Áp thuế nhập khẩu mới hàng hóa Mỹ, Nga chỉnh luật chơi

Nga áp thuế nhập khẩu mới cho hàng hóa Mỹ là cách Tổng thống Putin điều chỉnh cuộc chơi, góp phần tái lập thế cân bằng trong cơ chế đa phương...

Reuters đưa tin, theo tài liệu do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 22/5, Nga cảnh báo sẽ trả đũa việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép và nhôm của Trung Quốc, nhưng không miễn trừ với Nga.

Và trong chuyến thăm Belarus mới đây, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho cho biết Nga đã có kế hoạch về việc áp mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, để trả đũa vụ Mỹ đánh thuế lên thép, nhôm.

Các mức thuế của Nga đối với hàng hóa xuất khẩu thường niên của Mỹ, chỉ có tổng trị giá khoảng 538 triệu USD, vì vậy hành động trả đũa của chính phủ Nga bị xem là cú đánh thiếu lực, chỉ như gãi ghẻ với Mỹ.

Nga đang tìm cách ngăn chặn Mỹ vô hiệu hóa WTO

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chính phủ Nga áp thuế nhập khẩu mới với hàng hóa Mỹ không chỉ nhằm trả đũa Mỹ, mà Moscow hướng tới mục tiêu lớn hơn nhiều. Đó là điều chỉnh luật chơi của Mỹ.

Việc đáp trả của Nga là nhằm ngăn chặn việc Mỹ tùy tiện áp dụng các nguyên tắc trong cơ chế thương mại song phương cho cơ chế thương mại đa phương, từ đó vô hiệu hóa các nguyên tắc của WTO.

Chính ông Oreshkin đã cho biết: "Nga sẽ sử dụng quyền được quy định bởi Tổ chức Thương mại Thế giới và chuẩn bị đưa ra một số biện pháp đáp trả nhằm tái cân bằng xuất- nhập khẩu với Mỹ".

Như đã biết, WTO là một diễn đàn toàn cầu và là một tổ chức quốc tế thống nhất, một tổ chức hoạt động quản lý tất cả các hoạt động thương mại đa phương, là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích từng quốc gia thành viên.

Thương mại đa phương đang là biểu hiện cho xu thế toàn cầu hóa và WTO là biểu tượng cho xu thế đó, khi thành viên của WTO có thể tham gia các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình.

Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới cho thương mại quốc tế, qua đó giúp hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu thế hội nhập - toàn cầu hóa.

Tham gia vào WTO là hướng tới đa lợi ích, khi hiệp định thương mại đa phương được xem như một công cụ giúp cho các quốc gia thành viên có thể khai thác lợi ích đan xen mà hiệp định thương mại song phương không mang lại được.

Biểu hiện rõ nhất khi tham gia vào WTO là tham gia vào liên kết chuỗi, giúp cho lợi ích của các thành viên WTO có được từ cả quan hệ trực tiếp lẫn quan hệ gián tiếp, trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Và với cả IMF và WB

Trong quan hệ thương mại song phương thì, hoặc là "ưu thế luôn thuộc về kẻ mạnh", hoặc phải ngang bằng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.

WTO ra đời là nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng với cơ chế thương mại đa phương.

Mỹ là một trong những nước khởi xướng và đi đầu trong tham gia vào cơ chế đa phương, thúc đẩy toàn cầu hóa, tuy nhiên khi xem “nước Mỹ là trên hết” thì chính quyền Trump đã đi ngược lại những luật chơi mà Mỹ đã đưa ra để tạo cuộc chơi.

Có thể thấy rằng, trong thế giới đơn cực thời hậu Chiến tranh Lạnh xoay quanh trục Mỹ, hầu như Washington tự đưa ra luật chơi - trong cả quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao quốc tế - từ đó tạo ra một trật tự thế giới theo ý muốn của người Mỹ.

Vậy nhưng, khi các thực thể khác - trong đó có Nga - chấp nhận luật chơi thì chính tác giả của luật chơi lại luôn phạm luật.

Khi gặp phản ứng bất lợi thì thực hiện ngay hành động của kẻ mạnh. Việc tăng thuế nhôm, thép là một hành động của kẻ mạnh.

Nga không tham gia vào việc xây dựng những nguyên tắc của WTO và gia nhập WTO gần như đồng thời với việc bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, vì vậy Nga đã hiểu rất rõ luật chơi và cách chơi của Mỹ.

Năm 2007, chính Tổng thống Nga Putin từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Mỹ áp đặt luật lệ lên các thực thể khác, nhưng "chẳng ai làm gì để ngăn chặn điều đó và giờ tất cả phải chịu hậu quả".

Nhận diện sự nguy hại từ việc đưa ra luật chơi, rồi phạm luật chơi của Mỹ, Tổng thống Putin đã chọn hồi sinh sức mạnh Nga - cả về tiềm lực kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự - để đảm bảo không gục ngã khi Mỹ phạm luật chơi.

Và khi không thể chấp nhận được việc Washington tự tung tự tác, biến các định chế quốc tế thành công cụ của mình, Moscow đã tìm cách điều chỉnh luật chơi và qua đó điều chỉnh cuộc chơi, đảm bảo bình đẳng cho những tiểu nhược trước các đại cường.

Tổng thống Putin không để cho Tổng thống Trump xem nước Mỹ là trên hết để phá bỏ luật chơi mà chính Mỹ đã tạo ra

Trong một cuộc khảo sát của BBC trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, hầu hết người dân các nước được khảo sát đều cho rằng đóng góp lớn nhất của Tổng thống Putin nhân loại là tạo ra thế cân bằng quyền lực cho thế giới.

Việc Nga áp thuế nhập khẩu mới cho hàng hóa Mỹ cũng được xem là một trong những cách mà ông Putin điều chỉnh cuộc chơi, góp phần tái lập thế cân bằng trong cơ chế đa phương của WTO.

Ngoài WTO, Nga cũng đang có những hiệu chỉnh đối với các định chế quốc tế khác, như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bởi đây là những định chế ra đời trong cơ chế thị trường tự do.

Song thực tế cho thấy cả IMF và WB đều là công cụ của Washington để đảm bảo sự thống trị về kinh tế và chính trị của Mỹ. Họ gây áp lực với các quốc gia yếu kém phải chấp nhận quy tắc Washington Consensus - Sự đồng thuận của Washington.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/ap-thue-nhap-khau-moi-hang-hoa-my-nga-chinh-luat-choi-3360423/