Ankara chật vật tìm tiêm kích cho tàu sân bay nội địa

Việc Mỹ đình chỉ cung cấp tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho không quân mà còn cả hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã công bố hình ảnh chiếc tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn kiêm tàu sân bay hạng nhẹ mang tên TCG Anadolu của hải quân nước này hiện đã trong tình trạng gần thi công xong phần thân và chỉ chờ hạ thủy vào cuối năm nay.

Tham vọng ban đầu của Ankara là đưa chiếc TCG Anadolu chính thức hoạt động từ tháng 4/2021 và tiếp sau đó có thể sẽ đóng thêm hàng không mẫu hạm thứ hai, nhằm nâng tầm hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Để làm được điều này, Thổ Nhĩ Kỳ cần một phương tiện tối quan trọng đó chính là tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B Lightning II do Mỹ sản xuất mà Ankara là một trong những bên góp vốn cho chương trình nghiên cứu từ ban đầu.

Tàu đổ bộ tấn công/ Tàu sân bay hạng nhẹ TCG Anadolu của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Tàu đổ bộ tấn công/ Tàu sân bay hạng nhẹ TCG Anadolu của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhiên, Mỹ đình chỉ chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35A cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ theo hiệu lực của Đạo luật CAATSA để trả đũa việc họ mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga.

Không được cung cấp F-35A thì dĩ nhiên lực lượng không quân của Ankara sẽ chịu thiệt hại nặng nề, nhưng sự việc này chưa dừng lại ở đó khi chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có cơ hội sở hữu tiêm kích hạm F-35B.

Nếu thiếu chiến đấu cơ F-35B, tàu sân bay nội địa của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm được chức năng của tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng săn ngầm và yểm trợ hỏa lực mà thôi.

Muốn thoát khỏi thảm cảnh trên, Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên phải sớm tìm ra một chủng loại chiến đấu cơ có đặc tính cất hạ cánh tương tự như F-35B để thay thế chiếc chiến đấu cơ này.

Chiến đấu cơ AV-8B Harrier II có thể xem như ứng viên tiềm năng thay thế F-35B trong Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Khác với F-35A khi Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể hỏi mua luôn Su-57 từ Nga hay đẩy nhanh dự án nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ 5 nội địa thì để lấp khoảng trống mà F-35B để lại chỉ có duy nhất một phương án là hỏi mua...AV-8B Harrier II.

AV-8B cũng là một chiếc tiêm kích hạm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B tuy rằng tính năng kỹ chiến thuật của nó chẳng thể nào bằng, nhưng trong tình huống hiện nay thì Ankara chẳng còn lựa chọn nào khác.

Như vậy, Ankara chỉ có thể tính đến việc mua lại phi đội AV-8B của Hải quân Italia và Tây Ban Nha sau khi các nước này nhận F-35B và cho AV-8 nghỉ hưu mà thôi.

Nhưng dưới áp lực của Mỹ, chưa chắc hai quốc gia thành viên NATO trên đã chấp nhận sang tên phi đội AV-8B của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả khi đó họ không còn dùng nữa. Do vậy sẽ còn rất nhiều việc đau đầu cho giới chức quân sự Ankara để mong cứu vớt chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ankara-chat-vat-tim-tiem-kich-cho-tau-san-bay-noi-dia-3377848/