Áp lực tụ họp cuối tuần với cấp trên, đồng nghiệp

Nhiều nhân viên không muốn phải dành tiền bạc, thời gian nghỉ ngơi để tham dự những cuộc vui không phù hợp, nhưng cũng ngại từ chối vì sợ bị cô lập, đánh giá.

23h khuya thứ bảy, Như Mỹ (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) mệt nhoài bước ra từ một quán bar sôi động trên phố Bùi Viện. Đây là địa điểm mà công ty cô thường tổ chức tụ họp vào các buổi cuối tuần.

Như Mỹ làm việc tại công ty với vị trí chuyên viên tư vấn bảo hiểm. Cô xem việc gặp gỡ đối tác, khách hàng và cấp trên là một trong những yếu tố then chốt để công việc thuận lợi hơn.

Khó lòng tách khỏi tập thể, cô phải dành thời gian tham gia các cuộc vui theo sở thích số đông, dù bản thân mình chán ngán.

"Tôi cảm thấy phí tiền khi tham gia những cuộc vui không phù hợp với mình. Nhưng vì cái nhìn của đồng nghiệp và cấp trên, tôi không dám từ chối", Như Mỹ thở dài, cho biết thêm phải thanh toán một triệu đồng trên tổng hóa đơn 18 triệu đồng của cuộc vui ngày hôm đó.

"Con số có vẻ không quá nhiều, nhưng mỗi tuần phải trả vài lần thì rất tốn kém", cô nói thêm.

Tương tự Như Mỹ, Phương Linh (23 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng khó từ chối những lời mời ăn uống cuối tuần cùng công ty. Nhân viên văn phòng này thuộc tuýp người hướng nội, cô không thích những tụ điểm vui chơi, ăn uống đông người tại trung tâm thành phố, nhưng không dám nói lên ý kiến của mình.

Công ty chứng khoán mà cô đang làm việc có số lượng nam giới chiếm đến hơn 70%. Cấp trên luôn yêu cầu nhân viên nữ có mặt đầy đủ vì "có nam, có nữ mới vui".

"Tôi mới vào công ty nên cố gắng hòa nhập với mọi người. Tôi sợ nếu từ chối sẽ bị đánh giá không tốt, xa cách tập thể hoặc bị sếp khó chịu", cô tâm sự.

Không chỉ chán ngán với không khí gượng gạo của buổi tiệc, Phương Linh còn ngần ngại bởi phải chi tiêu tốn kém. Thu nhập chưa cao, đối với cô, mỗi buổi tiệc đều tiêu tốn số tiền không nhỏ.

"Có lần chúng tôi được sếp mời, nhưng hầu hết tự chia hóa đơn, trung bình tốn ít nhất 500.000 đồng cho một buổi ăn uống. Những cuộc vui này làm tôi khó tiết kiệm, cũng như mất đi khoản tiền dành cho hoạt động cá nhân", cô nói.

Nhiều nhân viên mệt mỏi với những cuộc vui tốn kém, không mong muốn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Trọng Nghĩa (26 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) càng áp lực với những buổi tụ họp công ty bởi bị hối thúc uống bia, rượu.

Anh cho biết mình thuộc tuýp người khó nói lời từ chối. Không riêng gì cuộc vui cuối tuần, bất cứ khi nào có đồng nghiệp lên tiếng rủ đi chơi, anh đều chấp nhận đi theo.

"Ban đầu, tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ và để không bị đánh giá về thái độ", anh nói.

Trọng Nghĩa bắt đầu tham gia vào nhiều cuộc vui cùng đồng nghiệp, từ một người không biết uống rượu, bia anh phải tập dần để làm quen với mọi người. Anh tham gia cả những bữa ăn xa hoa mà bình thường bản thân không dám chi trả chỉ vì không biết cách từ chối.

"Tôi đi ăn lẩu tốn 500.000 đồng/người, thấy quá mắc nhưng đành bấm bụng. Các buổi đi uống rượu tại bar tốn ít nhất là 400.000 đồng. Còn các cuộc vui khác như đi cắm trại, ăn uống sang trọng hơn, tôi chi trả khoảng 1,5 triệu đồng", Trọng Nghĩa vừa nói, vừa tính nhẩm trung bình một tháng anh chi hơn 4 triệu chỉ để góp vui với đồng nghiệp. Con số này đang chiếm 1/3 lương của anh.

Như Mỹ bận rộn ở văn phòng, gặp khách hàng từ sáng đến trưa rồi tham gia cuộc vui với công ty vào tối cuối tuần. Chia sẻ với Zing, cô cho biết bản thân đang cảm thấy rất mệt mỏi.

Trong những lần tụ họp như vậy, cô thường cố đến sớm nhằm chào hỏi và tạo ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp. Sau đó, cô viện cớ xin về trước vì những lý do cá nhân. Đây là phương án tạm thời mà cô nghĩ ra để né những bữa nhậu "thâu đêm, suốt sáng".

"Mọi người ở công ty tôi dường như đã quen với khối lượng công việc và các hoạt động vui chơi cuối tuần. Thú thật, trong ngành của tôi, mọi người thường bảo nhau thích ứng với điều này. Tôi không chắc mình có thể phù hợp với công việc", cô thở dài.

Việc tụ họp, vui chơi nhiều vào cuối tuần làm nhiều người chán ngán. Họ mong muốn được nghỉ ngơi, thư giãn tại nhà. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Còn Trọng Nghĩa, anh đang bắt đầu cân bằng lại cuộc sống của mình và học cách nói từ chối.

"Điều tôi lo lắng nhất là vấn đề tài chính. Tôi phải biết cách chọn lọc những cuộc chơi, không để bản thân rơi vào tình trạng cháy túi nữa", anh tâm sự.

Sức khỏe cũng là một trong những lý do khiến Trọng Nghĩa nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này. Anh gặp các vấn đề về giấc ngủ, đầu óc không được tỉnh táo sau khi uống quá nhiều bia, rượu.

"Có rất nhiều cách để tạo dựng hoặc duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Chúng ta có thể chỉ cần cùng đi ăn trưa, uống cà phê... Tôi vẫn sẽ tham gia những bữa nhậu cuối tuần, nhưng chỉ vào dịp quan trọng như sinh nhật, tổng kết quý...", anh cho hay.

Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm lý và hành vi, nhiều người trẻ khó lòng nói lời từ chối trong môi trường làm việc. Họ lưỡng lự vì sợ làm xấu hình ảnh bản thân, bị đánh giá không tích cực gây ảnh hưởng đến thành tích và quá trình thăng tiến của bản thân.

Tuy nhiên, nếu mạnh dạn đưa ra lời từ chối phù hợp, họ sẽ trở nên có tầm ảnh hưởng hơn với sếp và đồng nghiệp của mình.

Trao đổi với Zing, ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ khoa học, chủ tịch Hội đồng Quản trị Học viện Thành Công, nhận định từ chối là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong công việc và cuộc sống. Khi chúng ta biết nói từ chối một cách khôn khéo, bản thân sẽ có nhiều thời gian tập trung để giải quyết các công việc quan trọng, ưu tiên khác.

Theo chuyên gia, nhân viên có thể chứng minh năng lực với sếp qua kết quả công việc thay vì những cuộc vui bên lề. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Để thành thạo kỹ năng sống này, ông khẳng định người trẻ cần phải lập kế hoạch để phân chia rõ các công việc, lời mời, sự nhờ vả vào 4 nhóm cụ thể sau:

- Nhóm quan trọng, khẩn cấp

- Nhóm quan trọng, không khẩn cấp

- Nhóm không quan trọng, nhưng khẩn cấp

- Nhóm không quan trọng cũng không khẩn cấp

Từ 4 nhóm cụ thể đó, người trẻ có thể phân chia và xác định được đâu là những trường hợp mình nên nói lời từ chối.

"Không biết cách nói lời từ chối, bạn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân vì ai cũng đều chỉ có một quỹ thời gian giới hạn. Nếu muốn chứng minh khả năng với sếp, nhân viên nên chọn cách hoàn thành và làm tốt công việc. Khi đó, họ không cần phải sợ người khác đánh giá", ông nói.

Ông cũng chia sẻ một số cách từ chối khôn khéo khi nhân viên làm việc trong doanh nghiệp như: Hãy sử dụng từ ngữ tích cực, thể hiện sự chân thành và tạo lý do chính đáng.

Bạn cũng nên thẳng thắn từ chối nếu không cảm thấy phù hợp hoặc trì hoãn cuộc hẹn vào thời điểm bạn cảm thấy thích hợp hơn.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-tu-hop-cuoi-tuan-voi-cap-tren-dong-nghiep-post1342124.html