Ảo thuật học dễ, làm nghề khó

Là một bộ môn nằm trong nghệ thuật xiếc, nhưng các ảo thuật gia lại hiếm có một chương trình quy mô hoặc liên hoan để thể hiện tài năng. Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ 3 năm 2018, diễn ra từ ngày 13 đến 15-10 tại TP Hồ Chí Minh, được đánh giá là nơi tụ hội các anh tài của làng ảo thuật Việt.

Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức. Ban tổ chức (BTC) nhận được 39 tiết mục của hai đơn vị xiếc công lập và 14 đơn vị, nhóm và nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa đăng ký tham dự.

NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam, thành viên Ban giám khảo liên hoan cho biết, mặc dù là loại hình nghệ thuật độc đáo, lôi cuốn sự tò mò, hồi hộp và hấp dẫn công chúng, nhưng đây mới là lần thứ 3 liên hoan được tổ chức (lần thứ 2, năm 2012). BTC rất phấn khởi bởi số lượng tiết mục đăng ký lần này nhiều hơn so với hai cuộc liên hoan trước. Điều đó chứng tỏ, cho dù điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ ảo thuật vẫn rất yêu nghề, qua phần chấm sơ loại các clip gửi về, BTC đánh giá có nhiều tiết mục tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Ảo thuật gia Ricky Nguyễn biểu diễn tại chương trình Kỳ tài lộ diện-sân chơi hiếm hoi dành cho nghệ sĩ ảo thuật tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: AN KHANG.

Trong danh mục đăng ký tham gia, hầu hết những tiết mục đến từ các đoàn xã hội hóa, nhóm nghệ sĩ phía Nam, chỉ duy nhất một tiết mục của nghệ sĩ đến từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam (khu vực phía Bắc). NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thành viên BTC liên hoan không khỏi chạnh lòng khi cho biết, việc học làm ảo thuật thời gian qua rất thuận lợi cho những ai yêu môn nghệ thuật này, bởi chỉ cần một chút năng khiếu là có thể làm được nghề; việc phát triển công nghệ thông tin, internet thời gian qua đã mang lại cơ hội học và trau dồi kiến thức, cũng như quảng bá tài nghệ cho các tài năng ảo thuật. Tuy nhiên việc “hành nghề” của các nghệ sĩ ảo thuật diễn ra khá manh mún, không có những chương trình biểu diễn độc lập, quy mô, mà hầu hết chỉ biểu diễn trong các chương trình giải trí mang tính tạp kỹ, đôi lúc tiết mục ảo thuật chỉ là “dự bị”, khỏa lấp thời gian chờ nghệ sĩ “chạy sô” chưa kịp tới. Sự vắng bóng của các nghệ sĩ ảo thuật phía Bắc lần này tại liên hoan cũng thể hiện những khó khăn. Nhiều nghệ sĩ của các đoàn xã hội hóa, nhóm phía Bắc không có kinh phí để vào Nam tranh tài; một số nghệ sĩ đoàn công lập một phần cũng do yếu tố tài chính và một phần có lịch biểu diễn phục vụ.

Chia sẻ về sự khó khăn của các nghệ sĩ ảo thuật, ảo thuật gia Huỳnh Công Danh (CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh) cho hay, 100% các ảo thuật gia Việt Nam đều sống được với nghề nhưng nếu nói có thể làm giàu và có cuộc sống sung túc từ nghề thì chỉ khoảng 10%. Ở Việt Nam, hiện chưa có trường đào tạo nghề ảo thuật mà chủ yếu là tự phát, do mọi người quá đam mê và tự tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, như: Học qua sách báo, qua internet, qua các chương trình ảo thuật của nước ngoài, học từ các câu lạc bộ ảo thuật hoặc truyền nghề… Để có một tiết mục ảo thuật hoành tráng, hấp dẫn, ngoài việc khổ luyện thì cần sự đầu tư về đạo cụ, với khoản kinh phí không nhỏ và gây trở ngại cho nhiều ảo thuật gia trẻ. Bên cạnh đó, mặt bằng chung về cát-xê cho ảo thuật gia Việt Nam không cao, đôi khi không đủ kinh phí để vận chuyển những đạo cụ có kích thước lớn, nên cũng hạn chế phần nào sự sáng tạo trong biểu diễn, dẫn đến những tiết mục thiếu màu sắc, đơn điệu và lặp đi lặp lại.

Cũng theo lời của ảo thuật gia Huỳnh Công Danh, TP Hồ Chí Minh hiện không còn nhiều sân khấu dành cho ca nhạc tạp kỹ, nhưng ảo thuật vẫn hiện diện khắp nơi, từ những bữa tiệc sinh nhật, cưới hỏi đến sân khấu các công viên văn hóa hay những sự kiện của các trung tâm thương mại, doanh nghiệp. Rất dễ bắt gặp các ảo thuật gia trong đội ngũ sinh viên ở nhiều trường đại học và không hiếm sinh viên hiện đang kiếm thêm thu nhập từ biểu diễn ảo thuật. Số lượng ảo thuật gia trẻ nhiều nhưng các tiết mục cứ giống nhau và lặp đi lặp lại, thiếu sự trau chuốt, thiếu tác phong chuyên nghiệp và cả thần thái cần có của một ảo thuật gia. Những năm gần đây, nhiều lớp dạy ảo thuật đã được mở ở các trung tâm văn hóa của TP Hồ Chí Minh, với học phí trung bình 500.000 đến 700.000 đồng/khóa, học viên có thể nắm nguyên tắc cơ bản của ảo thuật và diễn những trò đơn giản với khăn, giấy, dây, đồng xu, bong bóng… Tuy nhiên, rất hiếm học viên từ các khóa đào tạo này tiếp tục đeo đuổi nghề, bởi một phần họ chưa có nhiều cơ hội để trở thành những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, cũng như những “sân chơi” thi đấu chuyên nghiệp.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ao-thuat-hoc-de-lam-nghe-kho-552053