Áp lực thanh khoản đã dịu bớt nhưng ngân hàng vẫn vất vả huy động tiền gửi

Áp lực thanh khoản đã dịu bớt, song cạnh tranh huy động tiền nhàn rỗi không lúc nào bớt nóng. Thực tế, tổng vốn huy động của nhiều ngân hàng đang thấp hơn dư nợ tín dụng, kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến lãi suất tiền gửi khó giảm.

Nhu cầu thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức cao nếu xét thêm số lượng thành viên tham gia các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn. NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh khoản nhưng với cường độ thấp hơn so với tháng trước, điều này cho thấy áp lực thanh khoản phần nào giảm bớt.

Huy động – cho vay mất cân đối

Trong báo cáo Cập nhật thị trường tiền tệ tháng 11/2022 mới công bố, các chuyên gia phân tích của VDSC cho biết, từ đầu tháng 11 đến 25/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng qua thị trường mở khoảng 23.288 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể lượng bơm ròng 50.381 tỷ đồng trong tháng 10/2022.

Lượng tiền bơm ròng bình quân mỗi phiên qua nghiệp vụ mua kỳ hạn đạt khoảng 5.654 tỷ đồng, thấp hơn mức bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên trong tháng trước. Nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN được sử dụng với tần suất nhiều hơn trong giai đoạn 15/11-18/11.

Các chuyên gia nhận định áp lực lên thanh khoản và lãi suất đang dịu bớt. (Ảnh minh họa: Int)

Các chuyên gia nhận định áp lực lên thanh khoản và lãi suất đang dịu bớt. (Ảnh minh họa: Int)

Điểm khác biệt nhất trong điều hành trên thị trường mở của NHNN trong tháng vừa qua là kỳ hạn bơm/hút vốn kéo dài hơn, chủ yếu là kỳ hạn 14 ngày đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn, và kỳ hạn lên đến 28 ngày đối với nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Tính đến ngày 25/11, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt là 72.971 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng, thấp hơn 16% và 48% so với cuối tháng 10.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có nhịp giảm vào giữa tháng, cùng thời điểm NHNN phát hành tín phiếu trở lại để hút tiền, tuy nhiên đã tăng lại ngay sau đó. Lãi suất cho vay qua đêm bình quân tháng 11 không thay đổi nhiều so với tháng 10, đáng lưu ý hơn, lãi suất cho vay các kỳ hạn dài từ 1-6 tháng đều tăng cao so với tháng trước, điều này cũng lý giải cho việc NHNN điều tiết thanh khoản hệ thống ở các kỳ hạn dài hơn.

Mặc dù tình hình thanh khoản có dịu lại xét chung toàn hệ thống, tuy nhiên cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn trở nên nóng hơn trong tháng qua. Theo các chuyên gia ,do nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến vòng xoáy tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn.

Theo khảo sát của VnBusiness, hiện nay, ở nhiều ngân hàng, tốc độ cho vay đang nhanh hơn hẳn so với huy động tiền gửi tiết kiệm. Đơn cử, tính đến cuối tháng 9/2022, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại VPBank lên tới 145,1%, tức ngân hàng đang cho vay ra tới 145,1 đồng trong khi tiền gửi từ khách hàng 100 đồng; SeABank cũng đang sở hữu tỷ lệ này khá cao với 132,3%, tại Techcombank là 128,7%, tại VIB là 119,6%, HDBank là 118,6%…

Số liệu của NHNN cũng cho thấy, tăng trưởng huy động đang mất cân đối so với tăng trưởng dư nợ tín dụng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,78 triệu tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 2,43% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 10,96%, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.

Áp lực lãi suất đang giảm?

Mặc dù lãi suất huy động tăng rất nhanh trong hai tháng gần đây, tuy nhiên, huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm. Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022.

Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước.

Theo chuyên gia, một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm bao gồm do sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.

Tuy nhiên, hiện nay áp lực lên lãi suất đang có dấu hiệu dịu bớt. Trước hết là lạm phát đang có xu hướng giảm tốc trên toàn cầu. Điều đó khiến các NHTW trên thế giới, đặc biệt là Fed có thể chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Theo đó Fed vừa phát đi thông điệp sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sau khi áp lực lạm phát đã giảm đi đáng kể so với đầu năm nay. Điều đó khiến đồng USD điều chỉnh giảm khá mạnh trong thời gian gần đây, từ đó làm giảm áp lực tới tỷ giá và lãi suất ở trong nước.

Những yếu tố này sẽ giúp NHNN sẽ không tăng thêm lãi suất điều hành như các chuyên gia và công ty phân tích thị trường đã nhận định trước đó. Điển hình là chuyên gia của Ngân hàng UOB tại Việt Nam nhận định có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý 1/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020.

Theo đó, các NHTM có thể sẽ điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn cho phù hợp với giá vốn đầu vào để ổn định lãi suất cho vay trên thị trường. Điều này đã được 18 NHTM thống nhất trong cuộc họp với NHNN Việt Nam mới đây. Trên cơ sở đó, Vietcombank đã công bố giảm 1% lãi suất cho vay trong hai tháng 11 và 12/2022 đối với tất cả các khoản vay của cá nhân và tổ chức, trừ khoản vay bất động sản, chứng khoán; tương tự HDBank cũng vừa công bố giảm từ 0,5%-3,5% lãi suất cho vay khách hàng trong hai tháng cuối năm 2022…

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ap-luc-thanh-khoan-da-diu-bot-nhung-ngan-hang-van-vat-va-huy-dong-tien-gui-1089735.html