Áp dụng tưới khoa học cho cây lúa để tiết kiệm nước

Năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70- 80%. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lượng mưa thấp hơn từ 30% - 50% so với trung bình nhiều năm, làm cho mực nước ở hồ chứa, sông suối sụt giảm gây hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh tiến hành sản xuất trong điều kiện khó khăn về nước tưới hơn nhiều so với các năm trước. Vì thế, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các HTX, nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán cho sản xuất, trong đó chú trọng biện pháp tưới khoa học, tiết kiệm nhằm đảm bảo lượng nước tưới cho đến cuối vụ.

Cung cấp đủ lượng nước phục vụ việc gieo cấy lúa theo hàng - Ảnh: T.A.M

Hiện nay, nông dân toàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa vụ hè thu. Từ ngày 15/5/2023, các công trình thủy lợi bắt đầu mở nước để phục vụ làm đất và gieo cấy. Tuy nhiên hiện nay, dung tích trữ nước ở các hồ chứa lớn trung bình đạt khoảng 70% dung tích thiết kế.

Nếu thời tiết tiếp tục có nắng gay gắt, nền nhiệt độ duy trì ở mức cao trong thời gian dài làm cho các hồ chứa, sông suối vừa ít lượng nước bổ sung, vừa bốc hơi nhanh nên sẽ bị thiếu nước cho sản xuất vụ hè thu này.

Đối với hồ chứa nước của Công ty Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị, dung tích hồ chứa hiện nay chỉ đạt khoảng 39% so với dung tích thiết kế (giảm 20-25% so với bình quân nhiều năm cùng kỳ) sẽ gây hạn hán, thiếu nước cho vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, là vựa lúa của tỉnh.

Để ứng phó với tình hình hạn hán kéo dài, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai các giải pháp, chống hạn ngay từ đầu vụ hè thu như: tuyên truyền, phổ biến sử dụng nguồn nước tiết kiệm, áp dụng các giải pháp tưới khoa học để tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân…

Biện pháp tưới khoa học cho cây lúa nhằm tiết kiệm nước hiệu quả nhất hiện nay là kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế. Bởi vì cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước mà chỉ cần cho nước vào ruộng tối đa 3 cm là được.

Qua thực tế triển khai thí điểm phương pháp tưới này tại 4 vùng trồng lúa chính của cả nước đều cho kết quả giảm được 50% số lần bơm tưới nước.

Cần đặt ống nhựa có đục lỗ lên hàng, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi mực nước trên ruộng, phần ống trên ruộng 30 cm, phần ống 20 cm chôn trong đất.

Sau gieo sạ 7 ngày, cần giữ nước trong ruộng từ ướt bề mặt ruộng cho đến mực nước cao mặt ruộng khoảng 1cm. Sau đó, tiếp tục giữ mực nước trong ruộng từ 1-3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa cho đến lúc bón phân lần 2 (khoảng 20- 25 ngày sau sạ). Chú ý, đây là giai đoạn lúa rất cần nước để phát triển nên không để khô mặt ruộng.

Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này cũng hạn chế các loài cỏ dại mọc, do bề mặt của ruộng có nước phủ sẽ yếm khí, hạt cỏ không mọc được. Tưới 1 đợt với mức tưới 200 - 300 m3 /ha.

Giai đoạn từ 25-40 ngày sau gieo sạ là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa nên chỉ cần lượng nước vừa đủ.

Cần tháo cạn nước lộ mặt ruộng trong thời gian 5-7 ngày để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Lúc này giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt ruộng đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm. Khi nước xuống thấp hơn 15 cm thì cho nước vào ruộng ngập tối đa 5 cm so với mặt ruộng. Đây là thời gian tưới ướt - khô xen kẽ.

Tức là nước trong ruộng hạ từ từ xuống dưới vạch 15 cm thấp hơn mặt ruộng thì lại cho nước vào đến ngập tối đa 5 cm. Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa. Giai đoạn cây lúa rất dễ bị các loại bệnh tấn công, nên giữ mực nước thấp trong ruộng, có lúc để khô ruộng làm cho các mầm bệnh không phát tán được nên ít lây lan.

Giai đoạn này tưới 1 đợt với mức tưới 500 - 700 m3 /ha. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, mực nước xuống dưới mặt ruộng (nhưng không thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngả, vừa dễ thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch so với tưới ngập liên tục.

Giai đoạn lúa 40-60 ngày là giai đoạn bón phân thúc đòng cho lúa nên cần bơm nước vào ruộng cao từ 1-3 cm trước khi bón phân nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và bốc hơi phân bón. Giai đoạn lúa 60-70 ngày là giai đoạn lúa trổ nên cần giữ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép lửng.

Giai đoạn này tưới 1 đợt với mức tưới 700 m3 /ha. Lúa từ sau 70 ngày cho đến khi thu hoạch là giai đoạn lúa ngậm sữa, vào chắc và chín nên chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt ruộng đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm. Giai đoạn này tưới 1-2 đợt (cách nhau 10-15 ngày/đợt) với mức tưới 600 -700 m3 /ha. Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày thì tháo cạn nước để ruộng khô ráo dần cho đến ngày thu hoạch thì ráo kiệt nước nhằm dễ thu hoạch bằng máy.

Việc áp dụng kỹ thuật tưới khoa học tiết kiệm nước cho lúa không những giảm được lượng nước tưới, nâng cao năng suất lúa mà còn góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giúp bảo vệ môi trường.

Nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật tưới này để áp dụng đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi để cung cấp nước hợp lý, tránh lãng phí nước nhằm phục vụ sản xuất lúa đạt hiệu quả cao nhất trong mùa khô hạn.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/ap-dung-tuoi-khoa-hoc-cho-cay-lua-de-tiet-kiem-nuoc/177313.htm