APA: Khoảng cách từ cơ chế đến thực thi

(HQ Online)- Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam, ông Phan Vũ Hoàng cho rằng, tính từ thời điểm 1-7-2013 khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, đã mở đường cho việc thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) cho các DN, đặc biệt các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nhiều nước đã áp dụng APA để quản lý chuyển giá trốn thuế và hiện APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến. Ảnh: S.T

Tính đến nay đã hơn 1 năm, mặc dù đã có nhiều DN FDI quan tâm tìm hiểu về APA tại Việt Nam, nhưng tiến trình đàm phán thực hiện APA giữa DN với cơ quan Thuế không phải chuyện một sớm một chiều.

“Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế- được xem là văn bản quy phạm pháp luật cho APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo chủ động cho DN FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.”- ông Phan Vũ Hoàng nói.

Nhìn ra thế giới như: Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ từ lâu đã có hướng dẫn về xử lý đối với vấn đề chuyển giá trốn thuế. Theo OECD khuyến nghị thì nhiều nước đã áp dụng APA để quản lý chuyển giá trốn thuế và hiện APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán trước được mức giá giao dịch giữa các bên liên kết.

Đối với Việt Nam, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định rõ về APA tại Việt Nam. Đây là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định.

Trong đó, xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường và được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.

Các giao dịch được phép thực hiện APA cũng được quy định cụ thể như: Các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

Tuy nhiên, theo ông Phan Vũ Hoàng, việc áp dụng APA trên thực tế cũng không phải đơn giản vì để tìm được tiếng nói chung, nhất là việc cơ quan Thuế và DN thỏa thuận về việc áp dụng giá giao dịch trong tương lai. Chẳng hạn như DN đăng ký biên độ tỷ suất lợi nhuận là từ 8% đến 10%. Nếu có những ảnh hưởng khách quan về thị trường, chi phí đầu vào khiến tỷ suất lợi nhuận không đạt được, thì có rủi ro là cơ quan Thuế sẽ vẫn ấn định thuế Thu nhập DN trên cơ sở mức đã đăng ký.

Tuy nhiên, nếu DN hoạt động tốt và vượt mức tỷ suất lợi nhuận đã đăng ký thì cơ quan Thuế sẽ thu thuế thêm trên phần vượt…

Đó là lý do ở nhiều quốc gia để ký kết được APA giữa cơ quan Thuế với DN cũng tiêu tốn khoảng thời gian nhất định. Ví như ở Hàn Quốc, thời gian trung bình để ký kết là 1 năm và 8 tháng đối với APA đơn phương (có nghĩa là kể từ khi nhận được đơn đến khi kết thúc) và 2 năm 5 tháng đối với APA song phương (có nghĩa là từ khi bắt đầu đến khi kết thúc). Đối với Mỹ thì thời gian xử lý để hoàn thành APA đơn phương là 24 tháng và APA song phương/ đa phương là 45 tháng.

Nhìn góc độ khác, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, một trong những khó khăn khi đàm phán APA chính là việc xác định giao dịch hàng hóa, dịch vụ của DN có sát giá thị trường hay không thì phải có thông tin. Cơ quan thuế có thể khai thác thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có thông tin rất quan trọng là do cơ quan Thuế các nước cung cấp.

Từ cuối năm 1992, Việt Nam đã đàm phán và ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định này với khoảng 70 quốc gia.

“Nhưng để có những thông tin này không hề dễ dàng, vì một mặt, cơ quan thuế nước ngoài cần có thời gian để tra cứu, tìm hiểu; mặt khác, vì lợi ích DN nước họ, nên cơ quan Thuế nước ngoài cung cấp thông tin thường chậm hoặc cung cấp không đầy đủ”- bà Cúc nhấn mạnh.

Song song với việc triển khai cơ chế APA, trong những năm vừa qua cơ quan Thuế đã tập trung lực lượng thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu chuyển giá. Năm 2013, có 1.965 DN có dấu hiệu chuyển giá bị thanh tra, kiểm tra. Năm 2014, cơ quan Thuế đặt ra mục tiêu thanh tra khoảng 1,65% số DN đang nằm trong diện quản lý, còn kiểm tra sẽ là 13%.

Kết quả, trong nửa năm 2014, cơ quan Thuế đã thực hiện với 557 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, truy hoàn và xử phạt là 579,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 25,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.517,2 tỷ đồng.

“Trọng tâm thanh tra thuế từ nay tới cuối năm của cơ quan Thuế nhiều khả năng sẽ tập trung vào một số DN và ngành điển hình như: DN với dấu hiệu có vấn đề về chuyển giá, đặc biệt là các DN FDI; DN có khoản hoàn thuế GTGT lớn; DN được hưởng các ưu đãi; DN thuộc một số ngành rủi ro cao về thuế như thương mại điện tử, bảo hiểm, bất động sản; DN có khả năng phải chịu nghĩa vụ thuế nhà thầu và DN không bị thanh tra thuế trong một thời gian dài…”- ông Phan Vũ Hoàng nói.

Chính vì vậy, ông Phan Vũ Hoàng khuyến cáo, để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, DN cần chủ động rà soát lại toàn bộ các hoạt động giao dịch dù có phát hiện hay không dấu hiệu chuyển giá giao dịch với bên liên kết thì cần chủ động hoàn thành ngay hồ sơ chuyển giá. Bởi vì việc DN chủ động có sẵn hồ sơ chuyển giá sẽ thuận lợi hơn, vì điều này một phần thể hiện DN tương đối minh bạch, rủi ro về vi phạm thuế thấp nên xét về mặt ý thức chấp hành cũng sẽ được đánh giá cao hơn…

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khoang-cach-tu-co-che-den-thuc-thi.aspx