Apple bán Vision Pro bằng cách chưa từng có

Apple lo ngại Vision Pro sẽ không tạo ra ấn tượng ban đầu tốt cho người dùng lần đầu dùng thử bởi trải nghiệm phức tạp.

Apple lo ngại người dùng không hứng thú với Vision Pro khi dùng thử. Ảnh: Apple.

Táo khuyết ra mắt chiếc kính thực tế hỗn hợp đầu tiên của mình cách đây hơn 7 tháng. Phải đến ngày 2/2 sắp tới, Vision Pro mới được giao đến tay những khách hàng đầu tiên. Theo phóng viên Mark Gurman của Bloomberg, Apple lo ngại người dùng sẽ không hài lòng với trải nghiệm với chiếc kính giá 3.500 USD.

Vì vậy, Táo khuyết phải chuẩn bị một kế hoạch bán hàng đặc biệt cho Vision Pro.

Bài toán khó cho Apple

Theo Bloomberg, Apple phải đối mặt với một trong những thách thức khó khăn nhất về mặt tiếp thị. Công ty cần thuyết phục khách hàng chi trả 3.500 USD để mua một chiếc kính kỳ lạ, với nhiều điểm hạn chế như dung lượng pin chỉ vài giờ, thiết kế khó dùng và chưa có sẵn nhiều ứng dụng hấp dẫn. Trái với tuyên bố “chào mừng người dùng đến với kỷ nguyên điện toán không gian”, Táo khuyết phải thực hiện kế hoạch bán hàng thật cẩn trọng.

Apple cần "huấn luyện" người dùng làm quen với XR, điều họ chưa từng phải làm trước đây. Ảnh: Apple.

Apple dự báo doanh số bán hàng trong những tuần đầu sẽ tăng vọt, sau đó giảm dần. Vì vậy, họ cần chuẩn bị một lượng tồn kho lớn, gấp đôi thông thường tại các cửa hàng. Đây là kịch bản khác hoàn toàn với iPod, iPhone, iPad hay Apple Watch.

Vào năm 2001, iPod dễ dàng thuyết phục khách hàng khi họ cần một thiết bị có thể nghe nhạc khi đang di chuyển. Đến 2007, sự hấp dẫn sau màn trình diễn với iPhone là không cần bàn cãi. Tương tự cho iPad vào 2010, một thiết bị màn hình lớn, có giá khởi điểm 499 USD. Vấn đề phức tạp hơn với Apple Watch khi mẫu đồng hồ thông minh không có doanh số tốt trong thời gian đầu. Tuy nhiên sau đó, nó cũng chiếm được cảm tình nhờ các ứng dụng về sức khỏe và thể dục.

Với các thiết bị trước đây, người dùng không cần được Apple chăm sóc hay huấn luyện nhiều. Họ thử nghiệm sản phẩm tại cửa hàng và nhanh chóng đưa ra quyết định mua sắm.

Vision Pro là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có rất ít người dùng từng trải nghiệm các loại kính VR/AR. Nếu thiết bị không vừa với đầu, thiếu thấu kính khúc xạ phù hợp, ấn tượng có thể rất xấu ngay từ ban đầu. Do vậy, Apple phải lên kế hoạch truyền thông, bán hàng phức tạp chưa từng có cho Vision Pro.

Màn dùng thử dài 25 phút

Để đảm bảo nhân viên bán lẻ làm việc hiệu quả, Táo khuyết tổ chức buổi huấn luyện cho hàng trăm người tại trụ ở Cupertino, California. Các bản dùng thử chiếc kính sẽ được cung cấp ngay trong hôm mở bán tại Apple Store. Những địa điểm lớn được chuẩn bị hàng chục sản phẩm demo, cùng khu vực rộng để thực hiện buổi giới thiệu.

Quy trình dùng thử kéo dài khoảng 25 phút, bắt đầu bằng việc quét mặt người dùng, tương tự cách FaceID vận hành. Việc này giúp nhân viên xác định kết cấu khung xương của khách có tương thích với kính hay không. Nếu cần, họ cung cấp các miếng đệm, dây đeo phù hợp. Nếu khách thử nghiệm có tật khúc xạ, Apple Store sẽ quét kính thuốc để tìm dữ liệu. Sau khi có thông tin, nhân viên lấy các tròng kính có sẵn để lắp cho phù hợp.

Phóng viên Joana Stern của WSJ từng bị nhiều vết hằn trên mặt khi đeo thử Vision Pro trong 30 phút. Ảnh: WSJ.

Sau khi lắp ráp Vision Pro với toàn bộ phụ kiện cần thiết, khách hàng được hướng dẫn sử dụng vòng Fit Dial, cử chỉ mắt, điều khiển tay. Nhân viên cũng sẽ thấy những thứ người dùng đang xem thông qua một chiếc iPad, để sẵn sàng hỗ trợ khi cần.

Chiếc kính demo được cài sẵn nhiều ứng dụng bên thứ 3. Mục tiêu của chương trình dùng thử là đem tới trải nghiệm thú vị, nhưng không mệt mỏi.

Theo Bloomberg, Apple khuyến khích nhân viên dùng thử Vision Pro trước ngày mở bán. Điều này hoàn toàn khác biệt với quy trình thông thường của Táo khuyết. Việc đảm bảo khách thấy thoải mái là một bài toán khó với các nhân viên, nhất là khi đeo lâu. Một số người thử nghiệm cho biết họ thấy mệt mỏi, đổ mồ hôi sau nửa giờ trải nghiệm.

Việc bán Vision Pro cũng phức tạp hơn hẳn iPhone hay MacBook. Người mua được khuyến khích tới cửa hàng để quét khuôn mặt, đeo thử cùng phụ kiện để đảm bảo vừa vặn. Trong khi đó, người mua online sẽ được hỗ trợ quét mặt và tính toán từ xa.

Tới lúc sắp bán ra, Vision Pro vẫn là một canh bạc với Apple. Đây là sản phẩm quan trọng nhất của họ sau gần một thập kỷ. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo nó sẽ thành công trong một hoặc hai năm tới. Mức giá cao, thiết kế cồng kềnh khiến chiếc kính khó tiếp cận được người dùng phổ thông.

Câu chuyện có thể sẽ khác đi sau vài thế hệ nữa, với giá rẻ và thiết kế tinh gọn hơn.

Xuân Sang

Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://znews.vn/apple-ban-vision-pro-bang-cach-chua-tung-co-post1454887.html