Áp dụng khoa học để tạo đột phá trong nông nghiệp

'Trong tái cấu trúc nông nghiệp, giải pháp khoa học công nghệ là then chốt và quyết định. Đất nước ta chỉ có khoảng 10 triệu ha đất nông nghiệp, hơn 30 năm đổi mới, từ chỗ đói đến đủ ăn, rồi thành tựu xuất khẩu đứng thứ 15 thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN như ngày hôm nay. Một trong những đột phá trong nông nghiệp thời gian tới sẽ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ'.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hải Luận

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hải Luận

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng như vậy. Bộ trưởng Cường nói tiếp: “Giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp không phải chỉ là kỹ thuật giống cây và quy trình sản xuất, mà đường lối đổi mới của Đảng, chính sách đúng đắn của Nhà nước đem lại thành quả như ngày hôm nay, đó chính là giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến nhất”.

Bán hàng - khâu khó nhất

- Nông dân vẫn cứ loay hoay câu chuyện mùa vụ, tiêu thụ hàng nông sản. Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp căn cơ nào để làm thay đổi cục diện?

- Bây giờ tiến lên làm giàu, gia tăng giá trị sản phẩm, phải tập trung nhiều hơn nữa để tháo những “nút thắt”. Vậy “nút thắt” ở đâu? Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có được một đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân đủ sức, đủ tầm về quản trị, đủ khát vọng để phát triển nông nghiệp hiệu quả. Trong 2-3 năm vừa qua, có hơn 20 dự án lớn về chế biến, trong đó, năm 2019 có 17 dự án được khởi công và khánh thành với giá trị 20.000 tỉ đồng đầu tư. Những doanh nghiệp này nhập công nghệ tiên tiến trên thế giới đưa vào dây chuyển sản xuất, có như vậy mới làm ra được sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

Chẳng hạn, phía Trung Quốc yêu cầu cực kỳ khắt khe về chất lượng sữa, chúng ta đã đáp ứng được và xuất khẩu sữa bằng con đường chính ngạch, mở ra triển vọng thị trường tiêu thụ sữa khổng lồ, mỗi năm trị giá xuất khẩu khoảng 10 tỉ USD. Rồi chất lượng sản phẩm từ tôm, cá đi vào thị trường các nước cũng rất cao, nước ta đều đáp ứng được. Cái khó ở đây là làm sao lan tỏa từ nhà máy chế biến đến xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn hơn, hỗ trợ người sản xuất tốt hơn. Làm sao để doanh nghiệp, nhà máy chế biến làm hạt nhân cho người nông dân.

- Bộ trưởng thường hay nói phát triển theo chuỗi, nông dân của chúng ta đang làm ăn manh mún. Giải pháp nào để phát triển theo chuỗi mang tính bền vững?

- Trong sản xuất nông nghiệp, bán hàng là khâu khó nhất. Phát triển theo chuỗi bền vững là phải gắn sản xuất với tiêu thụ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Cần liên kết giữa các thành tố để đạt được mục đích phát triển sản xuất, mang lại lợi nhuận tốt nhất, phù hợp nhất, hài hòa nhất của các “mắt xích” trong chuỗi.

Để làm được điều đó, chúng ta cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã kiểu mới để cùng với doanh nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đơn cử như tỉnh Sơn La, là tỉnh miền núi khó khăn đã vươn lên mạnh mẽ để làm giàu, có 386 hợp tác xã nông nghiệp, họ đã cùng doanh nghiệp nâng cao sản xuất, trong 4 năm đã nâng diện tích trồng cây ăn quả từ 20.000ha lên 72.000ha. Những loại giống nhãn, xoài, chanh leo... tốt nhất đều được trồng ở đây. Vì có doanh nghiệp, nhà máy chế biến làm hạt nhân, có tổ chức hợp tác xã chú tâm sản xuất, có chính quyền đứng ra tháo gỡ vướng mắc nên tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi bền vững.

Hiện nay, nhiều địa phương khác cũng làm rất tốt như Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình... Khu vực Tây Nguyên có Gia Lai, Đắk Lắk... và nhiều địa phương phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang rất quan tâm đến vấn đề liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Chú trọng thị trường khổng lồ

- Bung ra phát triển nhiều thị trường xuất khẩu, nhưng quản lý không tốt dẫn đến hiệu quả không cao. Vậy trong tầm nhìn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng đến thị trường nào là trọng điểm?

- Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Trung Quốc là thị trường lớn với 1,4 tỉ dân. Nhu cầu của Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm khoảng 150 tỉ USD hàng nông nghiệp. Những năm qua, chúng ta đã khai thác tốt được thị trường kế cận, nhu cầu tiêu thụ nông sản của Trung Quốc cũng gần giống với nước ta, có nhiều nhóm nông sản bổ trợ cho nhau. Năm 2018, Việt Nam xuất sang Trung Quốc hàng nông sản trị giá hơn 11 tỉ USD, nhập về hàng nông sản trị giá gần 3 tỉ USD. Đây là thị trường có thặng dư thương mại nông sản lớn nhất trong tất cả các thị trường lớn của Việt Nam.

Xoài ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Hải Luận

Từ năm 2018, Trung Quốc có bước tiến căn bản về vấn đề tổ chức thị trường nhập khẩu, 100% hàng hóa nhập khẩu theo đường chính ngạch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các địa phương biên giới Việt Nam - Trung Quốc đưa ra chương trình xuất khẩu hàng hóa mang tính chủ động. Riêng năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc 6 lần. Năm 2018, tôi trực tiếp sang Trung Quốc làm việc, năm nay Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú sang nước ta làm việc, chúng tôi đã đề nghị tăng số lượng loại trái cây xuất khẩu vào thị trường bạn. Riêng về thủy sản, đã có 650 doanh nghiệp nước ta được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ cấp phép thêm cho nhiều doanh nghiệp và mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường lớn này.

- Chúng ta xâm nhập vào thị trường Mỹ có rào cản nào lớn cần tháo gỡ, thưa Bộ trưởng?

- Mỹ vừa công nhận tương đương về kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra của Việt Nam tương đương với cá da trơn của họ. Trong quản lý ngành hàng về an toàn thực phẩm, cá tra vào thị trường Mỹ khó nhất, bởi vì xung đột trực tiếp với cá da trơn của Mỹ. Do đó, quốc gia này liên tục đưa ra rào cản kỹ thuật. Qua việc công nhận tương đương, chứng tỏ rằng, nước ta đã làm tốt các khâu: Ban hành văn bản pháp luật, tổ chức sản xuất theo chuỗi, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Năm 2018, phía Mỹ sang Việt Nam kiểm tra thực tế và đánh giá rất cao về kiểm soát chất lượng cá tra của Việt Nam, hơn cả nhiều nước trong khu vực. Hàng của Việt Nam đã vượt qua hàng rào kỹ thuật của Mỹ thì đều dễ dàng nhập khẩu vào thị trường tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục chinh phục các thị trường khối châu Mỹ như Brazil, Canada... tạo sự chuyển biến thực sự trong khu vực tiềm năng này.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hải Luận (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ap-dung-khoa-hoc-de-tao-dot-pha-trong-nong-nghiep/