APEC 2018: Diễn đàn 'đấu khẩu' và tranh giành ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội công kích lẫn nhau và tranh giành sức ảnh hưởng tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Và không chỉ có hai gã khổng lồ tham gia cuộc chơi này.

Phó Tổng thống Mike Pence nói Hoa Kỳ "tiếp cận có nguyên tắc" trong việc cung cấp tài chính cho phát triển hạ tầng trong khu vực, trái ngược hẳn với hành vi "ăn cướp" của một số quốc gia khác. (Ảnh: AFP)

Đấu khẩu nhưng vẫn tung “nhành ô liu”

“Tăng trưởng toàn cầu bị chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương phủ bóng đen”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị kinh doanh APEC CEO Summit ngày 17/11 được tổ chức trên một chiếc du thuyền đậu ở cảng Port Moresby. “Lịch sử đã cho thấy rằng đối đầu, dù là hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại đều không có kẻ chiến thắng”, ông Tập phát biểu. Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng không có vấn đề gì các quốc gia không thể giải quyết được thông qua đàm phán, nếu họ thật sự hiểu nhau.

Bài phát biểu của ông Tập được xem như tín hiệu “cành olive hòa bình” trước khi các thảo luận với Tổng thống Donald Trump diễn ra tại Argentina vào cuối tháng 11 này.

Ông Tập Cận Bình và ông Mike Pence không hề nêu tên đích danh đối thủ trong các bài phát biểu của mình và các bài phát biểu của họ đều giảm "tông" so với trước đây. Các nhà phân tích nói đây là tín hiệu "hai bên sẽ hòa đàm" vào cuối tháng 11/2018 tại Argentina khi ông Tập gặp ông Trump bên là hội nghị G7. (Ảnh: Nikkei)

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence làm chủ diễn đàn sau đó.

“Như chúng ta đã biết, Trung Quốc liên quan và tham gia vào hạn ngạch (quota), cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp bản quyền và trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước ở mức độ chưa từng có. Hoa Kỳ sẽ kiên định cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử của mình".

Các vấn đề Phó Tổng thống Pence đề cập sẽ là trọng tâm thảo luận của 21 thành viên APEC trong ngày 18/11. Các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố về tự do mậu dịch trong khuôn khổ APEC.

Các bản dự thảo trước đó cho thấy Hoa Kỳ đã gây sức ép và đòi hỏi phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và “xóa bỏ tất cả các hoạt động thương mại bị biến tướng”, như cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp chính phủ đối với ngành sản xuất trong nước.

Một ngày trước khi APEC khai mạc, hôm 16/11 Tổng thống Trump đã nói với các nhà báo rằng ông đã nhận được từ Trung Quốc “danh sách lớn” với 142 lĩnh vực mà Bắc Kinh nói sẽ thay đổi theo yêu cầu của Washington. Ông Trump nói danh sách này “chưa chấp nhận được” nhưng nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ có thể không đánh thêm thuế lên hàng hóa của Trung Quốc.

Trong ngữ cảnh đó, bài phát biểu của ông Pence có thể được xem là tín hiệu để hai gã khổng lồ có thể thảo luận về hòa ước để tạm dừng cuộc chiến thương mại.

Tấm bảng quảng cáo khổng lồ đăng hình Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Peter O'Neill ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea trong dịp APEC 2018. (Ảnh: Reuters)

Chạy đua giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương

Khi vừa bước ra khỏi sân bay quốc tế Jacksons của thủ đô Port Moresby, logo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt các đoàn đại biểu APEC.

Cổng chào được dựng lên trước một khách sạn sang trọng nơi Chủ tịch Tâp trú ngụ, và bên ngoài là rừng cờ đỏ chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc… Nước chủ nhà thể hiện sự trân trọng đối với chủ nợ của mình – Papua New Guinea vay của Trung Quốc đến 590 triệu USD, nhiều nhất trong các đảo quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương này.

Ông Tập đến Port Moresby, cách Sydney khoảng 2.700km về hướng Bắc hôm 15/11, hai ngày trước khi APEC nhóm họp. Dù rằng nước chủ nhà APEC khẳng định rằng chuyến thăm của ông Tập hoàn toàn không liên quan đến cuộc họp thượng đỉnh, không ai có thể phủ nhận sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nơi đây. Bên ngoài một trung tâm hội nghị APEC là đài phun nước là bảng được khắc “Tài trợ từ Trung Quốc”.

“Ngày nay, Papua New Guinea là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực, trong khi Trung Quốc là nhà đầu tư và nhà thầu dự án lớn nhất ở đất nước này”, ông Tập viết trên mục bình luận của các báo địa phương. “Sự phát triển nhanh chóng quan hệ hai nước là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ lớn giữa Trung Quốc với các đảo quốc Thái Bình Dương”.

Chủ tịch Tập Cận Bình đến Papua New Guine hai ngày trước khi APEC 2018 khai mạc. (Ảnh: AFP)

Tất cả là dấu hiệu tham vọng của ông Tập trong việc mở rộng dấu ấn của Trung Quốc ở Nam Bình Dương qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng của sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Các công trình nhộn nhịp ở đảo quốc này – thành viên nhỏ nhất và yếm thế nhất của APEC – là chỉ dấu cho thấy sự bành trướng đến từng ngõ ngách của các công trình xây dựng có vốn của Trung Quốc tại khu vực.

Chủ tịch Tập đã mời 8 nhà lãnh đạo của các quần đảo Cook, Fiji, Micronesia, Niue, Samoa, Tonga, Vanuatu, và Papua New Guinea đến khách sạn ông ở để thảo luận. Sáu quần đảo Nam Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan – cái gai trong mắt của Trung Quốc – đã không được mời. Lực lượng an ninh Trung Quốc cũng từ chối không cho tất cả các nhà báo của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương họp và đưa tin về cuộc họp với ông Tập, dù rằng nước chủ nhà Papua New Guinea đã mời họ.

Đối với nhiều người, Trung Quốc đang cố gắng lắp vào chỗ trống của phát triển hạ tầng trong khu vực. Đã có nhiều phê phán rằng Trung Quốc đang giương sẵn “bẫy nợ” để giành quyền kiểm soát hay thôn tính tài nguyên quan trọng, như các cảng biển chiến lược chẳng hạn.

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã làm Australia, láng giềng lớn nhất của Papua New Guinea, phản công với các kế hoạch riêng của mình. Australia đã tài trợ 100 triệu USD cho hội nghị thượng đỉnh, bao gồm việc bảo vệ an ninh thủ đô Port Moresby vốn được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh.

Nội các của tân Thủ tướng Scott Morrison đã thông báo một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 tỷ USD. Vào đầu tháng này, Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Peter O’Neill của Papua New Guinea đã đồng ý xây dựng căn cứ hải quân chung trên đảo Manus.

Đồng minh của Australia là Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng lao vào “cuộc chơi lớn” ở Nam Thái Bình Dương. Phó Tổng thống Mike Pence, thay mặt cho Tổng thống Donald Trump, loan báo tại APEC chương trình tài trợ xây dựng hạ tầng trị giá 60 tỷ USD mà Hoa Kỳ vừa thành lập. Nhật Bản cũng góp thêm vào nỗ lực của Hoa Kỳ với 10 tỷ USD.

“Chúng tôi không kéo đối tác của mình vào hố sâu nợ nần. Chúng tôi không ép buộc hay xâm phạm độc lập của quý vị. Chúng tôi không đưa ra dây lưng thắt chặt hay một con đường một chiều nào cả”, ông Mike ám chỉ đến sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Trong khi chỉ trích “bẫy nợ” của Trung Quốc, Phó Tổng thống Pence không quên nói rằng Hoa Kỳ đưa ra “sự lựa chọn tốt hơn”.

Cờ Trung Quốc trên con đường chính vào hội trường họp của thành phố Port Moresby. Bên cạnh Trung Quốc, Australia là nước tài trợ chính cho việc tổ chức APEC 2018 của Papua New Guinea. (Ảnh: Wataru Suzuki)

Các đảo quốc Nam Thái Bình Dương đang hưởng lợi

Tổng thống Donald Trump không có mặt mà chỉ cử vị phó của mình tham gia hội nghị APEC. Sự vắng mặt đó tạo cho ông Tập một cơ hội lớn tại Nam Thái Bình Dương và ông Tập đã dành đến bốn ngày để khuếch trương thanh thế của mình (từ ngày 15 đến 18/11). Sau APEC, ông Tập dự định đi Brunei và Philippines đến hết ngày 21/11.

Sự đối đầu trong khu vực giữa hai gã khổng lồ và kể cả đồng minh của họ có thể dẫn đến khả năng bất ổn về an ninh tại Papua New Guinea, vốn nổi tiếng về tỷ lệ bạo lực và tội phạm cao – mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi là “trở ngại chính cho phát triển lâu dài”. Nhà cửa và khách sạn ở đảo quốc được bao bọc kỹ lưỡng bằng các bức tường cao. Nikkei Asian Review nói ngay kế hoạch ban đầu là ông Pence không ở lại qua đêm ở Port Moresby mà chọn cách bay từ thành phố Cairns của Australia. Tuy nhiên, vào giờ chót, tối qua ông Pence đã ở lại vì ngại các nước thành viên APEC phê "thiếu tinh thần hợp tác", nhưng cái chính vẫn là sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Còn với dân thường ở thành phố này, sự đối đầu giữa các cường quốc vùng Thái Bình Dương dường như là cơ hội. Iro Terea, 45 tuổi, thất nghiệp hơn hai năm qua từ khi một dự án trường học do Australia cấp vốn kết thúc.

“Đây là các nền kinh tế khổng lồ. Khi họ cạnh tranh với nhau thì điều đó tốt cho chúng tôi. Cuối cùng, người dân Papua New Guinea mới là người chiến thắng”, Terea nói.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/apec-2018-dien-dan-dau-khau-va-tranh-gianh-anh-huong-cua-hoa-ky-va-trung-quoc-d72231.html