Ankara xoay chuyển quan hệ với NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện mối quan hệ với các đối tác NATO bằng cách tạo mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền của Joseph Biden.

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng mối quan hệ của họ với các đối tác NATO sẽ được cải thiện bằng cách tạo mối quan hệ tốt với chính quyền của Joseph Biden, người sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, tờ Bloomberg cho biết.

Ông Joseph Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông Joseph Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Sức ép từ các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ từ các nước EU đã buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đứng đầu phải xem xét thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Trước đó, Nghị viện châu Âu, các nước thành viên EU đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì hành vi gây hấn của nước này trên Biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, theo Bloomberg, Ankara đang xem xét sửa đổi chính sách đối ngoại của mình do những bất đồng với Nga ngày càng tăng, đặc biệt là vấn đề lợi ích ở Libya và Syria.

Vì vậy, Ankara hy vọng rằng việc củng cố mối quan hệ với chính quyền ông Biden sẽ cải thiện mối quan hệ với các nước NATO và tăng cơ hội thực hiện các giao dịch vũ khí khác. Tờ báo Bloomberg cho biết rằng, phía Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ chối tích hợp hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vào hệ thống phòng không của NATO nhằm tránh các lệnh trừng phạt mới từ Washington.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara sẽ bước sang một “trang mới” trong quan hệ với Mỹ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joseph Biden. Bộ trưởng lưu ý rằng, việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt Ankara sẽ ảnh hưởng đến chương trình tiêm kích F-35 và làm tổn hại dến quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông cũng thừa nhận rằng, hiện tại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có một số bất đồng trong lĩnh vực quân sự-chính trị.

Tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ông Fayez Saraj. Họ đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác quân sự và tuyên bố gửi quân đến Libya để giúp Chính phủ Hiệp định Quốc gia Lybia. Trong khi đó, trong cuộc xung đột này Nga đóng vai trò là nước trung lập. Tuy nhiên, nước này tuyên bố rằng, cuộc khủng hoảng Libya phải được giải quyết một cách hòa bình với sự tham gia của Liên Hợp Quốc và việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới Lybia chỉ làm tình hình trầm trọng thêm.

Trong cuộc xung đột ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân đội tự do Syria, nhưng mục đích chính của Ankara là chống lại Đảng Công nhân Kurdistan. Trong khi đó, Nga hỗ trợ quân đội chính phủ Syria. Hiện tại nước này đã gần như giải phóng khỏi khủng bố IS, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ không chịu rút quân khỏi nước này và vẫn tiếp tục hiện diện ở tỉnh Idlib.

Đối với cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, nó đã được giải quyết với sự can thiệp của Moscow vào ngày 9/11. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên thông báo rằng, nước này luôn ủng hộ Baku và bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ phía Azerbaijan nếu cần.

Chí Huy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ankara-xoay-chuyen-quan-he-voi-nato-3423358/