Áp dụng nhận diện khuôn mặt chống tội phạm

Đầu năm nay, nhân viên cảnh sát Andy Pope thuộc Sở cảnh sát London nhận phần thưởng Chief Constable's Award - phần thưởng dành cho các nhân viên cảnh sát can đảm phi thường, hoặc có cống hiến xuất sắc, hoặc cả hai. Trường hợp của Pope, anh được khen thưởng vì một lý do nằm ngoài các lý do trên: nhờ năng lực nhận diện khuôn mặt, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm.

Viên cảnh sát có biệt tài nhớ mặt

Andy Pope quả thật xứng đáng được khen thưởng vì thành tích thật đáng nể. Trong giai đoạn 2012-2017, anh đã nhận diện chính xác hơn 1.000 nghi phạm theo cách người bình thường không thể làm được. Các đồng nghiệp của Pope phải rất vất vả mới có thể nhớ và nhận diện được chưa đến 10% số lượng của anh. Một đồng nghiệp chia sẻ trên tờ The Observer (ra ngày 11-11-2018): "Trong 20 năm qua tôi chỉ có thể nhận diện được có 30 người".

Nhân viên cảnh sát Andy Pope được trao phần thưởng Chief Constable Award nhờ năng lực "nhận diện siêu đẳng".

Khả năng của Pope đặc biệt ở chỗ anh chỉ cần nhìn qua một lượt hình ảnh trên camera an ninh hoặc hình ảnh chất lượng không cao lưu trong cơ sở dữ liệu, hoặc hình ảnh trên các bảng thông tin công cộng là có thể nhớ được khuôn mặt và dễ dàng nhận ra gương mặt của nghi phạm một khi gặp, phát hiện trong đám đông, nơi công cộng. Là một nhân viên cảnh sát, sáng nào cũng vậy, khi đến công sở là Pope đều xem qua các hình ảnh camera an ninh và cơ sở dữ liệu cảnh sát trước khi lên đường đến nơi thực thi nhiệm vụ, đó là tuyến tàu điện West Midlands, các tuyến xe buýt và xe điện trong nội đô London. Nhờ năng lực nhận diện của Pope, nhiều tên tội phạm từ trộm cắp vặt cho đến tấn công gây thương tích, cướp giật đã bị bắt, bị buộc tội và tống vào tù.

Năm nay 40 tuổi, Pope gia nhập lực lượng cảnh sát London từ năm 2005, làm một nhân viên bình thường, chẳng ai biết đến, cho đến một ngày anh gặp người chỉ huy tên Gareth Morris vào năm 2011. Morris kể: Pope cầm một tấm ảnh đến gặp Morris và nói rằng "muốn đi bắt gã có hình trong tấm ảnh". Morris không tin, bởi chất lượng hình ảnh quá xấu, vả lại ông cũng không tin vào khả năng nhận diện của Pope. Thế nhưng sau đó, khi gã trong ảnh bị bắt đưa về đồn cảnh sát, gã đã khai nhận tội trước sự chứng kiến của Morris khiến ông kinh ngạc.

Sau đó, Pope tiếp tục nhận diện thêm một nghi phạm, rồi cứ thế nhiều nghi phạm được nhận diện và bắt giữ, thì Morris và các chỉ huy cảnh sát ở Scotland Yard bắt đầu tin rằng Pope quả thực có khả năng đặc biệt: ghi nhận và nhớ khuôn mặt người một cách chính xác dù chỉ nhìn qua một lần trước đó khá lâu.

Có một lần, khi đang làm nhiệm vụ trên phố ở West Midlands, Pope nhận ra một nghi phạm mà anh đã một lần xem qua hình ảnh cách đó hai năm. Nhưng thường thì Pope nhận diện những khuôn mặt từng gặp cách đó 6 đến 12 tháng, khi mọi người đã hết hy vọng lùng bắt tên tội phạm. Morris cho rằng, năng lực của Pope có thể giúp ích rất nhiều trong công tác truy lùng các nghi phạm trốn truy nã, nhưng đã được sử dụng chưa đúng mức. Ông muốn Scotland Yard có một phương án nào đó để sử dụng năng lực của những người như Pope một cách hiệu quả hơn.

Dưới góc độ khoa học hình sự

Trên thực tế, năng lực nhận diện khuôn mặt người không phải là mới mà đã được biết đến từ lâu. Các nhà khoa học trên thế giới đã từng có những nghiên cứu nghiêm túc về sinh lý học thần kinh đối với hiện tượng ghi nhớ khuôn mặt. Điều khá bất ngờ là việc nghiên cứu về nhận diện khuôn mặt lại xuất phát từ một hướng nghiên cứu khác: nghiên cứu về một căn bệnh lạ có tên gọi là "hội chứng mất nhận thức khuôn mặt" (prosopagnosia). Người ta ước tính có khoảng 2-5% dân số thế giới mắc phải chứng bệnh lạ này.

Từ thế kỷ 19, các nhà khoa học đã bỏ công nghiên cứu để tìm phương thuốc điều trị. Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn người mắc chứng prosopagnosia bị tổn thương ở hồi hình thoi trong não bộ khiến họ không thể nhớ lại những khuôn mặt thân quen sau khoảng 5 đến 10 năm.

Nhận diện khuôn mặt là một quá trình rất phức tạp.

Năm 2009, Richard Russell, giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard (Mỹ), đã cùng với nhóm nghiên cứu tại Trường đại học Gettysburg (Anh) công bố một báo cáo khoa học gây chú ý trong giới khoa học pháp y ở nước Anh. Báo cáo đã đưa ra kết quả quan trọng về năng lực nhận diện khuôn mặt phi thường của người bình thường. Chuyện là thế này: trong lúc nghiên cứu về hội chứng prosopagnosia, nhóm của Russell đã nảy ra ý tưởng tìm hiểu xem liệu có một nhóm người "đối lập" với những người mắc prosopagnosia hay không.

Trong quá trình nghiên cứu, chính Russell đã tình cờ tiếp xúc với những người mà ông mô tả là "phải phấn đấu vất vả lắm để quên đi một khuôn mặt người". Ông đã kiểm tra 4 người tự cho là có khả năng nhận diện khuôn mặt phi thường, chỉ cần nhìn khuôn mặt ai đó là sẽ nhớ mãi, không bao giờ quên. Russell cho những người này xem hình của hai nhóm người lạ, nhóm thứ nhất gồm những người nổi tiếng, còn nhóm thứ hai là những người vô danh. Kết quả, cả 4 người tham gia thí nghiệm đều thể hiện vượt xa mức yêu cầu. Russell gọi họ là những "nhà nhận diện siêu đẳng", một thuật ngữ sau này được sử dụng rộng rãi trong giới pháp y Anh.

Sau nghiên cứu của Russell, các nhà khoa học thần kinh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế nhận diện khuôn mặt. Họ nhất trí cho rằng hoạt động nhận diện khuôn mặt xảy ra tại thùy thái dương của não, ngay phía trên tai và vùng thái dương, và quá trình này diễn ra rất phức tạp. Một nghiên cứu năm 2017 tại Viện Công nghệ California (CalTech) đã phát hiện rằng thùy thái dương có phản ứng đối với nhiều đặc điểm khác nhau trên khuôn mặt người, như màu mắt, độ giãn cách giữa hai mắt,… Những thông tin này khi kết hợp lại sẽ cho phép não bộ xây dựng nên một hình ảnh đầy đủ về khuôn mặt. Chỉ cần vài neuron thần kinh để thực hiện công việc này. Đây là lý do vì sao một người có thể ghi nhớ nhiều khuôn mặt.

Sau khi công bố nghiên cứu của mình, giáo sư Russell cũng đã có dịp gặp gỡ, trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp và những người quan tâm đến lĩnh vực này. Trong số họ có Thám trưởng Mick Neville của Sở Cảnh sát đô thị London (Scotland Yard). Điều khá trùng hợp là trong khi giáo sư Russell và các cộng sự nghiên cứu và đi đến kết luận về hiện tượng "nhà nhận diện siêu đẳng", thì Thám trưởng Neville cũng phát hiện ra năng lực phi thường ở những người nhớ và nhận diện khuôn mặt.

Năm 2007, Neville lập ra một đơn vị chuyên thực hiện việc sao chụp hình ảnh của những tên tội phạm vô danh được ghi hình trên camera an ninh rồi dán lên bảng thông báo "Caught on Camera" tại trụ sở Scotland Yard. Neville yêu cầu các nhân viên cảnh sát mỗi ngày xem bảng thông báo để nhận diện tội phạm. Qua quan sát, Neville nhận thấy một số nhân viên cảnh sát có năng lực nhận diện tội phạm tốt hơn hẳn những người còn lại. Trong số đó có Andy Pope.

Ban đầu, Neville cho rằng những "người nhận diện siêu đẳng" này chẳng qua nhờ biết nhiều tội phạm mà thôi, nhưng dần dần ông phát hiện năng lực của họ còn hơn thế, vì có những nghi can họ chỉ mới nhìn thấy một lần qua ảnh, chưa gặp ngoài đời bao giờ.

Tháng 8-2011 xảy ra sự kiện bạo loạn ở London. Toàn bộ nhân viên cảnh sát của Scotland Yard được tung ra thực thi nhiệm vụ rà soát hàng nghìn camera an ninh, và kết quả là họ đã nhận diện ra được 609 nghi can thực hiện các hành vi cướp của, đốt phá và các hành vi tội phạm khác. Sau vụ việc này, Neville hoàn toàn tin tưởng vào lý thuyết về "nhận diện siêu đẳng".

Từ năm 2013, Neville quyết định rằng năng lực "nhận diện siêu đẳng" phải được đưa vào trong khoa học pháp y để có thể phục vụ tốt hơn cho công tác chống tội phạm. Và ông bắt đầu tập hợp một lực lượng dự bị (không chính thức) gồm khoảng 150 cảnh sát viên có năng lực "nhận diện siêu đẳng" để khi cần có thể thực hiện những cuộc điều tra khó mà cảnh sát thông thường hầu như đã bất lực, trong đó có vụ bắt cóc và sát hại bé gái 14 tuổi tên Alice Gross xảy ra vào tháng 8-2014.

Chỉ qua một vài lượt tham khảo camera an ninh, các nhân viên cảnh sát "nhận diện siêu đẳng" đã lần ra được tung tích của hung thủ tên Arnis Zalkalns, một công nhân xây dựng người gốc Latvia, cho dù hắn có thay đổi ngoại hình thế nào nhưng khuôn mặt của hắn cũng không thể lẫn vào đâu được.

"Nhận diện siêu đẳng"

Mặc dù đã tham gia khám phá một số vụ án, nhưng đơn vị nhận diện khuôn mặt của Neville vẫn chưa được Scotland Yard nhìn nhận. Những cái đầu bảo thủ quá thận trọng, chưa sẵn sàng tin tưởng, giao phó công tác điều tra tội phạm cho loại hình nhận diện khuôn mặt còn quá mới mẻ này, và nước Anh cũng chưa có bộ quy tắc nào dành riêng cho hoạt động nhận diện khuôn mặt. Thỉnh thoảng được gọi thi hành nhiệm vụ, đơn vị của Neville không được cấp kinh phí hoạt động, thiếu hẳn sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, không được phép lập các chi nhánh tại các địa phương, mặc dù Neville đã chứng minh có rất nhiều người trong "ngành" có năng lực "nhận diện siêu đẳng" này.

Thám trưởng Mick Neville, người sáng lập ra đơn vị nhận diện tội phạm đầu tiên và duy nhất trên thế giới.

Sự kiên trì của Neville rốt cuộc đã có kết quả. Tháng 5-2015, Đơn vị Siêu nhận diện (SRU) trực thuộc Scotland Yard được thành lập. Đây là đơn vị cảnh sát đầu tiên - và duy nhất trên thế giới cho đến nay - chuyên trách công tác nhận diện tội phạm qua hình ảnh, camera an ninh. Ban đầu, lực lượng đơn vị SRU chỉ gồm có 4 người, họ đều là những nhân viên cảnh sát có năng lực nhận diện phi thường vượt trội so với nhiều đồng nghiệp khác.

Ngay khi mới ra đời, đơn vị SRU của Neville đã có ngay những đơn đặt hàng "khủng" từ các lãnh đạo Scotland Yard. Các thành viên đơn vị SRU phải tham dự các sự kiện lớn, như các buổi biểu diễn âm nhạc tại Lễ hội hóa trang Notting Hill và nhận diện tội phạm. Ngoài thời gian tham gia những sự kiện đó, họ lại bắt tay vào việc nghiên cứu các hình ảnh lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Scotland Yard (với hơn 100.000 hình ảnh thu thập được từ năm 2011 chưa được nhận diện). Mỗi hình ảnh đều có liên quan đến một tội phạm nhất định, thường là những vụ án nguội, lâu ngày chưa tìm ra nghi phạm.

Khi đi vào hoạt động, ngay trong năm 2015, đội SRU đã nhận diện gần 1000 nghi phạm. Năm 2016, hơn 2.500 nghi phạm nữa được nhận diện sơ bộ. Đây là con số rất lớn nếu so sánh với các bộ phận pháp y khác như xét nghiệm ADN, xét nghiệm dấu vân tay,… tổng cộng cũng chỉ đạt 4.500 nghi phạm trong cùng năm.

Từ hiệu quả bước đầu, đơn vị SRU dần dần tạo được uy tín, sự tin cậy trong ban lãnh đạo Scotland Yard, và "đơn đặt hàng" nhận diện tội phạm ngày nhiều hơn. Từ đó, SRU có điều kiện phát triển lực lượng, đến nay đơn vị gồm có 6 nam và 1 nữ. Tháng 8-2018, hoạt động nhận diện khuôn mặt tội phạm đã tiến thêm một bước dài: Scotland Yard thông báo sẽ sử dụng đơn vị SRU thay thế cho phần mềm nhận diện vì độ chính xác và tính linh hoạt cao của con người vẫn hơn hệ thống thiết bị điện tử.

Quốc Vương (theo The Observer)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ap-dung-nhan-dien-khuon-mat-chong-toi-pham-521017/