Áp lực phải chi tiền tụ tập sau giờ làm

Nhiều người trẻ mới đi làm, mức lương thấp cảm thấy áp lực khi phải chi phần lớn thu nhập cho các cuộc vui cùng đồng nghiệp.

Hoàng Nguyên (sinh năm 1999) đang là nhân viên hợp đồng cho một công ty truyền thông tại quận 2 (TP Thủ Đức) hơn 3 tháng, với mức lương gần 9 triệu đồng.

Với người mới đi làm, đó không phải mức lương thấp. Tuy nhiên, những cuộc ăn uống với đồng nghiệp khiến anh rơi vào tình trạng lạm phát chi tiêu.

“Tính sơ sơ, mỗi ngày mình tốn khoảng 40.000-70.000 đồng đặt cơm trưa, mỗi tuần đi ăn ở ngoài với đồng nghiệp một vài lần, mỗi lần 200.000 đồng, nếu đi uống sau đó nữa sẽ là khoảng 500.000 đồng. Chưa kể sinh nhật, đám cưới, đồng nghiệp trúng dự án cũng đi sẽ ăn mừng”, Nguyên liệt kê.

Nhiều dân văn phòng trẻ tuổi ở TP.HCM cũng gặp cái khó tương tự Hoàng Nguyên. Không ít Gen Z mới đi làm, mức lương thấp nhưng phải chi khá nhiều cho các cuộc vui cùng đồng nghiệp.

Nhiều người cảm thấy áp lực vì không biết cách từ chối, bởi coi đây là cách để hòa nhập với môi trường công sở, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Trong khi đó, một số người cố gắng học cách giảm bớt, đặt giới hạn các buổi ăn chơi sau giờ làm để "bảo vệ" túi tiền và có nhiều thời gian riêng cho bản thân.

Chi phí sau giờ làm

Từng làm freelance gần 2 năm trước khi bước chân vào môi trường công sở, Nguyên thừa nhận văn hóa ăn nhậu của đồng nghiệp khiến anh ngại ngần.

Trước đây, ngoài ăn uống và tiền xăng xe, ngồi quán cà phê làm việc, anh gần như không tốn thêm các khoản chi phí để giao lưu, tạo mối quan hệ với đồng nghiệp.

“Nhưng tháng vừa rồi, lần đầu mình phải đi vay tiền để sống khi lỡ chi quá lố vì mời đồng nghiệp cùng phòng đi ăn. Các anh chị nói đây là ‘văn hóa’, người mới như mình sẽ mời cả phòng một bữa coi như chính thức ra mắt. Bữa đấy ngốn của mình 5 triệu đồng", Nguyên kể.

Sau đó, nhiều buổi chiều, đồng nghiệp anh hẹn nhau đi ăn, chia hóa đơn. Từ chối thì bị nói là không hòa đồng. Tham gia thì tiêu lố vào số tiền tiết kiệm. Kết quả, Nguyên cạn tiền khi mới giữa tháng.

 Hoàng Nguyên phải tìm cách từ chối khéo những lời mời tụ tập sau giờ làm hàng ngày. Ảnh: NVCC.

Hoàng Nguyên phải tìm cách từ chối khéo những lời mời tụ tập sau giờ làm hàng ngày. Ảnh: NVCC.

Với những anh chị làm lâu năm, có mức thu nhập khá, việc chi tiền như vậy là bình thường.

Tuy nhiên, anh áp lực vì số tiền kiếm được không quá cao, trong khi còn phải gánh nhiều khoản chi phí.

“Cạn tiền, mình đã phải ăn mì suốt gần nửa tháng. Chưa bao giờ mình nghĩ bản thân sẽ rơi vào cảnh đó. Mình thấy tụ tập cùng đồng nghiệp để rồi tự làm khó bản thân như vậy không xứng đáng chút nào. Chắc chắn sẽ phải thay đổi để cân đối tài chính tốt hơn”, Nguyên kể.

Ngoài ra, việc chiều tối nào cũng uống bia, ăn uống khiến anh cảm thấy mệt mỏi.

"Mọi người không uống nhiều, nhưng uống liên tục vào các buổi chiều sau khi tan làm. Tốn kém, tốn thời gian. Có những ngày, cứ khoảng 16h là mình nhấp nhổm tìm cớ đi ra ngoài gặp khách hàng, có việc bận để chuồn về, tránh cảnh 17h sẽ có người thông báo địa chỉ ăn uống tối nay", Nguyên cho biết.

Trần Hoàng An (sinh năm 2000) làm nhân viên truyền thông khoảng 1,5 năm. Chưa được ký hợp đồng chính thức nên cô chỉ nhận được mức lương theo sản phẩm, mỗi tháng chưa tới 5 triệu đồng. Gia đình ở thành phố nên cô đỡ được áp lực tiền bạc.

Tuy vậy, vì là nhân viên nhỏ tuổi nhất nhóm, mỗi dịp công ty tổ chức đi ăn, đi chơi chung, cô luôn cố gắng tham gia.

“Thú thật, mình không dám từ chối những cuộc vui cũng đồng nghiệp và bạn bè nói chung. Mình dễ bị FOMO, sợ bị bỏ quên, sợ mọi người khi vui không nhớ đến mình. Vì vậy, dù đang kẹt tiền hay có vấn đề riêng, mình vẫn cố xoay xở để tham gia”, An kể.

Tuy nhiên, lần đi du lịch chung gần đây nhất với nhóm đồng nghiệp đã ngốn của Hoàng An hết gần 10 triệu đồng, số tiền bằng 2 tháng lương.

“Sau chuyến đó, suốt một tháng nay mình luôn cố tìm mọi cách để ở nhà, không đi ăn uống, bỏ mua sắm online vì cạn túi. Đi chơi với mọi người đúng là được xả stress, nhưng vì tiêu tiền quá lố nên khi về nhà lại stress nặng hơn”, An nói.

Hoàng An áp lực vì chi tiền quá tay cho chuyến du lịch cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.

Tìm cách cân bằng

Theo Hoàng Nguyên, những cuộc vui chốn công sở thực sự có ý nghĩa trong việc kết nối, xây dựng mối quan hệ của mình với đồng nghiệp. Tuy nhiên, việc vui chơi nên có chừng mực và mỗi người nên cân nhắc năng lực tài chính của bản thân để chọn tần suất góp mặt trong các cuộc vui đó.

Để giải quyết khó khăn tiền bạc trước mắt, Hoàng Nguyên nhận thêm các job bên ngoài để “cày” thêm buổi tối. Không muốn rơi vào cảnh nợ nần như tháng trước, anh quyết định sẽ cắt giảm những cuộc vui cùng đồng nghiệp.

“Ngoài ăn trưa ở công ty, mình ít tham gia các buổi nhậu đêm. Ban đầu, các anh chị vẫn nài nỉ mình đi, nhưng sau vài lần mình từ chối vì còn bận deadline, họ cũng thôi", Nguyên kể.

Trên cơ quan, anh cố gắng tương tác vui vẻ để chuyện không tụ tập sau giờ làm không ảnh hưởng đến công việc và mối quan hệ trong văn phòng.

"Còn nếu có ai không hài lòng, mình đành chịu. Mới đi làm, mình muốn nghiêm khắc với bản thân để có thêm tiền tích cóp cho các kế hoạch sau này”, Hoàng Nguyên nói.

“Dạo này nghèo quá, các chị đừng rủ em order trà sữa nữa, cho em để dành tiền đổ xăng nha”, Phùng Phương Anh (sinh năm 1998) lần thứ 3 liên tiếp từ chối đặt đồ uống cùng đồng nghiệp vì kẹt tiền sau khi mua laptop mới.

Phương Anh hiện là nhân viên giám sát chất lượng (QC) cho một công ty ở quận 7 (TP.HCM), với mức lương khoảng 10 triệu đồng, cao hơn một chút so với cách đây 2 năm khi cô mới bắt đầu đi làm.

Song, hiện tại, mọi thứ tăng giá, cộng thêm khoản tiền lớn vừa chi để mua máy tính, cô thấy áp lực hơn trước những khoản ăn uống cùng đồng nghiệp.

Số tiền dành cho việc ăn uống, giải trí sau giờ làm cũng chiếm một phần không nhỏ với nhiều người trẻ. Ảnh: Phương Lâm.

Trước đây, Phương Anh luôn thấy ngại nếu phải từ chối lời đề nghị đi ăn, đi chơi cùng đồng nghiệp. Cô sợ mình sẽ bị “ra rìa” nếu không tham gia cùng mọi người, sợ vắng mặt trong những câu chuyện trên bàn ăn.

“Thời gian này, mình đã học được cách từ chối. Ít ăn uống cùng mọi người nên đỡ tốn kém hơn nhiều. Tuy nhiên, một tháng mình vẫn cố gắng đi ăn với đồng nghiệp 1-2 lần. Dù sao những lần gặp gỡ ngoài văn phòng cũng là dịp tốt để mình kết nối với mọi người”, Phương Anh cho hay.

Văn hóa sau giờ làm

Không chỉ ở Việt Nam, ăn nhậu cùng đồng nghiệp, cấp trên sau giờ làm là đã trở thành văn hóa và có sự tương đồng ở chốn công sở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trung Quốc, làm ăn trên bàn nhậu là văn hóa phổ biến. Nhiều người chấp nhận nó để xây dựng "guanxi" - các mối quan hệ cá nhân, chìa khóa trong làm ăn hay được cấp trên đánh giá tốt.

Nhật Bản, những cuộc nhậu nhẹt chốn văn phòng được gọi là "nomikai". Nhiều người phải tham gia các buổi tiệc tùng sau giờ làm để có cơ hội thăng tiến, không bị cô lập ở văn phòng. "Nominication" là thuật ngữ được phát triển để chỉ sự giao tiếp qua các buổi tiệc rượu.

Theo cuộc khảo sát vào năm 2021 của Nippon Life với 7.775 người lao động Nhật Bản, 61,9% trong đó cho rằng "nominication" là không cần thiết. Con số này cao hơn 16,2% so với khảo sát năm 2020.

Tại Hàn Quốc, thái độ của các thế hệ nhân viên rất khác nhau đối với "hoesik", văn hóa ăn nhậu sau giờ làm. Trong khi những người lớn tuổi coi đây là cách thắt chặt tình đồng nghiệp, nhóm người trẻ tuổi thường né tránh việc tụ tập.

Theo Giáo sư Kwang Yeong Shin (Đại học Chung Ang), nhiều người trẻ thế hệ MZ thậm chí coi hoesik là công việc ngoài giờ và từ chối tham gia.

Trong cuộc thăm dò ý kiến 1.460 nhân viên văn phòng vào tháng 10 của cổng thông tin việc làm Saramin (Hàn Quốc), 53,3% người được hỏi bày tỏ lo lắng về việc nối lại các cuộc tụ tập sau giờ làm việc, thường bao gồm uống rượu và buộc phải ở lại cho đến khi sếp cho phép về nhà, theo Chosun Ilbo.

Sự miễn cưỡng đặc biệt rõ rệt ở những người thuộc độ tuổi 20 (59,4%) và 30 (60,7%). Trong khi đó, những người ở độ tuổi 40 là 41,5% và chỉ có 26,4% nhân viên độ tuổi 50 tỏ ra ác cảm.

Ăn nhậu sau giờ làm cùng đồng nghiệp là văn hóa phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ảnh: The Korea Herald.

Alyse Kalish, biên tập viên của The Muse, chuyên đưa ra những lời khuyên về nghề nghiệp, cũng cho rằng nhân viên không nhất thiết phải tham gia mọi hoạt động cùng đồng nghiệp hay tất cả sự kiện của công ty.

Thực tế, trong một môi trường làm việc năng động, việc nằm ngoài các hoạt động chung càng dễ khiến một người cảm thấy bị tụt lại phía sau, sợ mình bớt phần quan trọng.

"Cảm giác đó là do bạn tự áp đặt, bạn sợ sẽ đánh mất những cơ hội tốt nếu vắng mặt. Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là điều nên làm, giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn, nhưng không cần phải tham gia mọi cuộc vui bằng mọi giá", Kalish nhận định.

Trong bài viết cho The New York Times, tác giả Matt Villano có nhiều lợi ích khi tham gia các cuộc vui chơi ngoài văn phòng, nơi có mặt đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, nếu không muốn tham gia quá thường xuyên, bạn cũng có những cách khéo léo để từ chối.

"Đừng phớt lờ lời mời. Hãy từ chối một cách ân cần. Không cần viện lý do tại sao bạn không thể tham dự, lời giải thích trung thực sẽ hiệu quả hơn", Villano nói.

Hãy nhẹ nhàng nói về việc bạn muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn hoặc đơn giản là có lịch trình cá nhân và muốn tuân thủ nó.

Sau những cuộc vui của đồng nghiệp nhưng bạn không tham gia, có thể bày tỏ sự quan tâm của mình bằng cách hỏi về những chuyện đã xảy ra vào buổi đó.

Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-phai-chi-tien-tu-tap-sau-gio-lam-post1324566.html