Ðào tạo cán bộ trẻ ở thành phố mang tên Bác

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Vì thế, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phẩm chất, năng lực là yêu cầu quan trọng, cấp thiết để phát triển thành phố nhanh, bền vững. Nhiều năm qua, thành phố đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết, trình độ, năng lực luôn được quan tâm hàng đầu.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh giải quyết hồ sơ của người dân. Ảnh: Thành đoàn TP Hồ Chí Minh

Tạo nguồn cán bộ cơ sở

Quận đoàn quận 4 là đơn vị có phong trào đoàn hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, cũng như nhiều tổ chức đoàn khác, tình trạng thiếu cán bộ đoàn ở cơ sở vẫn là một trong những khó khăn của công tác đoàn trên địa bàn quận. Nhằm khắc phục vấn đề trên, từ năm 2015, Ban Thường vụ Quận đoàn quận 4 đã đề xuất Quận ủy thực hiện đề án “cán bộ đoàn định suất thứ ba”. Với đề án này, Quận đoàn quận 4 mong muốn sẽ “giữ chân” được những bạn trẻ có năng lực, nhiệt huyết ở lại cơ sở để xây dựng phong trào đoàn. Bí thư Quận đoàn quận 4 Trần Mai Chí cho biết, từ những phong trào đoàn ở cơ sở, hằng năm, đoàn phường sẽ giới thiệu những nhân tố tích cực cho Quận đoàn để được công nhận là cán bộ định suất thứ ba. Hầu hết những bạn nằm trong đối tượng này là sinh viên ở các trường đại học trong thành phố. Với quy trình chặt chẽ, một bạn trẻ khi trở thành cán bộ đoàn định suất thứ ba phải ổn định tư tưởng, xác định con đường tương lai của mình là làm việc trong cơ quan nhà nước, cụ thể hơn là công tác đoàn trên địa bàn quận 4.

Bạn Lê Hồng Hạnh là một trong những bạn trẻ nằm trong đề án “cán bộ đoàn định suất thứ ba”. Ðầu năm 2017, Hồng Hạnh được bố trí về làm Phó Bí thư Ðoàn phường 4. Nhớ lại thời gian đầu, Hồng Hạnh cho biết, bản thân từng nghĩ sẽ làm một nghề liên quan marketing sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng khi đang là sinh viên Trường đại học Công nghệ Sài Gòn, Hồng Hạnh có điều kiện tham gia sinh hoạt đoàn tại phường 18, quận 4. Sau mỗi lần sinh hoạt tại phường, Hồng Hạnh lại yêu phong trào đoàn hơn. Bên cạnh đó, sự năng nổ, nhiệt tình và sáng tạo khi đưa ra ý tưởng cho các phong trào đoàn đã giúp Hạnh được lãnh đạo địa phương chú ý, quan tâm. Sau khi được các anh chị Ðoàn phường 18 định hướng, Hồng Hạnh được giới thiệu và trở thành cán bộ định suất thứ ba. Giờ đây, trở thành Phó Bí thư Ðoàn phường 4, Hồng Hạnh tiếp tục phát huy năng lực của mình qua việc tổ chức nhiều phong trào đoàn, hội có ý nghĩa thiết thực với thanh niên, góp phần đưa phong trào đoàn của phường khởi sắc hơn.

Trưởng ban Tổ chức Quận đoàn quận 4 Ngô Như Ngọc cho biết, trước đây, nhiều phường đã hình thành mô hình này nhằm tạo nguồn cán bộ đoàn ở cơ sở nhưng còn mang tính tự phát. Việc Quận đoàn xây dựng Ðề án Cán bộ đoàn định suất thứ ba sẽ giúp cho công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ đoàn của quận 4 trở nên bài bản, cụ thể hơn. Sau bốn năm thực hiện, đề án “Cán bộ đoàn định suất thứ ba” được Quận ủy quận 4 đánh giá cao, xem đây không chỉ là “bệ đỡ” cho cán bộ đoàn cơ sở mà còn là nơi đào tạo, cung cấp cán bộ trẻ cho cả hệ thống chính trị của quận.

Cùng đưa ra giải pháp để đào tạo nguồn cán bộ trẻ, từ tháng 9- 2017, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Bình đã ban hành Kế hoạch số 114- KH/QU về luân chuyển cán bộ quy hoạch tiếp cận chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường. Ðây thực chất là chuyến thực tập dành cho cán bộ nguồn của quận để bước đầu làm quen, tiếp cận chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường. Theo kế hoạch, 33 đồng chí được cử đi thực tế, tiếp cận chức danh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường gồm: Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường, Phó Chủ tịch HÐND và Phó Chủ tịch UBND phường. Là cán bộ được cử đi tiếp cận chức danh Phó Chủ tịch UBND phường đợt 1, đồng chí Nguyễn Thị Bích Tho, chuyên viên Văn phòng HÐND, UBND quận Tân Bình vẫn còn nhiều cảm xúc về thời gian đi thực tế tại cơ sở.

Ðược bố trí thực tập tại UBND phường 15, Bích Tho khá bỡ ngỡ khi tiếp cận công việc mới. Nhưng nhờ vào sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND phường, nhất là đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường hướng dẫn trực tiếp, Bích Tho dần tự tin hơn. “Tôi học tất cả những công việc mà một đồng chí Phó Chủ tịch phường phải làm, từ cách tham mưu, làm báo cáo, đến công tác tiếp dân” - Ðồng chí Bích Tho chia sẻ. Qua sáu tháng đi thực tế (2 buổi mỗi tuần), Bích Tho đã có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm về chức danh mà mình được quy hoạch. Hiện tại, Nguyễn Thị Bích Tho đã được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Tân Bình.

Dù chưa được bố trí chức danh được quy hoạch, nhưng đối với đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, kế toán Quận ủy Tân Bình, đợt đi thực tế tiếp cận chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phường thật sự mang lại nhiều bổ ích cho bản thân. Ðược tiếp cận, làm quen với chức danh Phó Bí thư Ðảng ủy phường 12 trong đợt 1, Hồng Hạnh đã được đồng chí Phó Bí thư Thường trực hướng dẫn tận tình. Những chuyến đi tiếp xúc bà con ở các khu phố, hay những lần tham dự cuộc họp đảng ủy phường đã giúp Hạnh hiểu rõ hơn công việc mà mình được quy hoạch.

Ðồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, qua cách làm, xử lý công việc của đồng chí lãnh đạo hướng dẫn, bản thân tự rút ra những kinh nghiệm để sau này khi được bố trí ở vị trí tương tự sẽ không còn bỡ ngỡ, lúng túng. Theo Phó Bí thư quận ủy Tân Bình Lê Thị Kim Hồng, cán bộ được cử đi thực tế tiếp cận chức danh quy hoạch đều thể hiện năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Hầu hết các cán bộ đi thực tập đều có khả năng tiếp thu, tham gia điều hành và kỹ năng xử lý công việc tốt, chịu khó nghiên cứu tài liệu. Ðây là bước đệm để cán bộ trẻ trở nên dạn dĩ hơn, tiếp cận công việc nhanh hơn khi được bố trí chức danh theo quy hoạch.

Cán bộ đoàn định suất thứ ba của Quận đoàn quận 4 Mã Phụng Thy tích cực tham gia hoạt động phong trào ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xuất phát từ yêu cầu thực tế và xác định tầm quan trọng của nhân tài, ngay từ Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ IX, và đến Ðại hội lần thứ X, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xác định nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chương trình đột phá của thành phố. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết, có trình độ năng lực, dám nghĩ, dám làm, “vừa hồng vừa chuyên” để bổ sung cho lực lượng cán bộ trẻ kế thừa đáp ứng yêu câu xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng.

Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng, triển khai Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi (khởi nguồn là Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn) và Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (khởi nguồn là Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ) để tuyển chọn, đào tạo sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có triển vọng phát triển tốt, tạo nguồn quy hoạch, rèn luyện qua thực tiễn để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học, công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị thành phố.

Ðến nay, chương trình tạo nguồn quy hoạch, cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi đã xét đưa vào chương trình 1.524 trường hợp là sinh viên có học lực khá, giỏi; cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có chiều hướng phát triển tốt. Hiện nay, chương trình còn 899 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị; trong đó, có 552 nữ; 417 cán bộ, công chức; 482 cán bộ được xét chọn từ nguồn sinh viên. Chương trình đã tổ chức 15 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và kỹ năng công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cho 644 cán bộ trẻ tuổi chuẩn bị luân chuyển về cơ sở, giúp các đồng chí tự tin, nhanh chóng nắm bắt, thích nghi với môi trường công tác mới. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, các cấp ủy đảng luôn chú ý tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ trẻ tuổi thông qua hoạt động câu lạc bộ cán bộ trẻ Thành đoàn và các quận, huyện, các buổi gặp gỡ, giao lưu với các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng...

Bí thư Quận ủy quận 10 Ðặng Quốc Toàn là một trong những cán bộ từng tham gia chương trình cán bộ nguồn cho biết, quá trình học tập, bồi dưỡng khi tham gia chương trình này là điều kiện rất tốt để mỗi cán bộ rút ra những bài học kinh nghiệm có ích và những điều thú vị giữa thực tiễn công tác thời điểm đó. Chương trình còn giúp mỗi cán bộ có ý thức cao về rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống hằng ngày để xứng đáng với truyền thống cách mạng kiên cường, với niềm tin yêu và kỳ vọng của lãnh đạo và người dân thành phố.

Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ kế thừa không phải thực hiện một sớm, một chiều mà đó là cả một quá trình liên tục và lâu dài. Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát những chương trình tạo nguồn cán bộ trẻ, rút ra bài học kinh nghiệm cũng như khắc phục các hạn chế để những chương trình này thật sự là chương trình “xương sống”, phát huy hiệu quả cao nhất. Ðặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, để có đội ngũ cán bộ xứng tầm với sự phát triển của thành phố thì công tác cán bộ, nhất là công tác tạo nguồn cán bộ trẻ cần phải có “cơ chế đặc thù”. Có thế, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều cơ hội để thu hút tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ trẻ có đủ đức, đủ tài, giàu nhiệt huyết để cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của thành phố.

VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/38767802-%C3%B0ao-tao-can-bo-tre-o-thanh-pho-mang-ten-bac.html