APEC 2023: Truyền thêm sức sống cho chủ nghĩa đa phương

APEC 2023 là diễn đàn không chỉ giúp nước chủ nhà Mỹ thể hiện những cam kết mạnh mẽ đối với khu vực mà còn truyền thêm sức sống cho chủ nghĩa đa phương.

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra ở TP San Francisco (Mỹ) cho thấy sức sống của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Hơn thế nữa, APEC 2023 là diễn đàn giúp Mỹ truyền đi những thông điệp về cam kết của nước này trong việc can dự kinh tế vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thảo luận nhiều chủ đề lớn

Các nhà lãnh đạo thuộc 21 nền kinh tế APEC đang bước vào cuộc họp quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, đó là Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Theo hãng tin AFP, thúc đẩy thương mại, bảo vệ chuỗi cung ứng và chống khủng hoảng khí hậu là các chủ đề trọng tâm sẽ được các lãnh đạo APEC thảo luận.

Là nước chủ nhà APEC 2023, đây là dịp để Mỹ thể hiện vai trò của một cường quốc kinh tế và truyền đi thông điệp về các cam kết vững chắc của Washington đối với khu vực.

“Việc đăng cai tổ chức APEC năm nay mang đến cho Mỹ cơ hội định hình các chính sách thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một khu vực châu Á - Thái Bình Dương sôi động, nơi chiếm gần 40% dân số thế giới, gần một nửa thương mại toàn cầu và hơn 60% nền kinh tế thế giới” - ông Matt Murray, quan chức cấp cao Mỹ tại APEC 2023, cho hay.

Lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2023) chụp ảnh lưu niệm hôm 16-11 tại TP San Francisco (Mỹ). Ảnh: DOUG MILLS/THE NEW YORK TIMES

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC hôm 16-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh mối quan hệ giữa Mỹ với các nền kinh tế APEC. Ông Biden nhấn mạnh rằng trong nhiều thập niên qua, cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực là bàn đạp cho phép tăng trưởng mang tính chuyển đổi, đảm bảo dòng chảy thương mại mở và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

“Ngày nay, mối quan hệ đó đi theo cả hai hướng. Mỹ vẫn quan trọng đối với tương lai khu vực và khu vực này quan trọng hơn bao giờ hết đối với Mỹ” - ông Biden phát biểu.

Về mặt kinh tế, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết 60% hàng xuất khẩu của Mỹ là sang các nước APEC và khu vực này cũng là nơi các doanh nghiệp Mỹ có đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.

Cũng trong bài phát biểu của tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, ông Biden cho rằng mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc là điều tốt cho thế giới. “Mối quan hệ ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tốt cho hai nền kinh tế đó mà còn cho cả thế giới” - ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã giúp thế giới “dễ thở” hơn một phần khi hai bên đều nhấn mạnh về việc ổn định và quản lý mối quan hệ song phương. Đáng chú ý tại thượng đỉnh Mỹ - Trung, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại các kênh liên lạc quân sự - dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tan băng trong quan hệ hai nước.

Tiếp sức chủ nghĩa đa phương

Theo nhận định của Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (Tony Blair Institute for Global Change - Anh), đối với các nền kinh tế APEC, Hội nghị thượng đỉnh APEC 2023 là một diễn đàn quan trọng vì diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung thiên về ngăn chặn khủng hoảng hơn là tăng cường hợp tác và thế giới đang nỗ lực phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

“Mặc dù hội nghị thượng đỉnh có thể không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho tất cả thách thức này nhưng vẫn có cơ sở để các nền kinh tế thành viên APEC lạc quan một cách thận trọng” - theo Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu.

Trong thời điểm toàn cầu bị gián đoạn và bất ổn về địa chính trị, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tái quan tâm đến việc tổ chức APEC là một tín hiệu gửi đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương về sự lãnh đạo mới của Mỹ trong khu vực.

(Theo tạp chí The Diplomat)

Với chủ đề “Kiến tạo một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”, Tuần lễ APEC năm nay đã tổ chức hàng loạt hội nghị cấp cao giữa các quan chức 21 nền kinh tế, bao gồm Hội nghị bộ trưởng Tài chính APEC, Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC... Tại các cuộc họp, đại diện các nền kinh tế đều khẳng định APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực để thúc đẩy hợp tác đa phương.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ nghĩa đa phương, với đại diện là các thể chế như APEC, đã góp phần đáng kể vào sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu trong những thập niên gần đây, theo tờ China Daily.

Chuyên gia Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm châu Á hòa nhập mới (Malaysia), nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị APEC khi có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc cũng như những nền kinh tế năng động tại khu vực. “Thế giới cần một cách tiếp cận hợp tác cởi mở và toàn diện như APEC, thay vì đơn phương” - ông Koh nói.

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2023, hàng loạt cuộc tiếp xúc đa phương đã diễn ra, cho thấy sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa đa phương. Đầu tiên phải kể đến là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của 12 thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 15-11 sau khi Anh chính thức gia nhập khối vào tháng 7. Tại cuộc họp, các bộ trưởng “tái khẳng định rằng CPTPP mở cửa đón nhận các nền kinh tế sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định và có khuôn mẫu thể hiện sự tuân thủ các cam kết thương mại”.

Một kết quả quan trọng nữa về tiến độ Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC, vào ngày 16-11, lãnh đạo các nền kinh tế đang tham gia đàm phán IPEF đã gặp nhau. Theo tuyên bố chung, các nước đã ký thỏa thuận chuỗi cung ứng và về cơ bản kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận kinh tế sạch và thỏa thuận kinh tế công bằng đổi mới.•

Hội nghị thượng đỉnh APEC lạc quan về hợp tác AI

Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh bày tỏ sự lạc quan về hợp tác quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như quy định chặt chẽ đối với công nghệ mới nổi, theo tờ Nikkei Asia.

Trước đó, tại thượng đỉnh Mỹ - Trung hôm 15-11, ông Biden và ông Tập nhất trí thiết lập đối thoại liên chính phủ về AI.

Các ông lớn công nghệ hoan nghênh thỏa thuận một cách tích cực, coi đây là một dấu hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước và nhu cầu về việc quản trị AI.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, nói rằng “không có cách nào đạt được tiến bộ về lâu dài nếu không có Trung Quốc và Mỹ thảo luận sâu sắc với nhau về những vấn đề như AI”.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/apec-2023-truyen-them-suc-song-cho-chu-nghia-da-phuong-post762170.html