Áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất trái phiếu thứ cấp sẽ rõ hơn về cuối năm

Lãi suất trái phiếu chính phủ thứ cấp sau khi biến động tăng mạnh vào giai đoạn cuối tháng 3, sang đầu tháng 4 đã quay trở lại xu hướng giảm. Trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất trái phiếu được kỳ vọng tiếp tục giảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng nhẹ về cuối năm trên thứ cấp.

Dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng khối ngoại vẫn mua ròng

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC), thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp duy trì tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2019, trong đó, tổng khối lượng giao dịch theo phương thức thông thường (outright) và phương thức mua đi bán lại (repos) lần lượt là 709.163 tỷ đồng (+54,2% so với cùng kỳ) và 459.228 tỷ đồng (-18,4% so với cùng kỳ).

Cũng theo KBSV, thanh khoản giao dịch khối ngoại trên thị trường trái phiếu chính phủ mặc dù duy trì mua ròng nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, thanh khoản của giao dịch khối ngoại tương đối thấp trong 6 tháng đầu năm, với tổng khối lượng mua ròng đạt 1.809 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (+9.922 tỷ đồng). Sau khi bán ròng mạnh vào tháng 2 và tháng 3 (do dịch Covid-19), khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng xuyên suốt trên thị trường trái phiếu chính phủ quý II/2020, trong đó mua ròng chủ yếu ghi nhận ở các kỳ hạn ngắn (~5 năm).

Theo số liệu từ SSI Research, từ đầu năm đến 24/7/2020, khối ngoại mua bán xen kẽ qua các tuần nhưng lũy kế lại vẫn mua ròng 2,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp.

Lãi suất trái phiếu thứ cấp có thể tăng nhẹ về cuối năm

Mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ trên sau khi chịu áp lực tăng nhanh và mạnh vào cuối quý I/2020 đã quay trở lại xu hướng giảm trên thị trường thứ cấp.

Theo chuyên gia của KBSC, các nguyên nhân lý giải cho việc lãi suất biến động tăng trong cuối quý I là: Áp lực tỷ giá và việc rút vốn ròng từ khối ngoại; tâm lý các thành viên trên thị trường trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối tích cực ở Việt Nam và tỷ giá được duy trì ổn định, lãi suất trái phiếu quay trở lại giảm chủ yếu trong quý II nhờ thanh khoản liên ngân hàng luôn dồi dào. Đường cong lãi suất cũng đã dịch chuyển xuống phía dưới và kết thúc quý II, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là: 1,97% (-6 bps), 2,54% (-16 bps), 2,98% (-40 bps), 3,15% (- 41 bps), 3,47% (-55 bps) và 3,63% (-81 bps).

Dự báo về xu hướng lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia KBSV cho rằng, mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ được kỳ vọng tiếp tục giảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng nhẹ về cuối năm trên thị trường thứ cấp.

“Thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào trong ngắn hạn sẽ là yếu tố chính giúp mặt bằng lợi suất trái phiếu duy trì xu hướng giảm. Tuy nhiên, với các yếu tố chi phối như thanh khoản được kỳ vọng không còn dồi dào như trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát diễn biến khó lường về cuối năm, áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ rõ ràng hơn về cuối năm” – các chuyên gia của KBSV lý giải./.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-08-02/ap-luc-tang-nhe-doi-voi-lai-suat-trai-phieu-thu-cap-se-ro-hon-ve-cuoi-nam-90359.aspx