Áp lực chốt lời bắt đầu mạnh lên, VN-Index thoái lui

Thị trường tiếp tục có phiên tăng khá tốt thứ 3 liên tục, nhưng đến hôm nay đã có dấu hiệu bán ra nhiều hơn. VN-Index phải tụt lùi nhẹ về cuối phiên, duy trì mức tăng hơn 5 điểm.

Cổ phiếu bắt đầu phân hóa

Hiện tượng chốt lời thường thể hiện rõ nét nhất ở khả năng tăng giảm khác nhau đối với cổ phiếu, sau đó mới phản ánh lên đà tăng của chỉ số. Hôm qua thị trường cực kỳ hưng phấn với số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều gấp gần 4 lần số giảm. Đến hôm nay số tăng giảm đã trở nên cân bằng, HSX cứ mỗi cổ phiếu giảm giá có 1,19 cổ phiếu tăng giá.

Số giảm giá đã nhiều lên là bằng chứng đầu tiên về nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư bắt đầu tác động lên xu thế tăng. Nhiều mã bị bán đủ nhiều để quay đầu giảm. Trong nhóm blue-chips VN30 hiện tượng phân hóa cũng khá rõ với 8 cổ phiếu quay đầu giảm và 6 cổ phiếu không thể tăng được. Còn lại 16 cổ phiếu tăng giá cũng không đủ mặt các cổ phiếu lớn.

Nhóm dẫn dắt VN-Index phiên này chỉ còn SAB tăng 1,91%, VIC tăng 2,25%, CTG tăng 1,23%, TCB tăng 1,67%. Một số mã trung bình cũng khá mạnh như MWG tăng 4,16%, PLX tăng 3,92%, SBT tăng 3,15%, TCH tăng 2,94%, REE tăng 2,5%.

Nhóm giảm giá xuất hiện VHM giảm 0,5%, BID giảm 0,38%, HPG giảm 1,01%, đồng thời VCB. MSN tham chiếu. VN30-Index đóng cửa tăng 0,68%, tốt hơn một chút so với VN-Index tăng 0,63%.

Đối với các cổ phiếu ngoài VN30, giao dịch mạnh nhất tập trung vào các cổ phiếu riêng lẻ hơn là nhóm. Midcap thậm chí chỉ tăng 0,36%, Smallcap tăng 0,37%. Tuy vậy sàn HSX vẫn có 20 cổ phiếu tăng kịch trần, trong đó Midcap có 2 mã và Smallcap có 8 mã. Các cổ phiếu đạt thanh khoản tốt có thể kể tới JVC, TDH, DGC, HAP, BMI, DXG.

Các cổ phiếu đầu cơ quay đầu giảm tuy cũng không mạnh, nhưng đã bắt đầu suy yếu như QBS giảm sàn, HDC giảm 3,74%, VNE giảm 4,17%, EVG giảm 2,95%, QCG giảm 2,9%, CMG giảm 2,69%, HHS giảm 2,44%...

Thanh khoản tăng thêm, bán ra nhiều hơn

Hiện tượng phân hóa giá cổ phiếu cũng đi liền với mức gia tăng thanh khoản phiên này. Tổng giá trị giao dịch hai sàn vọt lên trên mức 8.200 tỷ đồng, tăng 11% so với hôm qua. Trong số này khoảng 1.622 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận.

Mức khớp lệnh cũng tăng thêm 4,2% so với phiên trước, đạt 6.590 tỷ đồng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá trị khớp lệnh vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng. Tuy vậy có thể thấy khá rõ là trong mức thanh khoản lớn tương đương nhau, hôm nay bên bán đã xả nhiều hơn. Chẳng hạn hôm qua chỉ có 84 cổ phiếu giảm giá ở HSX, hôm nay đã lên 177 mã. Số tăng giá cũng từ trên 330 mã hôm qua còn 211 mã hôm nay.

VN-Index cũng thể hiện khá rõ áp lực chốt lời có tác động nhất định. Chỉ số này đạt đỉnh 877,57 điểm ngay lúc 2h, nhưng chỉ trong 30 phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục và 15 phút đóng cửa, điểm số đã rơi xuống 874,12, tức là để mất khoảng 3,5 điểm. Hôm qua VN-Index càng về cuối phiên tăng càng khỏe và đóng cửa ở ngưỡng cao nhất.

Giá tăng nhanh thì chốt lời là đương nhiên. Không phải nhà đầu tư nào cũng muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Thanh khoản tuy phải do cả người mua lẫn người bán gặp nhau, nhưng bán mạnh hơn thì sẽ đẩy được giá lùi lại.

Thị trường bị xả mạnh hôm nay cũng trùng hợp với VN-Index tiến tới đỉnh cao cũ tháng 7 vừa qua. Đó có thể xem là một ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Nhà đầu tư có xu hướng chốt lời ở mức kháng cự vì không biết liệu thị trường có tiếp tục mạnh thêm hay không.

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tạo mối lo lắng nhất định khi bán ròng kéo dài ở quy mô lớn. Hôm nay nhóm Vn30 bị bán ròng tới 423 tỷ đồng, còn cả sàn HSX bị bán ròng 459 tỷ đồng. HPG, VHM, POW, VRE, VNM, VCB, MSN bị bán rất nhiều. Nếu như hôm qua khối này cũng xả rất nhiều, nhưng giá cổ phiếu đa số vẫn tăng. Hôm nay trong các mã nói trên, hầu hết là giảm hoặc không tăng được. Mã tăng cũng rất kém như VRE tăng 0,19%, VNM tăng 0,69%.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-08-25/ap-luc-chot-loi-bat-dau-manh-len-vn-index-thoai-lui-91432.aspx