Áp lực chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn chưa đủ mạnh

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm chuyển đổi sang mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Sự liên kết trong ứng dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong chuỗi dường như vẫn chưa có. Đã đến lúc mô hình kinh tế mới này cần có những quy định pháp lý rõ ràng hơn để hiện thực mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Cơ chế khuyến khích chuyển đổi sang mô hình nền kinh tế tuần hoàn còn hạn chế.

Nghiên cứu đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức với nền kinh tế tuần hoàn, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần tư vấn EPRO với 100 mẫu doanh nghiệp vừa và lớn ngành tiêu dùng nhanh tại Việt Nam (rau quả, thủy sản, sữa, đồ uống không cồn, chè, cà phê), cho thấy 90% doanh nghiệp có hoạt động chuẩn bị hoặc liên quan tới kinh tế tuần hoàn nhưng 82% chỉ ở mức sơ khai.

Điểm trung bình của các doanh nghiệp đạt 30,86 điểm (đạt mức D - mức mới bắt đầu). Bà Tăng Thị Hồng Loan, Giám đốc Công ty CP tư vấn EPRO, nhận định: kết quả cho thấy doanh nghiệp có chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhưng mới ở mức bắt đầu, chưa sang được mức trung bình.

SỰ TƯƠNG TÁC TUẦN HOÀN CHƯA KHÉP KÍN

Theo bà Loan, thách thức của sự chuyển đổi là do sự hợp tác giữa các bên chưa đủ chặt chẽ và toàn diện. Tuần hoàn là vòng tròn khép kín nhưng sự tương tác tuần hoàn của doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia rất yếu nên chuỗi không thể khép kín được.

Bên cạnh đó, áp lực chuyển đổi chưa đủ mạnh để tạo nên sự thay đổi. Cụ thể, mới có 20% doanh nghiệp chịu áp lực phải chuyển đổi từ khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhìn quy định hướng dẫn thực hiện thì chưa có và rời rạc.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chiếm tới 58%. Tỷ lệ doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho EPR chiếm 19%. Việc hợp tác chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn với tất cả nhà cung ứng mới chỉ có 4%.

“Nhân rộng mô hình này đến khách hàng chỉ 7%. Xây dựng chính sách mới có 7% doanh nghiệp thực hiện. 41% doanh nghiệp có tham gia hoạt động chính sách nhưng chỉ có 7% tham gia xây dựng chính sách. Có những nhóm ngành chưa hề hợp tác truyền thông như rau quả, chè, cà phê, thịt, cá, thủy sản... do chưa có áp lực nhiều. Rõ ràng áp lực chưa đủ mạnh để tạo sự thay đổi trong doanh nghiệp”, bà Loan nhấn mạnh.

ĐỂ KINH TẾ TUẦN HOÀN "NGẤM" VÀO DOANH NGHIỆP

Theo bà Loan, để nền kinh tế tuần hoàn “ngấm” sâu vào doanh nghiệp, các bên cần cùng liên kết, cùng nhìn nhận ở cả một chuỗi. Nếu chỉ làm một dạng tài nguyên thì suy nghĩ những dạng tài nguyên còn lại bao giờ làm. Đặc biệt cần có lộ trình đi từng bước, xé nhỏ ra để đi. Quan trọng nữa, doanh nghiệp cần “cú hích” chính sách từ phía Chính phủ.

Đại diện EPRO đề xuất cần tạo áp lực lên doanh nghiệp, chẳng hạn như chính sách tiết kiệm năng lượng. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới chỉ đạt 38%, trong khi phần lớn còn lại vẫn chưa làm việc này.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo là 16% dù 36% doanh nghiệp có những công trình về năng lượng tái tạo nhưng họ không sử dụng vào quá trình sản xuất, chỉ phục vụ giải quyết vấn đề môi trường hay bán điện đi để mang lại lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích chuyển đổi còn hạn chế và bất cập. “Theo kết quả, 54% doanh nghiệp cho rằng khó khăn khi chuyển đổi mô hình nhưng con số này quá khiêm tốn, thực tế còn cao hơn nhiều”, bà Loan nói.

Trong đó khó khăn về chính sách chiếm 34%, khó khăn về công nghệ - kỹ thuật là 43%, khó khăn về tài chính 48%. “Con số này chưa phản ánh thực tế, vì nếu ít doanh nghiệp có khó khăn như thế này tại sao họ không chuyển đổi”, bà Loan nhận xét.

Một thách thức nữa, đó là doanh nghiệp thiếu thông tin và mô hình chuyển đổi phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trong các nhóm ngành nghiên cứu, bà Loan cho rằng việc chuyển đổi của nhóm đồ uống không cồn rất thuận lợi, bởi do áp lực từ khách hàng bên ngoài nên họ phải tiên phong hơn so với các ngành khác. Đồ uống không cồn là nhóm chuyển đổi tốt nhất, đã vượt qua mức bắt đầu.

Việc tăng áp lực chuyển đổi để tạo ra thay đổi là vô cùng quan trọng. Đó là sự hợp tác với các công ty đa quốc gia, với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ cần ban hành nghị định và hướng dẫn về trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (bao bì), mở rộng chính sách về trách nhiệm các bên trong chuỗi giá trị.

Xây dựng định mức sử dụng tài nguyên (nước, năng lượng), cập nhật tiêu chuẩn chất lượng với nguyên liệu tái chế, sản phẩm tận thu từ chất thải.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam

Chính sách vẫn chưa quyết liệt

Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa nhận thức được vấn đề này. EPR và nền kinh tế tuần hoàn là khái niệm rất mới, do đó mới được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng và cuối năm ngoái lần đầu tiên được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường.

Ngành nhựa năm ngoái nhập khoảng 6 triệu tấn nhựa nguyên sinh tương đương 9 tỷ USD. Tính toán, chúng ta tiêu thụ 41 kg nhựa/người, tương đương 3,6 triệu tấn nhựa. Nếu 3,6 triệu tấn chỉ cần tái chế khoảng 2,5 triệu tấn thì mỗi năm chúng ta tiết kiệm được 3 tỷ USD tương đương con số xuất khẩu gạo mỗi năm. Trong khi với 3 tỷ USD chúng ta tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người và tạo ra một môi trường lành mạnh - đây là tính quan trọng của ngành tái chế.

Tuần hoàn là vòng tròn không tự chạy mà có cơ chế chính sách, quy định. EPR đã trình Bộ Tư pháp để thẩm định, song còn nhiều ý kiến tranh cãi. Chẳng hạn thời hạn thực hiện EPR trước đây Bộ Tài nguyên và Môi trường để năm 2023, giờ lùi xuống 2024, nhiều doanh nghiệp còn xin lùi đến 2025, ô tô xe máy lùi tận 2027.

Trách nhiệm nhà sản xuất đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005 nhưng đến bây giờ đã qua 16 năm vẫn chưa được thực hiện. Nếu kéo dài nữa có vẻ chính sách “hơi đùa” vì khi đưa ra rồi có thể 5 năm nữa lại sửa Luật Môi trường khi chưa kịp thực hiện. Do đó, nên suy nghĩ đưa lộ trình khuyến khích làm từ từ để doanh nghiệp học hỏi làm dần.

Ông Fausto Tazzi, Giám đốc điều hành Nestlé Waters Vietnam - La VieTạo ra một môi trường bình đẳng trong mô hình EPR

Để có một cơ chế EPR thực sự hiệu quả, cần xây dựng được chuỗi logistics bao bì (từ lúc bao bì được sản xuất cho đến giai đoạn sau sử dụng) với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom rác thải và doanh nghiệp tái chế.

Một khi chuỗi này được kiểm soát tốt, sẽ đảm bảo chất lượng rác thải, từ đó bao bì sau sử dụng mới có thể trở thành nguyên liệu có giá trị cao, tiếp tục quay trở lại vòng sản xuất thay vì thải ra môi trường, tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hệ thống EPR cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan nên cũng sẽ đặt ra thách thức lớn cho La Vie cũng như các doanh nghiệp khác khi thực hiện. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR và đưa ra các quy định rõ ràng.

Đồng thời, thực hiện vai trò “trọng tài” cũng như kiểm toán để tránh các ưu đãi lẫn chế tài không chính đáng đối với một số nguyên liệu sản xuất, đảm bảo sự nhất quán từ trung ương đến cấp địa phương. Đây là những điều kiện cần thiết để hệ thống EPR có thể hoạt động tốt.

Đầu năm nay, La Vie trở thành thương hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chai làm từ nhựa tái chế đạt tiêu chuẩn bao bì thực phẩm, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất nhựa tái chế để đẩy nhanh hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo cơ hội tái sinh cho vỏ chai.

Vũ Khuê -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ap-luc-chuyen-doi-sang-kinh-te-tuan-hoan-chua-du-manh.htm