Áp lực đang gia tăng cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng rơi vào suy thoái nếu Mỹ và Trung Quốc không tiến tới một thỏa thuận thương mại...

Suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong vài tháng tới nếu Mỹ -Trung không đạt được thỏa thuận thương mại

Dấu hiệu suy thoái

Theo Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics, tâm lý doanh nghiệp hiện đang trở nên vô cùng mong manh vì cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một cuộc thăm dò của Moody’s gần đây cho thấy niềm tin của các công ty đang ở mức thấp nhất kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chính từ 10 năm về trước.

Cùng với đó, nợ công toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm. Ước tính, nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đã chạm con sốc 178.000 tỷ USD, tính đến tháng 6/2018, tăng 50% so với cách đây một thập kỷ.

“Các doanh nghiệp thực sự đang rơi vào thế khó và tôi nghĩ điều này là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và nếu nó không được giải quyết ổn thỏa trong vòng 2-3 tháng tới, tôi nghĩ khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là rất cao”, ông Zandi cho biết.

Nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ và kết thúc mà không có thỏa thuận thương mại, điều đó sẽ tác động cực mạnh tới tâm lý doanh nghiệp và dẫn tới việc các công ty giảm bớt nhu cầu tuyển dụng. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và người tiêu dùng đánh mất niềm tin vào nền kinh tế, dẫn đến suy thoái.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% đưa ra hồi tháng 11/2018. Có thể thấy, đà tăng trưởng mạnh mẽ bao trùm nền kinh tế toàn cầu hồi giữa năm 2017 sẽ không thể kéo dài. Những dấu hiệu giảm tốc từ cuối năm ngoái đã khiến nhiều nhà kinh tế bất ngờ.

Mặc dù vậy, một số tín hiệu tốt về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã làm hồi sinh thị trường. Sau vòng đàm phán kết thúc ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu, hai nước đều nói các cuộc thảo luận có bước tiến trong việc đi đến một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại.

"Nút thắt" Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, để thực sự đạt được những triển vọng trong đàm phán thương mại, hai bên đều nỗ lực trong việc giải quyết một số "nút thắt". Cụ thể, Trung Quốc kiểm soát mạnh mẽ nền kinh tế cuối cùng sẽ gây tác dụng ngược và nếu kiên trì giữ nút thắt này, thỏa thuận với Mỹ sẽ đi vào ngõ cụt và cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo sẽ trở thành dấu ấn tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã có cơ hội thay đổi cấu trúc nền kinh tế vào cuối những năm 1990 khi tốc độ tăng trưởng của đất nước này chậm lại đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dẫn đến việc chính phủ đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sở hữu cấu trúc nhân khẩu trẻ hơn, chi phí lao động thấp hơn và mức nợ ít hơn, trong khi mối quan hệ với Mỹ vào thời điểm đó có ít sự thù địch hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để chuyển mình do cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Phái đoàn đàm phán Mỹ - Trung đang chịu nhiều áp lực để đạt được một thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết

Cho đến nay, Trung Quốc đã sẵn lòng nhượng bộ bằng cách mua thêm hàng hóa của Mỹ, cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong bản thỏa thuận với Mỹ, nhưng điều đó không bao gồm việc cải thiện cấu trúc nền kinh tế.

Về cơ bản, thỏa thuận này sẽ chỉ tạo ra sự bù đắp ngắn hạn cho quan hệ song phương, không phải giải pháp mang tính cấu trúc. Trung Quốc sẽ không nới lỏng kiểm soát hoặc ngưng trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước (SOE) bởi Bắc Kinh chưa sẵn sàng có những thay đổi về mặt chính trị.

Cùng với đó, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở giai đoạn tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Mặc dù chưa đạt đến mức độ của một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng không có khả năng trở lại thời kỳ yên bình trước đây.

Điều này sẽ dẫn đến việc Mỹ sẽ theo dõi mọi động thái của Trung Quốc với sự nghi ngờ và cảnh giác cao độ. Nếu Trung Quốc thật sự thực hiện bất kỳ một thay đổi nào cũng vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ phía Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không chỉ làm lu mờ các thành tựu của Trung Quốc sau 40 năm "Cải cách và mở cửa", làm lộ ra lỗ hổng chính trị cần được vá lấp, mà còn làm gián đoạn nhiều kế hoạch kinh tế của Tập Cận Bình và khiến ông bị mất điểm khi đã không thể xử lý được các thách thức mà Tổng thống Trump đặt ra.

Mặt khác, Trung Quốc đang trong quá trình mở cửa thị trường và tăng khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc trở nên khép kín và hướng nội hơn cũng như dần đẩy Trung Quốc vào khả năng sẽ có một cuộc "thay máu" toàn diện nếu kinh tế rơi vào suy thoái.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Áp lực đang gia tăng cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại chuyên mục Quốc tế của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ap-luc-dang-gia-tang-cho-dam-phan-thuong-mai-my-trung-147718.html