Áp lực lãi vay và lợi nhuận của C47 (Xây dựng C47)

Từ nay đến năm 2019, Công ty cổ phần Xây dựng C47 (C47) sẽ phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên trên 500 tỷ đồng.

Áp lực đạt 150 tỷ đồng lợi nhuận sau tăng vốn

Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường, C47 sẽ phát hành tổng cộng gần 35 triệu cổ phiếu, bao gồm thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, phát hành 850.000 cổ phiếu ESOP và phát hành hơn 17 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giá chào bán tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tạ Nam Bình, thành viên Hội đồng quản trị C47 chia sẻ, có giai đoạn, cán bộ, công nhân viên và cổ đông nội bộ liên tục bán ra cổ phiếu, cho thấy niềm tin đối với doanh nghiệp ở mức thấp. Mục tiêu của C47 hiện nay là tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng lại niềm tin cho cổ đông, đối tác và cả người lao động. Đây là ý nghĩa của đợt phát hành ESOP.

C47 đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện thông qua việc thay đổi cách quản lý, thoái vốn ngoài ngành và thanh lý tài sản. Năm 2019, lợi nhuận dự kiến khả quan

Theo ông Bình, số lượng ESOP nhỏ và bị hạn chế chuyển nhượng, nên không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường. Áp lực sẽ đến từ đợt chia thưởng, nâng tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành lên hơn 34 triệu đơn vị. Hội đồng quản trị sẽ cân nhắc chia thưởng một lần theo tỷ lệ 1:1, hoặc chia trước theo tỷ lệ 2:1, sau đó chia thêm lần nữa.

Sau các đợt phát hành, vốn điều lệ của C47 sẽ tăng lên trên 500 tỷ đồng. Để giảm áp lực pha loãng giá cổ phiếu, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, Công ty cần duy trì EPS tối thiểu 3.000 đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng/năm (được biết, năm 2017, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ C47 là 21,6 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2018 là 22,8 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo C47 cho hay, Công ty đã ký hợp đồng thi công với chủ đầu tư các hạng mục giai đoạn 1 cho dự án Thủy lợi Tân Mỹ - Ninh Thuận, giá trị gần 200 tỷ đồng. Hiện tại, C47 đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ chỉ định thầu giai đoạn 2, giá trị khoảng 1600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty đang xúc tiến tham gia đấu thầu một số công trình khác để đảm bảo công việc gối đầu cho những năm tiếp theo. Dự kiến, C47 sẽ trúng thầu một số công trình, lượng vốn được tạm ứng khoảng 400 tỷ đồng, tình trạng thiếu vốn của Công ty sẽ không còn.

Trường hợp cần bổ sung vốn lưu động để đấu thầu dự án, C47 sẽ cân nhắc thoái một phần vốn ở Khách sạn Hải Âu - là khoản đầu tư sinh lời tốt của Công ty. Năm 2018, dự kiến doanh thu từ Khách sạn Hải Âu đạt hơn 140 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng.

Mục tiêu giảm lãi vay từ trên 100 tỷ đồng xuống 30 - 40 tỷ đồng

Thời điểm cuối tháng 9/2018, tổng vay và nợ thuê tài chính của C47 là 1.028 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay ngắn hạn 751 tỷ đồng, vay dài hạn 277 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, chi phí tài chính của Công ty giai đoạn 2014 - 2017 trung bình trên 100 tỷ đồng/năm; trong 9 tháng đầu năm 2018, con số này là 71,5 tỷ đồng, tương đương hơn 62% lợi nhuận gộp (chi phí tài chính năm 2017 tương đương 72% lợi nhuận gộp). Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt bình quân hơn 22 tỷ đồng/năm (9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 23 tỷ đồng), khiêm tốn so với mức doanh thu trên ngàn tỷ đồng/năm.

Về vấn đề này, ông Bình cho biết, C47 đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện thông qua việc thay đổi cách quản lý, thoái vốn ngoài ngành và thanh lý tài sản. Công ty đã triển khai thanh lý thiết bị từ tháng 4/2018, đến nay thực hiện được 3 đợt với giá trị thanh lý 24,8 tỷ đồng, giá trị dự kiến thực hiện đến cuối năm khoảng 60 tỷ đồng.

Trong danh mục đầu tư của C47 còn một số tài sản lớn như Thủy điện Buôn Đôn, Thủy điện Văn Phong, Tòa nhà số 8 Biên Cương. Những tài sản này, Công ty ưu tiên bán trước. Nguồn vốn thu được do thanh lý thiết bị cũ, Công ty dùng để trả nợ ngân hàng nhằm giảm nợ vay.

“Mục tiêu của Hội đồng quản trị, đến tháng 6/2019 sẽ đưa nợ vay về mức 300 - 400 tỷ đồng, chi phí lãi vay lúc đó còn khoảng 30 - 40 tỷ đồng - là mức mà Công ty chịu đựng được”, ông Bình nói.

Ngoài ra, sau khi tái cấu trúc nhân sự, kết quả đạt được khá tích cực khi tổng quỹ lương sản phẩm toàn Công ty giảm dần, từ mức 30% trong quý I/2018 xuống 15% trong quý II/2018 và 14% trong quý III/2018. Bình quân 9 tháng đầu năm 2018, tổng quỹ lương toàn Công ty chiếm tỷ lệ 19% (năm 2017, trung bình quỹ lương bằng 27,5% doanh thu). Kết quả này đến từ việc tinh giản bộ máy và thực hiện giao khoán khối lượng thi công.

Tính toán doanh thu hiện nay khoảng 1.000 tỷ đồng, sau khi tái cấu trúc, lợi nhuận gộp đạt được khoảng 200 tỷ đồng, giảm chi phí tài chính hơn 2/3 so với hiện nay, cộng thêm các khoản thu ngoài ngành như từ Khách sạn Hải Âu, thanh lý tài sản, trong khi mảng xuất khẩu lao động và du lịch Hầm Hô đang tốt lên, ông Bình cho rằng, năm 2019, lợi nhuận dự kiến khả quan. Trong các năm sau đó, hoạt động cốt lõi là thi công xây lắp sẽ mang về lợi nhuận tốt hơn.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/ap-luc-lai-vay-va-loi-nhuan-cua-c47-xay-dung-c47-250442.html