APEC và dấu ấn Việt Nam

Chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã in đậm dấu ấn Việt Nam với những đóng góp tích cực, chủ động duy trì vai trò của APEC như một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực và thế giới.

Cách đây tròn 20 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của “ngôi nhà chung” APEC. Cùng với việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996 và khởi động đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gia nhập APEC vào năm 1998 là bước đi hợp lý, làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Không thể phủ nhận trong suốt hai thập niên đồng hành với APEC, đây là một trong các diễn đàn đa phương đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho Việt Nam. Cho đến nay, APEC là nơi quy tụ 14/28 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. Chỉ như vậy cũng đủ cho thấy tham gia APEC đã góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của đất nước.

Gia nhập “ngôi nhà chung” APEC còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao nội lực. Sẽ không là quá lời khi cho rằng APEC thực sự góp phần đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam. Nói vậy bởi APEC chiếm tới 75% kim ngạch xuất nhập khẩu, 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Tham gia APEC, Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với khoa học-công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực… góp phần thiết thực vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Và tất nhiên, việc cùng tham gia giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của diễn đàn còn khẳng định hình ảnh một Việt Nam năng động, gắn kết khu vực, từ đó tạo thêm thế và lực mới cho đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Mặc dù không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC, nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác của APEC với tinh thần trách nhiệm cao. Những nỗ lực này thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ nổi lên mạnh mẽ, việc các nhà lãnh đạo APEC cam kết “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cho thấy Việt Nam đã thể hiện được vai trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy tương đồng giữa các thành viên để tạo sự đồng thuận chung.

Không chỉ giới hạn trong năm 2006 và 2017 mà suốt quá trình là thành viên của APEC, với phương châm “biết mình, biết người”, Việt Nam đã năng động tham gia các lĩnh vực mình có điều kiện phát huy vai trò trong một diễn đàn kinh tế đa dạng về trình độ phát triển và phong phú về nội dung hợp tác như APEC. Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực hợp tác của APEC. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi năm 2017 tại Đức. Điều đó thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những sáng kiến, ý tưởng hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC.

Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đã tiến những bước dài trên chặng đường hợp tác và phát triển. Cùng với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đây chính là hành trang để Việt Nam tự tin cùng các nền kinh tế thành viên viết tiếp câu chuyện thành công của APEC nói chung, cũng như khẳng định vị thế xứng đáng của mình nói riêng trong quản trị khu vực và toàn cầu những năm tiếp theo.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/apec-va-dau-an-viet-nam-554773