Áp lực quá tải

Bước vào năm học mới 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục đứng trước nỗi lo quá tải ở các trường công lập. Với đặc thù của đô thị lớn, số học sinh tăng cao hàng năm khiến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đối mặt với áp lực rất lớn trong việc vừa đảm bảo chỗ học, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục.

Hà Nội tăng thêm 130 nghìn học sinh

Theo báo cáo của sở GDĐT Hà Nội, năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có hơn 2.600 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp và trên 54.000 lớp với hơn 1,9 triệu học sinh (HS), tăng 134.000 HS so với năm 2017.

Trong đó, đông nhất là giáo dục tiểu học với 678.000 học sinh. Đặc biệt lứa học sinh “rồng vàng” sinh năm 2012 vào lớp 1 tăng mạnh nhất với khoảng 13.000 HS, tăng 30.000 HS so với năm học trước. Tình trạng quy mô học sinh/lớp ở mức 60 em (Bộ GDĐT quy định sĩ số với học sinh lớp 1 là 35-40 học sinh/lớp) đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Tại “Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 mới đây, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã nhấn mạnh một trong những nội dung được chú ý trong năm học mới là tình trạng quá tải học sinh. Các quận thường xuyên là điểm nóng với số học sinh vượt trội là Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai...

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy cho biết: Số học sinh vào lớp 1 năm nay của toàn quận là 6.900 em, tăng 1.700 so với năm học trước. Hầu hết các trường trên địa bàn đều có sĩ số học sinh/lớp ở mức trung bình là 55 học sinh/lớp và một số trường tiểu học có sĩ số học sinh/lớp ở mức trên 60 như: Dịch Vọng A, Dịnh Vọng B… Tình trạng gia tăng dân số cơ học đang diễn ra mạnh tại quận, trong khi nhiều chung cư được xây lên nhưng bản thân chung cư đó lại không xây trường học. Hiện tại nhiều trường phải di chuyển các phòng, kho trước đây tu sửa lại thành phòng học.

Tình trạng tương tự diễn ra tại quận Hoàng Mai. Với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6.000 đến 8.000 học sinh, trong khi việc xây dựng các dự án khu đô thị, chung cư cả cũ và mới trên địa bàn gần như chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học công lập, khiến cho việc tìm nơi học tập cho con em của người dân khá chật vật, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công...

Lý giải nguyên nhân tăng mạnh số HS năm học mới, theo PGĐ sở GDĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, nguyên nhân cơ bản là do gia tăng dân số cơ học mạnh, công tác phân tuyến tuyển sinh tại các trường cũng chưa phù hợp dẫn đến quá tải trường, lớp ở một số địa phương. Theo quy định, mỗi đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn tại Hà Nội phải có tối thiểu 1 trường học công lập ở mỗi cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thế nhưng, chỉ riêng 4 quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa), đã có 27/74 phường không bảo đảm có tối thiểu 1 trường công lập ở mỗi cấp học, chiếm 36%.

TP Hồ Chí Minh tăng hơn 67.000 học sinh

Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2018 – 2019, thành phố tăng hơn 67.000 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều nhất ở bậc mầm non, tiểu học, trong đó tập trung ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là những quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến tốc độ tăng dân số cơ học tăng nhanh. Bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại thành phố.

Quận Bình Tân là một trong những địa phương có số học sinh đông nhất thành phố và lượng học sinh hằng năm tăng cao. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GDĐT quận Bình Tân cho biết, số học sinh tăng cao hằng năm là một áp lực rất lớn với quận. Cụ thể, số học sinh vào lớp 1 tại quận là hơn 14.000 em (tăng 3.000 so với năm trước). Số học sinh vào tiểu học nhiều hơn số học sinh học xong tiểu học là hơn 6.000 em. Năm nay, lứa tuổi vào lớp 6 cũng nhiều hơn số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 3.000 em. Tại quận Tân Phú, số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay cũng tăng 2.000 em so với năm trước. Quận 12 tăng 7.500 học sinh so với năm học trước, trong đó bậc tiểu học tăng nhiều nhất với hơn 3.000 em. Tương tự, các quận, huyện khác như Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn cũng đang phải “gồng mình” gánh số học sinh tăng cao mỗi năm, trong khi cơ sở vật chất và nguồn lực chưa đáp ứng kịp.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, tại quận Bình Tân số phòng học xây mới hàng năm cũng chỉ giải quyết được một phần. Không còn cách nào khác phải tăng sĩ số học sinh/lớp và giảm số học sinh học bán trú để có được chỗ học cho học sinh khác. Cụ thể, sĩ số ở bậc tiểu học sẽ khoảng 43 học sinh/lớp (vượt so với chuẩn là 35 học sinh/lớp), trung học cơ sở 44 học sinh/lớp. Đồng thời, số học sinh học 2 buổi/ngày cũng phải giảm xuống. Bên cạnh đó, một số trường còn phải lấy thêm phòng chức năng để làm phòng học.

Nhìn nhận thực tế, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, số học sinh tăng cao mỗi năm làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt cao so với chuẩn quy định, nhất là ở bậc tiểu học. Một số trường có quy mô trên 40-50 học sinh/lớp, làm hạn chế phần nào công tác quản lý chất lượng giảng dạy; đồng thời kéo theo đó số học sinh được học 2 buổi/ngày cũng giảm. Không những thế, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng, sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp, ảnh hưởng đến công tác dạy và học.

Quy hoạch trường, lớp

Trước áp lực học sinh tăng cao, về giải pháp lâu dài, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay đầu năm học năm học 2018 – 2019, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 882 phòng học mới, đồng thời tiếp tục xây dựng đến cuối năm đạt mục tiêu hơn 1.000 phòng học mới đưa vào sử dụng. Trong đó, bậc mầm non 272 phòng, tiểu học 369 phòng, trung học cơ sở 116 phòng, trung học phổ thông 102 phòng.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh, cùng với giải pháp tình thế tăng sĩ số lớp, giảm lớp bán trú, giải pháp lâu dài của thành phố vẫn là quy hoạch tổng thể hệ thống trường, lớp. Hằng năm, thành phố dành 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho ngànhGDĐT, trong đó ưu tiên chi cho công tác xây dựng trường, lớp. Mặt khác, thành phố tập trung nguồn lực, phát triển mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục. Đến nay, số lượng trường ngoài công lập trên địa bàn là 808 trường ở các cấp học, chiếm 37% tổng số trường trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, hàng năm Hà Nội chi 15-19% ngân sách thành phố cho việc đầu tư nâng cấp sửa chữa trường học. Nhằm giải quyết căn bản tình trạng thiếu chỗ học, ngành giáo dục thành phố xác định công tác quy hoạch mạng lưới trường học là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2018-2019. Ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết: Mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200.000 người, do vậy, nhu cầu về chỗ học tiếp tục tăng mạnh. Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND TP Hà Nội thẩm định và phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030.

Nếu quy hoạch được phê duyệt, số trường học được cải tạo, xây mới trên toàn thành phố từ nay đến năm 2030 là 1.557 trường, với tổng kinh phí khoảng 74.000 tỷ đồng. Đây sẽ là giải pháp giải quyết căn bản tình trạng thiếu chỗ học ở Thủ đô trong những năm tới.

Lê Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/ap-luc-qua-tai-tintuc413091