giai đoạn tuyển chọn và huấn luyện ban đầu, bắt đầu chuyên môn hóa, chuyên môn hóa sâu, nâng cao - hoàn thiện trình độ thể thao và cuối cùng là dùng mọi biện pháp để duy trì trình độ thể thao.

Hệ thống các giai đoạn đó kéo dài 8-10 năm. Cá biệt, có những môn kéo dài 14, thậm chí 16-20 năm. Đó là quá trình sư phạm bắt buộc cho mọi VĐV, ở mọi môn thể thao.

Mỗi môn thi đấu lại có độ tuổi bắt đầu của VĐV khác nhau. Những môn như thể dục dụng cụ, bơi, điền kinh hay thể dục nghệ thuật phải tuyển chọn từ rất trẻ.

Trong khi các VĐV khác được phát hiện và đào tạo từ 5-6 tuổi, trải qua quá trình nhiều năm chuẩn bị chức năng cơ thể để nâng cao thì Ánh Viên bắt đầu tập luyện chuyên nghiệp và bài bản khi đã 13 tuổi.

Riêng môn bơi, phải bắt đầu huấn luyện từ 5-6 tuổi, thậm chí sớm hơn 4 tuổi. Sau 10 năm tập luyện, tới 15-16 tuổi mới bắt đầu trình độ cao. Sau đó 2-3 năm là giai đoạn hoàn thiện trình độ thể thao thì VĐV mới lên tới trình độ cao được.

Toàn bộ hệ thống nói trên tạo ra một nền tảng phát triển. Tức là VĐV được chuẩn bị về mặt thể lực, kỹ thuật, tâm lý và ý chí, cơ thể thích ứng hướng tới việc tập luyện với cường độ khắc nghiệt để đạt tới trình độ cao.

Trong quá trình trải qua hệ thống rèn luyện đó, VĐV còn phải được chăm sóc với điều kiện, phương pháp, phương tiện, điều kiện dinh dưỡng và tài năng cá nhân để có sự phát triển tốt nhất.

Việt Nam chưa có điều kiện chọn lọc tài năng như các nước tiên tiến. Phương pháp tuyển chọn chủ yếu là tìm kiếm những đứa trẻ có thành tích tốt trong số được ăn tập để bồi dưỡng thêm mà không có việc đánh giá dựa trên cơ sở khoa học.

Bản thân Ánh Viên cũng không phải là đứa trẻ được chọn theo cách ấy.

Trong khi các VĐV khác được phát hiện và đào tạo từ 5-6 tuổi, trải qua quá trình nhiều năm chuẩn bị chức năng cơ thể để nâng cao thì Ánh Viên bắt đầu tập luyện chuyên nghiệp và bài bản khi đã 13 tuổi. Và từ đó, đi thẳng tới quá trình tập nâng cao ngay.

Tức là, cô tập luyện đỉnh cao mà không được chuẩn bị về nền tảng - chuẩn bị tốt các chức năng cơ thể, gồm thể lực, hệ thống các cơ quan trong cơ thể. Việc đảm bảo nền tảng này cực kỳ quan trọng. VĐV không chuẩn bị tốt, không thể vươn cao được.

Một vấn đề nữa, Ánh Viên được chuyên môn hóa ngay khi mới tập luyện tại Cần Thơ và Quân Đội. Trong thể thao có quy luật nếu chuyên môn hóa sớm hoặc chuyên môn hóa hẹp (chỉ tập bơi mà không có bổ trợ, huấn luyện toàn diện) thì không lên đỉnh cao và đi xa được.

Khi “Tiểu tiên cá" bị trơ

Nhìn sang nước bạn, Joseph Schooling (Singapore) hay Ye Shiwen (Trung Quốc) đều được chăm sóc tốt hơn Ánh Viên.

Ye Shiwen, được coi là đối thủ chính của Ánh Viên ở châu lục, đã có sự trở lại ngoạn mục sau 5 năm im lặng. "Thần đồng bơi thế giới" từng sang Australia tập luyện cùng HLV Xu Guoyi năm 2011 với mục tiêu giành HCV Olympic. Tại đây, cô được 2 HLV hàng đầu thế giới là Ken Wood và Denis Cotterell chỉ dẫn. Điểm yếu bơi ếch của Shiwen được cải thiện.

Sau một năm, nữ kình ngư 15 tuổi gây chấn động với 2 tấm HCV nội dung hỗn hợp tại Olympic London, trong đó phá kỷ lục thế giới 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 08 giây 43.

Ánh Viên là một thiếu nữ phải trải qua thời kỳ dài chỉ có tập luyện mà không có hoạt động khác, không được ở trong môi trường bình thường.

Schooling được đầu tư số tiền gần 1 triệu USD (gấp 5 lần so với mức đầu tư cho Ánh Viên) sang Mỹ tập huấn để chuẩn bị cho Olympic Rio 2016. Tại Thế vận hội Rio, Singapore đã chu đáo đến mức mang sang hai đầu bếp để chế biến 88 món phục vụ Schooling và đồng nghiệp. Ở SEA Games 2017, anh được chăm sóc tới “tận răng” khi có 3 vệ sĩ đi theo, 2 nhân viên y tế, 2 chuyên gia dinh dưỡng, 1 nhân viên massage và 1 nhân viên truyền thông.

Trong khi đó, Ánh Viên phải đi tập huấn một mình cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Với “Tiểu tiên cá", môi trường ở Mỹ không dễ dàng gì thích ứng. Điều kiện và cách tổ chức cũng như cách huấn luyện của họ rất khác chúng ta.

Giai đoạn đầu, thầy trò Ánh Viên rất khó khăn và vất vả để làm quen. Họ phải đổi 2-3 CLB mới tương đối ổn định. Ra nước ngoài không thể đảm bảo và tốt bằng việc phát triển ở trong nước, với những trung tâm đủ điều kiện để tập luyện.

Tập huấn ở nước ngoài chỉ là giải pháp tình thế ngắn hạn. Việc này kéo dài dẫn tới trạng thái tâm lý không ổn định, thậm chí trì trệ. Tâm lý học gọi là trạng thái trơ.

Vấn đề này, chúng ta nên có cái nhìn chia sẻ với hai thầy trò. Quanh năm đằng đẵng ở nước ngoài, họ thiếu tất cả điều kiện ngoại cảnh, thích ứng với xung quanh. HLV Đặng Anh Tuấn cũng hy sinh, để gia đình sang một bên để đi mãi thế.

Tôi đặt câu hỏi liệu có ai làm được như vậy? Quan điểm của nhiều người cần thay HLV cũng không ổn. Chúng ta tìm đâu ra một người sẵn sàng hy sinh và hiểu Ánh Viên như HLV Anh Tuấn?

Ngay cả Ánh Viên cũng thế. Chúng ta không thể để một thiếu nữ phải trải qua thời kỳ dài như thế mà không có hoạt động khác, không được ở trong môi trường bình thường.

Ánh Viên xuất hiện pha trơ của tâm lý là điều dễ hiểu. Nó dẫn tới diễn biến trong cơ thể bất lợi cho việc nâng cao thành tích. Từ đó nó có những diễn biến trong cơ thể bất lợi cho việc nâng cao thành tích.

Có ý kiến cho rằng Ánh Viên không có thời gian để sửa kỹ thuật, theo tôi là không đúng. Kỹ thuật bơi không phức tạp như TDDC, trượt băng, nhảy cầu... Vấn đề quan trọng nhất là chuẩn bị thể lực, nền tảng toàn diện. Không có những cái đó thì không thể tiến xa được. Đó mới là nguyên nhân chủ yếu.

Pha trơ trong tâm lý của Ánh Viên dẫn tới diễn biến trong cơ thể bất lợi cho việc nâng cao thành tích. Từ đó nó có những diễn biến trong cơ thể bất lợi cho việc nâng cao thành tích.

Nhìn lại, quá trình huấn luyện của Ánh Viên chịu nhiều thiệt thòi khi bắt đầu muộn, không có giai đoạn huấn luyện ban đầu mà bước vào bắt đầu chuyên môn hóa luôn.

Chính vì vậy, chúng ta không nên đòi hỏi quá cao. Thầy trò Ánh Viên làm được những thành tích như đã biết là sự nỗ lực và tài năng rất lớn.

Đến một thời điểm, trạng thái trơ xuất hiện và ngày càng nặng lên, có thể dẫn tới việc trì trệ và không còn hứng thú để nỗ lực nữa. Đương nhiên, với những người có ý chí phi thường, họ vẫn có thể vượt lên. Tuy nhiên, cần rõ ràng rằng sự vượt lên đó dựa trên cơ sở nào (chuẩn bị kỹ lưỡng, có nền tảng, tâm lý tốt...).

Những người làm thể thao cần đánh giá lại phương hướng và cách làm trong công tác tuyển chọn, đào tạo và quan tâm đến việc đào tạo VĐV trẻ cho hợp với quy luật. Điều này liên quan đến tất cả VĐV chứ không riêng Ánh Viên.

Cách xác định nhiệm vụ, mục tiêu trong chiến lược phát triển cũng là vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, từng VĐV phải được xác định rõ mục tiêu chính của mình ở đâu (SEA Games, Asian Games hay Olympic).

Tôi đặt dấu hỏi vai trò của cấp quản lý, những người có trách nhiệm ở đâu. Trên cơ sở khoa học, quy luật thể thao, không ai làm thay cấp quản lý việc này được.

Vẫn chỉ một mình Ánh Viên

Như Ánh Viên đã ở tuổi 23, tôi nghĩ việc tiến lên nữa là cực khó. Trong khi đó, ở trình độ quốc tế và thế giới xuất hiện nhiều VĐV tài năng mới. Họ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thực tế, họ tài năng và được đầu tư hơn hẳn Việt Nam. Từ đó, việc xếp hạng 13 đến 19 thế giới là chuyện bình thường.

Vấn đề là người ta muốn tìm hiểu tại sao thành tích bơi hỗn hợp từ 4 phút 36 giây xuống còn 4 phút 47 giây. Đó là sự sa sút.

Việc này còn phụ thuộc vào đỉnh cao và đỉnh của lứa tuổi. Phải chăng đỉnh đó là ngưỡng giới hạn và Ánh Viên không thể phá được nữa? Bởi vậy, tôi cho rằng Ánh Viên giữ được thành tích như ở SEA Games hay Olympic Rio 2016 là khó.

Trong thể thao còn một quy luật nữa: Hệ thống đào tạo thể thao đỉnh cao của một quốc gia cần có nhiều người tài thay thế nhau, không phải chỉ trông chờ vào một người duy trì mãi.

Ví dụ, ở Việt Nam, nội dung 1.500 m tự do nam có ba kình ngư xuất sắc cùng nhau đua tranh là Lâm Quang Nhật, Huy Hoàng và Kim Sơn.

Nguyên Tổng bí thư Đảng xã hội Thống nhất Đức Erich Honecker từng nói: "Chúng tôi cần những người Đức trên vũ đài Olympic chứ không phải lúc nào cũng chỉ cần một người Đức".

Năm tháng trôi qua khiến nhiều thứ thay đổi, VĐV không thể thắng mãi được.

Tức là hôm nay tôi thắng, thì ngày mai anh phải thắng, ngày kia là một người khác nữa. Không VĐV nào có thể duy trì thắng lợi mãi được.

Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp "tre chưa già măng đã mọc". Ye Shiwen của Trung Quốc mới đoạt 2 HCB nội dung 200 m hỗn hợp nữ và 400 m hỗn hợp nữ ở giải thế giới vừa qua. Tiếp nối cô là kình ngư trẻ Yu Yiting sinh năm 2005, 14 tuổi đã lọt vào bán kết nội dung 200 m hỗn hợp với thành tích 2 phút 12 giây 98.

Năm tháng trôi qua khiến nhiều thứ thay đổi, VĐV không thể thắng mãi được. 4 năm sau, rơi vào tuổi phát triển thì tiến bộ, rơi vào tuổi chậm phát triển thì thụt lùi. Trong thời gian đó, nhiều nước khác cũng xuất hiện VĐV giỏi và đang tiến lên về thành tích.

Khi đi lên đỉnh cao, vấp váp, sai lầm là tất yếu, sẽ có bài học phải trả giá. Qua đó chúng ta có thể nhìn ra vấn đề, muốn hạn chế sai sót phải có sự đầu tư khoa học từ tuyển chọn đến nâng cao, từ thể hình, thể lực, kỹ thuật đến cả tâm lý. Thiếu bất cứ yếu tố nào đều không được.

Chúng ta tới giờ vẫn chỉ có một mình Ánh Viên, rất khó đòi hỏi cao. Dù được đầu tư mạnh mẽ và trọng điểm, nhưng cách làm đó chỉ mang tính ngắn hạn.

Nguyễn Hồng Minh
Illustration: Hà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/anh-vien-hut-hoi-vi-khau-tuyen-chon-va-dao-tao-choi-voi-ngay-tu-dau-post972680.html